Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 2021 | 23:11

ĐBSCL: Tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia đang diễn biến phức tạp. Các tỉnh biên giới ĐBSCL đang ngày đêm căng mình ngăn chặn tình trạng người nhập cảnh trái phép từ bên ngoài vào, cùng với đó xây dựng kịch bản cho tình huống xấu nhất.

 Các chiến sĩ luôn có mặt tại những điểm nóng để phòng, chống dịch.

 

Mỗi nhà là một pháo đài

Đến ngày 26//4, tại tỉnh An Giang chưa có ca bệnh Covid-19 nào xảy ra trong cộng đồng, chỉ có ba ca bệnh gồm BN 2746, 2747, BN2828 nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam vào huyện biên giới An Phú, An Giang và hiện nay sức khỏe cả ba bệnh nhân này ổn định

Hiện, dịch Covid-19 tại Campuchia diễn biến rất phức tạp, số lượng mắc mới không ngừng tăng cao, nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia quay trở về Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh, kể cả nhập cảnh trái phép, trong đó có thể có những người đã mắc bệnh.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nhất là khu vực biên giới, An Giang đã bố trí gần 200 chốt với khoảng 1.500 cán bộ, chiến sĩ để tuần tra chốt chặn 24/24 giờ tại vùng biên giới.

Cùng với đó, tỉnh này kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn quy định về điều kiện để tỉnh ban bố lệnh khẩn cấp. Vì khi có lệnh khẩn cấp thì sẽ triển khai theo quy trình công trình khẩn cấp đối với xây dựng Bệnh viện dã chiến nhằm chủ động trong tiếp nhận điều trị khi số ca bệnh tăng cao.

Chỉ đạo các tỉnh nội địa chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ cho An Giang nói riêng và các tỉnh giáp biên Campuchia nói chung khi lượng người Việt Nam từ Campuchia về tỉnh lớn, vượt khả năng đáp ứng của tỉnh. Cùng với đó, tạm ngưng phân bổ số lượng người nhập cảnh theo các chuyến bay cho An Giang, để tỉnh tập trung bảo đảm công tác phòng chống dịch tuyến biên giới...

Kiểm tra công tác phòng dịch tại An Giang ngày 26/4/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, sắp bước vào kỷ niệm 30/4, lễ hội du lịch vía Bà Chúa xứ Núi Sam, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, vì thế, An Giang cần hoàn thiện xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch chủ động; đối với các lễ hội lớn nhưng tập trung đông người không đeo khẩu trang phải xử phạt.

Đối với quản lý xuất nhập cảnh trái phép, phải xây dựng thế trận lòng dân “mỗi nhà là một pháo đài” tại năm huyện, thị, thành biên giới để khi có người lạ khả nghi người dân sẽ báo ngành chức năng; có chế độ chính sách khen thưởng kịp thời đối với người dân tự giác cung cấp thông tin các trường hợp người lạ, người nhập cảnh trái phép.

 

Kiên Giang xây dựng các kịch bản cho tình huống xấu nhất

Kiên Giang có khoảng 56 km đường bộ tiếp giáp với Campuchia, nhưng khó khăn nhất hiện nay của tỉnh vẫn là đường biển vì có chiều dài lên đến hơn 200 km và 63.000 km2 diện tích mặt nước biển.

Trong đó nhiều vùng nước lịch sử chưa phân định được nên hàng ngày có hàng ngàn tàu cá của hai nước hoạt động từ khai thác hải sản. Chưa kể khu vực lân cận thì người dân qua lại thường xuyên. Hiện nay tỉnh có 128 tổ, chốt với hơn 1.000 chiến sĩ trực và luân phiên. Ngoài ra, trên biển còn có lực lượng tuần tra gồm Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, Cảnh sát biển…

Trước diễn biến dịch Covid-19 ở Campchia, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều phương án để ứng phó. Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho  biết: Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia đang diễn biến hết sức phức tạp vì thế tỉnh đã xây dựng kịch bản xấu nhất để ứng phó, mà theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế là phải đầu tư cơ sở vật chất và trang bị cao nhất để chủ động ứng phó.

Theo đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện, cần cưỡng chế đưa đi cách ly ngay để không lây nhiễm ra cộng đồng đó là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương hiện nay”.

 Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 128 tổ, chốt với hơn 1.000 chiến sĩ trực và luân phiên.

 

Theo kịch bản của tỉnh, trong trường hợp những ngày tới nếu Campuchia chính thức bị “vỡ trận” và lệnh phong tỏa không còn tác dụng nữa thì sẽ nhiều người Việt tìm cách về nước nên phải có các bước chuẩn bị. Đây cũng là lý do Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý cho Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300 - 500 giường bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo bệnh viện dã chiến phải được hoạt động trong thời gian dài. Do đó, sau chuyến khảo sát, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giúp Kiên Giang điều chỉnh về thiết kế bệnh viện dã chiến sát với thực tế, đảm bảo đúng quy định.

Kịch bản thứ 2 là nâng cao công tác điều trị đối với bệnh nhân nặng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đồng ý cho thành lập phòng hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên với số lượng 10 giường bệnh và được trang bị kỹ thuật công nghệ cao như chạy thận nhân tạo, cắt mô.

Thứ 3 là nâng cao năng lực xét nghiệm thì Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho TP Hà Tiên về công tác tập huấn và cả máy móc thiết bị theo hướng từ bị động sang chủ động tầm soát. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ test nhanh để phát hiện sớm và tránh bùng phát thành dịch.

Ông Trung cho biết thêm, việc kế tiếp là đầu tư mở rộng các khu cách ly tại khu vực TP Hà Tiên vì hiện nay mỗi ngày có hơn 10 người nhập cảnh qua cửa khẩu. Trước mắt, trong vòng 10 ngày tới, phòng hồi sức cấp cứu phải được thành lập xong. Trong khi đó, bệnh viện dã chiến chưa biết sẽ hoàn thành khi nào như trên tinh thần càng sớm càng tốt.

Hiện các đơn vị cũng đã khẩn trương thực hiện 2 khu rác thải và nước thải trong khu bệnh viện dã chiến. Bệnh viện dã chiến còn nhiều việc phải làm như hệ thống phần mềm kết nối trung tâm quốc gia. Nhân viên y tế là nguồn tại chỗ với sự một số chuyên gia cho khâu điều trị và phòng dịch”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói.

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, chúng tôi đang kiến nghị với Bộ Y tế hỗ trợ thêm như 40 máy thở, máy chẩn đoán SARS – CoV – 2 cho TP Hà Tiên. Bên cạnh đó, nếu không có gì thay đổi, ngày 9/5 Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới của tỉnh Kiên Giang sẽ khánh thành. Sau khi di dời xong thì Bệnh viện Đa khoa cũ sẽ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến nếu tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp hơn.

 

Bến Tre chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19

Ngày 27/4, tỉnh Bến Tre triển khai đợt tiêm vaccine ngừa Covid - 19 đầu tiên trên địa bàn. Theo số lượng vaccine Bộ Y tế đã phân bổ cho tỉnh (7.300 liều), trong đợt 1, Bến Tre dự kiến phân bổ 4.927 liều cho người làm việc trong các cơ sở y tế; 1.384 liều cho người làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ tuyến xã, cộng đồng; 349 liều cho đối tượng thuộc thành viên ban chỉ đạo các cấp; 417 liều cho người làm ở các khu cách ly và 223 liều cho đội cơ động chống dịch/đội đáp ứng nhanh.

 Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

 

Nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre đã tổ chức tập huấn triển khai tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tại các điểm tiêm chủng (bệnh viện, bệnh xá công an, trung tâm y tế, cán bộ một số trạm y tế).

Nội dung tập huấn đi sâu vào chuyên môn như: việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vaccine, xử lý tai biến (nếu có) sau tiêm… Các cơ sở tiêm chủng được hướng dẫn thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử lý kịp thời trong quá trình tiêm chủng.

Theo kế CDC tỉnh Bến Tre tiếp nhận và cấp phát vaccine cho trung tâm y tế huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm; cấp phát cho bệnh viện trên địa bàn 1 ngày trước khi tiêm. Các bệnh viện và cơ sở tiêm chủng chưa có dây chuyền lạnh sẽ được cung cấp đầy đủ thiết bị bảo quản vaccine.

Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện đa khoa Minh Đức thành lập 2 đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị cơ số thuốc và trang thiết bị cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng; bố trí thêm giường bệnh để tiếp nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Trung tâm y tế các huyện, thành phố bố trí 2 kíp thường trực để hỗ trợ các đơn vị khi có yêu cầu.

 

Cảnh báo về đợt dịch Covid-19 mới có thể tàn khốc hơn

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong 24 giờ qua dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực, diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ dịch Covid-19 lây nhiễm vào Việt Nam rất lớn.

 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đi kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại Kiên Giang (Ảnh: M. Cường).

 

Nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay có thể thấy trên thế giới tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Đối với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để kiểm soát tốt tình hình dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đánh giá Tây Nam Bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Campuchia, khả năng xâm nhập ca bệnh vào Việt Nam. Mặc dù kiểm soát biên giới đường bộ chúng ta đã làm tốt, nhưng kiểm soát biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này.

Vì thế, khi khảo sát Kiên Giang, đặc biệt Hà Tiên, Bộ Y tế thấy phải thành lập bệnh viện dã chiến khu vực này để có thể chủ động và tích cực ứng phó với dịch bênh khi có kịch bản xấu xảy ra.

Trong tuần qua, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng đến tất cả các tỉnh, thành phố trong khu vực để rà soát tất cả các vấn đề liên quan việc ứng phó với dịch Covid-19 tại từng địa phương. Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này đều được rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra.

Kết quả Viện Pasteur TP HCM tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy, 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 của SARS-CoV-2 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top