Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 11 năm 2021 | 0:54

ĐBSH: Điều chỉnh sản xuất, bảo đảm cho thắng lợi vụ Đông

Xác định vụ Đông năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm lương thực thực phẩm dịp cuối năm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, ngành nông nghiệp các địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất.

2a.jpg

Nông dân xã Nhân Hòa tập trung gieo trồng khoai tây vụ đông.

 

Bắc Ninh: Khai thác thế mạnh từ cây trồng vụ đông

Những ngày này, nông dân huyện Quế Võ tập trung thu hoạch lúa mùa, trồng câu vụ đông. Vụ đông năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 2.100 ha cây màu các loại, trong đó cây khoai tây, từ 1.400 đến 1.500 ha.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày cuối tháng 10, tại các xứ đồng của xã Nhân Hòa (Quế Võ), nông dân tất bật xuống đồng làm đất, vun luống, xuống giống trồng khoai tây vụ đông cho kịp thời vụ. Ông Nguyễn Đức Khiên, một trong những hộ thực hiện mô hình mượn đất trồng khoai tây vụ đông ở thôn Trại Đường cho biết: “Phát huy kết quả đạt được từ vụ đông năm 2020, vụ đông năm nay, gia đình tôi tiếp tục triển khai mô hình thuê, mượn ruộng của các hộ trong thôn để trồng khoai tây. Ưu điểm của cây khoai tây là dễ trồng, dễ chăm sóc, khi thu hoạch dễ tiêu thụ, bảo quản và bán được giá. Vụ đông năm 2020, với gần 5 mẫu trồng khoai tây Marabel, gia đình tôi thu hoạch được gần 35 tấn khoai thương phẩm, giá bán thời điểm đó ở mức 12.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí làm đất, mua giống, phân bón, thuê nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch…còn lãi gần 300 triệu đồng”.

Mặc dù bận rộn với công việc là giáo viên nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa vẫn tranh thủ thời gian trồng 1 mẫu khoai tây. Do chủ động được nguồn giống nên với 1 mẫu trồng khoai tây trong vụ đông năm 2020 trừ chi phí, gia đình bà có thu nhập gần 40 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với cấy lúa, hơn nữa khoai tây có thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, khi thu hoạch, tư thương thường thu mua ngay tại ruộng nên người dân rất yên tâm mở rộng diện tích.

Trao đổi với ông Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa được biết: “Vụ đông năm nay, toàn xã  phấn đấu gieo trồng 205 ha cây màu các loại, trong đó chủ lực là cây khoai tây, diện tích 150-160 ha. Sau khi hoàn thành thu hoạch lúa mùa, nông dân trên địa bàn xã tập trung làm đất, gieo trồng cây màu vụ đông.  Ngoài khoai tây, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng khoai lang, ngô nếp, bí xanh, rau xanh các loại để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Đến nay, nông dân trồng được gần 60 ha cây màu các loại, đạt xấp xỉ 30% kế hoạch và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành gieo trồng 205 ha cây màu vụ đông trước ngày 30-11”.

Hiện nông dân huyện Quế Võ đang dồn sức hoàn thành mục tiêu gieo trồng 2.100 rau màu vụ đông trong lịch thời vụ. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, từ nhiều năm nay, khoai tây là loại cây trồng phù hợp đất đai, điều kiện và kỹ thuật thâm canh của nông dân và có hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, trở thành cây làm giàu cho nông dân ở nhiều địa phương. Sản phẩm khoai tây của Quế Võ đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, đặc biệt khoai tây của HTX Nông sản sạch Quế Võ đã được công nhận chất lượng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ngoài cây trồng chủ lực là khoai tây, huyện  tập trung mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế như: Ngô Nếp, khoai lang Hoàng Long, rau xanh, hành tỏi, bí xanh, bí đỏ, đậu, đỗ, lạc... Sản xuất vụ đông được huyện quan tâm chỉ đạo, nhất là đối với cây khoai tây thông qua cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất; hỗ trợ sản xuất giống từ vụ xuân để trồng trong vụ đông; hỗ trợ kho lạnh bảo quản giống và tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu khoai tây Quế Võ tại các hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện chủ trương sản xuất nông nghiệp hàng hoá, Quế Võ đã hình thành vùng sản xuất khoai tây vụ đông tại các xã: Việt Hùng, Quế Tân, Nhân Hòa, Bằng An, Cách Bi, Phượng Mao, Phương Liễu, Bồng Lai, Mộ Đạo, Đại Xuân, Việt Thống, Hán Quảng, Chi Lăng, Châu Phong... với diện tích khoảng 1.300-1.500 ha. Để giúp nông dân mở rộng diện tích trồng cây khoai tây, ngoài lượng giống trong 40 kho lạnh hiện có, người dân tự bảo quản, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh cung ứng đủ nhu cầu giống khoai đến nông dân (khoảng 1.800-2.000 tấn). Phòng cũng thường xuyên có công văn chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung thu hoạch lúa mùa, khắc phục ảnh hưởng của mưa bão chủ động làm đất, gieo trồng cây màu vụ đông trong khung thời vụ.

Với sự chỉ đạo tích cực từ huyện đến cơ sở nên đến nay, nông dân trong huyện gieo trồng được gần 600 ha rau màu các loại, đạt gần 30% diện tích kế hoạch, trong đó: 300 ha khoai tây, 75 ha ngô, còn lại là rau xanh các loại.

Trong khi sản xuất vụ đông tại một số địa phương đang bị thu hẹp diện tích do nhiều nguyên nhân thì nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, diện tích cây trồng vụ đông huyện Quế Võ vẫn được duy trì, thực sự trở thành vụ sản xuất chính, là thế mạnh đem lại thu nhập cũng như làm giàu cho nhiều nông dân.

Vĩnh Phúc: Đa dạng hóa giống cây trồng vụ Đông

Bước vào vụ Đông năm 2021 với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao và tác động bất lợi bởi dịch bệnh Covid-19. Xác định được những khó khăn đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo sản xuất đúng tiến độ, đa dạng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

 

1_8.jpg
Nông dân xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường chăm sóc cây trồng vụ Đông. (Ảnh: Thế Hùng).

 

Vụ Đông năm nay thời tiết rét sớm ngay từ đầu vụ; cơn bão số 7, số 8 gây mưa kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác của bà con nông dân. Là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng vụ Đông lớn nhất tỉnh, đến hết 20/10/2021, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã đạt 3.500 ha (96% kế hoạch).

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo số 2361 của UBND huyện về tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông năm 2021, phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cao nhất về diện tích, năng suất và chất lượng.

Vụ Đông năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Phong, Tổ dân phố (TDP) Nam Cường, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) gieo trồng rau, củ, quả tổng hợp trên diện tích 1 mẫu. Ông Phong cho biết: “Trong số các mùa vụ trong năm, vụ Đông là vụ gieo trồng khó khăn nhất do thời tiết không thuận lợi, đây cũng là nguyên nhân khiến người dân hay bỏ ruộng vào vụ này, nhưng với gia đình tôi, chưa năm nào vụ Đông để đất nghỉ.

Nếu trồng cây lương thực thì khó có khả năng cho năng suất tốt vào vụ Đông, nên thay vào đó, chúng tôi chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả theo nhu cầu của thị trường, vừa có đầu ra ổn định, lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần.

Cây trồng vụ Đông chủ yếu là các loại cây ngắn ngày, như mọi năm, 1 sào cây vụ Đông gieo trồng trong vòng 2 tháng cho thu lãi trung bình từ 6 - 8 triệu đồng. Để không bị phụ thuộc vào thị trường, tôi sẽ không chỉ độc canh 1 loại cây, mà gieo trồng đa dạng nhiều loại rau, củ, quả kết hợp. Năm nay, tôi trồng chủ yếu là bí đỏ, dưa chuột và bầu”.

Với gia đình ông Bùi Mạnh Hùng, ở thôn 7, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường), do trời mưa kéo dài ngay từ đầu vụ, gia đình ông gieo trồng vụ Đông muộn hơn so với mọi năm. Ông chia sẻ: “Diện tích đất nông nghiệp của gia đình tôi là 1,5 mẫu, nhưng do 7 sào nằm ở khu vực chiêm trũng nên vụ Đông chỉ gieo trồng được 8 sào.

Với 8 sào gieo trồng tôi chia đều thành 4 phần trồng cà chua ghép, dưa chuột, mướp đắng và rau súp lơ. Để có đầu ra ổn định, mặc dù quy mô nhỏ nhưng tôi vẫn canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư nhiều hơn song giá bán nông sản có thể cao hơn.

Năm nay ngoài thời tiết bất lợi ngay từ đầu vụ, giá phân bón tăng cao, lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 có thể thu nhập sẽ giảm, nhưng xác định đây là vụ chính, gia đình quyết không bỏ ruộng”.

Xuất phát từ hiệu quả kinh tế do cây trồng vụ Đông mang lại, hầu như không có gia đình nào trên địa bàn huyện Vĩnh Tường bỏ vụ, mà chỉ làm sớm hay muộn hơn tùy theo điều kiện.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ngoài cây lương thực truyền thống, diện tích trồng các loại rau, củ, quả trên địa bàn huyện không ngừng tăng qua các năm; riêng năm 2021 đạt gần 1.500 ha (tăng 20 ha so với cùng kỳ); trong đó, một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, được người dân lựa chọn như bí đỏ (380 ha), bắp cải (90 ha), cà chua (50 ha).

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, đây là 3 loại rau, củ, quả chủ lực được người dân trồng nhiều trong vụ Đông năm nay. Theo thị trường hiện nay, bí đỏ cho thu nhập từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng/sào; bắp cải cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng/sào và cà chua cho thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường cho biết: Để khuyến khích người dân gieo trồng vụ Đông, ngay từ đầu vụ, Phòng NN&PTNT phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chủ động hướng dẫn người dân xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa canh, đa dạng hoá sản phẩm nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ như cà chua ghép, bí đỏ, khoai tây, rau đậu các loại...

Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết nhằm kịp thời khuyến cáo cho người dân có biện pháp phòng chống mưa bão, sâu bệnh hại; đồng thời, quản lý tốt nguồn nước, đảm bảo kế hoạch cho người dân tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; chủ động khơi thông các luồng tiêu, bảo dưỡng các trạm bơm tiêu để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp hạn hán hoặc tiêu úng khi có mưa lũ xảy ra.

Phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất của huyện trong sản xuất vụ Đông năm 2021, Phòng NN&PTNN huyện tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh như hỗ trợ sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP; hỗ trợ người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới); tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, phân bón qua lá, màng phủ nông nghiệp..., đảm bảo cây trồng vụ Đông cho năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế bền vững.

Hà Nội: Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

Những ngày này, bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn (huyên Chương Mỹ) đang tập trung chăm sóc các loại rau cải và gieo trồng bắp cải, su hào, cà chua. Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám chia sẻ, để phục vụ nhu cầu của các siêu thị, đặc biệt là các bếp ăn tập thể hoạt động trở lại, HTX luôn chủ động kế hoạch để không lỡ nhịp sản xuất. Tuy nhiên, so với các vụ khác, do thời tiết khắc nghiệt, có thời điểm rét đậm, rét hại kéo dài nên vụ Đông thường đòi hỏi yêu cầu canh tác cao hơn. Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, hiện giá phân bón tăng 30 - 40% so với đầu năm. Do đó, HTX khuyến khích, vận động các hộ dân duy trì sản xuất an toàn, VietGAP nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

rau-chuc-son.jpg
Chăm sóc rau vụ Đông tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Ánh

Dù bị ảnh hưởng thời tiết với nhiều đợt mưa lớn, nhưng đến thời điểm này huyện Mỹ Đức đã hoàn thành gieo trồng gần 1.000ha cây vụ Đông, gồm: Đậu tương, ngô, khoai tây, bí xanh, bí đỏ và rau các loại. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, xác định thị trường tiêu thụ đang có những biến động thất thường nên vụ Đông năm nay, huyện chủ động tăng diện tích các loại nông sản dễ vận chuyển và bảo quản được lâu.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, TP đã sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng diện tích. Cụ thể, tổng diện tích vụ Đông toàn TP là trên 32.500ha, tăng gần 2.900ha so với kế hoạch đầu năm. TP cũng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn thực phẩm và hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Điểm mới của vụ Đông năm nay là Hà Nội tăng diện tích các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường như: Ngô, đậu tương... vừa làm thực phẩm, vừa làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, ngay từ thời điểm đầu tháng 10, các huyện đã bám sát khung thời vụ, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông theo hướng tăng diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Bảo đảm cho thắng lợi vụ Đông, các huyện trên địa bàn TP đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, vụ Đông 2021 huyện gieo trồng khoảng 800ha cây các loại. Cùng với phương châm "2 sớm 4 sát" (xây dựng đề án sớm, triển khai sớm; cơ cấu cây trồng sát với điều kiện tự nhiên, thời vụ sát với thủy văn, sản phẩm sát với thị trường, chỉ đạo sát cơ sở), huyện hỗ trợ 50% giống khoai tây, 50% phân hữu cơ cho các mô hình trồng rau, khoai tây trên địa bàn với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Còn tại huyện Mỹ Đức, để khuyến khích nông dân trồng cây vụ Đông, huyện hỗ trợ kinh phí mua thuốc diệt chuột bảo vệ sản xuất; hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình sản xuất vụ Đông đảm bảo gọn vùng, gồm: Tiền mua giống đậu tương, giống ngô, giống khoai tây Đức; hạt rau, đậu các loại. Bên cạnh đó, huyện phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp không làm đất, làm bầu, làm đất tối thiểu, trồng gối đối với cây ưa ấm như ngô, bí xanh, bí đỏ, khoai tây... với các giống ngắn ngày nhằm đảm bảo khung thời vụ thích hợp cho từng loại cây trồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, vụ Đông năm 2021 - 2022, Trung tâm triển khai hỗ trợ 3 mô hình mới là: “Khoai tây giống mới”, quy mô 40ha, tại 3 xã thuộc 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thạch Thất “Hoa ly ly giống mới”, quy mô 0,4ha tại 4 xã thuộc 4 huyện Sóc Sơn Hoài Đức, Mỹ Đức, Mê Linh); sản xuất rau theo hướng VietGAP, quy mô 15ha/2 vụ tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Để các mô hình đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc hỗ trợ giống, các hộ dân tham gia mô hình còn được Trung tâm hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Với mục tiêu vụ Đông 2021 đạt hiệu quả cao ở cả 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Hà Nội hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ Đông (giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất) theo hướng sản xuất hàng hóa với kinh phí hơn 76,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái quy định pháp luật”. 

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top