Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 7 năm 2022 | 10:25

Đề nghị tỉnh Tuyên Quang chấn chỉnh phương tiện hoạt động khai thác cát trên sông Lô

Để thuận lợi cho nhân dân và chính quyền địa phương giám sát, quản lý công tác khai thác cát, sỏi, tỉnh Tuyên Quang cần rà soát, yêu cầu chủ mỏ cắm phao tiêu, xác định ranh giới mỏ; chủ tàu treo số kiểm soát, số đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/6, Kinh tế nông thôn đăng bài: “Loạn” tàu khai thác cát trên sông Lô”; ngày 1/7/2022 đăng bài: “Khai thác trộm cát trên sông Lô đoạn qua Tuyên Quang: Chính quyền bất lực hay thờ ơ?”.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, liên quan tới thông tin người dân phản ánh về việc tàu cuốc hoán cải khai thác cát sát bờ có nguy cơ làm sạt lở bãi bồi, đất canh tác nông nghiệp của người dân xã Cấp Tiến (Sơn Dương-Tuyên Quang), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến.

Theo ông Giang, trên địa bàn xã Cấp Tiến có 2 công ty được cấp phép khai thác cát. Bây giờ không có tàu cuốc khai thác cát mà đa số là tàu hút hoán cải từ tàu cuốc sang tàu hút. 

 

 Biên bản làm việc ngày 23/5/2022 giữa UBND xã Cấp Tiến (Sơn Dương) với Công ty TNHH Hiệp Phú cho thấy tại thôn Cây Xy, Công ty TNHH Hiệp Phú đã khai thác cát, sỏi gần bờ.

 

Cũng theo ông Giang, từ đầu năm đến nay, xã nhận được 2 phản ánh của người dân về việc tàu khai thác gần bờ. Ngoài ra, thi thoảng tổ công tác quản lý về khai thác khoáng sản của xã cũng phát hiện tàu khai thác gần bờ. Khi phát hiện, xã cùng nhân dân xua đuổi hoặc mời lãnh đạo công ty lên làm việc. Đầu năm 2021, xã phối hợp với Công an tỉnh, Công an huyện bắt tàu của Công ty Hiệp Phú (Công ty TNHH Hiệp Phú) vì khai thác cát sát bờ.

Về kiến nghị, đề xuất, ông Giang cho biết, để đảm bảo việc giám sát chặt chẽ theo quy định, các doanh nghiệp phải cắm phao tiêu, xác định ranh giới mỏ khai thác. Chấp hành khai thác đúng trong phạm vi mỏ. Ngoài ra, những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, đề nghị nên cho dừng việc khai thác. 

Còn theo địa chính xã An Khang (TP. Tuyên Quang), mỏ khai thác cát của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang chạy dọc các thôn Trường Thi A, Trường Thi B, Phúc Lộc A, Phúc Lộc B. Ngày 28 và 29/6, tại thôn Trường Thi A có tình trạng tàu cuốc hoán cải ngang nhiên vào sát bờ khai thác cát. Tại thôn Trường Thi B, người dân có ý kiến, việc khai thác cát bị ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất trồng cây hàng năm, mong chính quyền, ngành chức năng sớm chấn chỉnh tình trạng này.

Ông Phạm Huy Đông, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1, phụ trách chi nhánh Đăng ký Vĩnh Phú, cho biết, khi hoán cải từ tàu cuốc sang tàu hút, chủ tàu phải làm thiết kế hoán cải từ tàu cuốc sang tàu hút. Khi thiết kế được Phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm) thẩm định, Chi cục sẽ giám sát việc thi công. Khi hoán cải đúng theo thiết kế, đủ điều kiện, Chi cục sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa. Sau đó, chủ tàu đến Sở Giao thông vận tải đăng ký hành chính.

Cũng theo ông Đông, theo quy định, số kiểm soát và số đăng ký hành chính bắt buộc phải treo trên tàu. Nếu không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính, về mặt quản lý, các ban, ngành, cảnh sát giao thông đường thuỷ, thanh tra liên ngành khi kiểm tra thấy không treo, sẽ xử phạt hành chính.

Ông Đông cho biết thêm, số kiểm soát khi đóng mới tàu cuốc đã có, khi hoán cải thành tàu hút vẫn giữ số kiểm soát nhưng tên tàu lúc này chuyển từ tàu cuốc thành tàu hút. Những tàu không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính có thể là những tàu chưa được đăng kiểm.

 

Sau khi xem video về các tàu khai thác cát (người dân gọi là tàu cuốc hoán cải) mà nhóm phóng viên thu thập được, ông Nguyễn Cảnh Châu, Phó trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang), cho biết, chủ trương của tỉnh là không cho phép khai thác bằng tàu cuốc từ năm 2015. Với hình ảnh quay được thì đấy là tàu hút hoán cải.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, thế nào là tàu hút hoán cải, nguyên bản của nó là gì? Ông Châu cho biết, nguyên bản trước là tàu cuốc, nhưng tỉnh không cho sử dụng tàu cuốc nữa nên họ chuyển đổi thành tàu hút. Những hình ảnh video đã xem, tôi nhận định đều là tàu hút hoán cải.  

 Nhiều tàu cuốc hoán cải không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính. 

 

Các hình ảnh, video ông xem, các phương tiện có công khai đăng ký, đăng kiểm trên phương tiện khai thác không, phóng viên hỏi. Ông Châu cho biết, mình không khẳng định các thiết bị không có đăng ký, đăng kiểm, mà qua hình ảnh thấy một số thiết bị chưa công khai thông tin đăng ký, đăng kiểm.

Sở Tài nguyên và Môi trường, sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng việc đăng ký năm 2021, Sở yêu cầu các đơn vị hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Ông Châu cho biết, với nội dung khai thác cát cách bờ 50m, Luật Khoáng sản, văn bản dưới luật, các văn bản của tỉnh không nói về phạm vi khai thác cách bờ 50m, khai thác khoáng sản là khai thác theo phạm vi ranh giới khu vực được cấp phép theo nội dung giấy phép kèm theo.

Việc lãnh đạo một số xã nói cách bờ 50m không được khai thác, như thế là chưa hiểu đúng? Ông Châu cho biết, đó là cách hiểu thôi.

Về video khai thác cát ngay cạnh bờ được ghi nhận tại thôn Trường Thi A, xã An Khang, ông Châu nói, trên video, góc nhìn của video thấy nó gần bờ, nhưng để thể hiện phạm vi đấy có nằm trong diện tích khai thác không phải qua kiểm tra mới biết được. 

Theo quy định, các phương tiện khai cát mà không treo đăng ký, đăng kiểm có được phép khai thác không, phóng viên hỏi. Ông Châu cho biết, đối với chi tiết ấy, để tôi tra lại luật xem có đủ điều kiện hay không?

Theo quy định, phải cắm phao tiêu, xác định ranh giới mỏ. Hiện nay, từ phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đến xã Cấp Tiến (Sơn Dương) gần như không thấy đơn vị nào cắm phao, phóng viên hỏi. Ông Châu cho biết, với phao khai thác cát sỏi có 2 hình thức phao: một là phao đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ; hai là phạm vi mốc giới khu vực khai thác khoáng sản.

Ông Châu cho biết, với mốc giới khu vực khai thác khoáng sản được thể hiện ở mốc gửi trên bờ. Thả được một cái phao ở dưới sông độ chính xác không cao bằng mốc gửi. Với phao, nước cao ở vị trí khác, nước thấp ở vị trí khác, sóng, tàu thuyền đi lại sẽ thay đổi vị trí, cho nên thông thường sẽ có mốc gửi và phao ở dưới. Đối với việc thả phao là có nhưng công tác quản lý vị trí đấy của các đơn vị còn chưa tốt. Bao gồm cả chủ quan và khách quan, chủ quan là thả phao rồi nhưng không giám sát chặt; khách quan là tàu, thuyền đi lại chỉ cần va quệt là lôi phao đi.

Theo ông Châu, cắm phao là có nhưng hiện trạng có đơn vị có, có đơn vị không.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, để xảy ra tàu khai thác cát sát bờ như thế trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, xã, huyện, thành phố hay cơ quan chuyên môn? Ông Châu cho biết, công tác về quản lý đối với với cát sỏi nói riêng, khoáng sản nói chung thì công tác quản lý, giám sát không riêng gì Sở Tài nguyên và Môi trường, bao gồm các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Trong luật có quy định trách nhiệm, tỉnh cũng có quy định, gần nhất là Quyết định 02 của UBND tỉnh Tuyên Quang, quy định về các cấp, các ngành trong quản lý đất đai, khoáng sản.

Như vậy, một số phản ánh của người dân đã được làm rõ và những phản ánh đó là có cơ sở. Kinh tế nông thôn tóm tắt thành 4 vấn đề chính, gồm:

Thứ nhất, có việc tàu cuốc hoán cải (xã, Sở Tài nguyên và Môi trường gọi là tàu hút hoán cải) khai thác sát bờ xảy ra tại xã Cấp Tiến (Sơn Dương), và thôn Trường Thi B, xã An Khang; có việc doanh nghiệp khai thác cát chưa cắm (hoặc đã cắm nhưng bị mất) phao tiêu, xác định ranh giới mỏ. 

 Tại thôn Trường Thi A, xã An Khang, đối diện bên kia sông là xã Thái Bình, một tàu cuốc hoán cải cùng 2 tàu chở đang vô tư "ăn" cát.

 

Thứ hai, có việc người dân ở thôn Trường Thi B, xã An Khang có ý kiến, khai thác cát làm ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất trồng cây hàng năm của bà con.

Tại thôn Phúc Lộc B (An Khang), xảy ra sạt lở sát với sông Lô (đất của gia đình bà Nguyễn Thị Gấm), khu vực sạt lở có chiều dài 80m, chiều rộng 5m, chiều sâu trung bình 6m. Khu vực sạt lở ảnh hưởng đến công trình xây dựng của gia đình bà Gấm.

 

Đất của gia đình bà Nguyễn Thị Gấm, ở thôn Phúc Lộc B, An Khang bị sạt lở sát với sông Lô.

 

Thứ ba, có việc nhiều tàu cuốc hoán cải khai thác cát trên sông Lô nhưng không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính.

Cụ thể: tại thôn Trường Thi A và phía dưới cầu Bình Ca, xã An Khang (TP Tuyên Quang); tại xã Thái Bình (Yên Sơn); tại thôn Vân Thành, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) và tại xã Cấp Tiến (Sơn Dương), bên kia sông là xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang), có việc nhiều tàu cuốc hoán cải không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính. 

 

 Nhiều tàu cuốc hoán cải khai thác cát trên sông Lô nhưng không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính vô tư khai thác cát như chốn không người.

 

Thứ tư, có việc tàu cuốc đã hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa nhưng chủ tàu vẫn treo biển là tàu hút để khai thác cát; có việc tàu chở, xà lan máy đã hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa nhưng vẫn đưa vào hoạt động chở cát.

 

 

Tàu cuốc đã hết hạn giấy chứng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa từ tháng 3/2018, nhưng đội lốt tàu hút để vô tư khai thác cát mà chưa bị phát hiện xử lý.

 

Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, khắc phục bốn vấn đề nêu trên.

Đặc biệt, UBND tỉnh Tuyên Quang cần làm rõ việc có hay không các chủ mỏ tự hoán cải tàu cuốc thành tàu hút rồi đưa vào khai thác cát khi chưa được đăng kiểm nên trên các phương tiện không treo số kiểm soát và số đăng ký hành chính; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và làm rõ, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top