Thời gian qua, công tác bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng qua nhiều khâu thủ tục nên hầu hết các dự án triển khai rất chậm. UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế “đặc thù” nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất để rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn, có thể xác định 3 khung thời gian trong công tác này. Cụ thể, khung thời gian tối đa là 240 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cụ thể, đối với các dự án có diện tích đất thu hồi lớn, nhiều trường hợp bị thu hồi toàn bộ nhà, đất ở, phải bố trí tái định cư hoặc trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, không còn nơi ở nào khác ngoài căn nhà phải giải tỏa, cần có thời gian rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Vấn đề này do UBND quận huyện đề xuất, xác định thời gian phù hợp để hoàn thành công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án. Trường hợp cần thiết, đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phân kỳ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành nhiều giai đoạn để thực hiện.
Khung thời gian thứ hai, tối đa 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cuối cùng, nếu 100% người dân đồng thuận chấp hành, bàn giao mặt bằng sớm hơn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, nếu dưới 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất sớm nhất 60 ngày và chậm nhất 120 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Còn trên 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất sớm nhất 120 ngày và chậm nhất 180 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA phải tính toán thêm thời gian trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.