Theo Chi cục Chăn nuôi-Thú y thuộc Sở NN & PTNT tỉnh Hà Nam, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 5 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục.
Tính đến ngày 22/10, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 5 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục gồm các xã: Hợp Lý (Lý Nhân); Tiêu Động, Trung Lương, An Đổ và thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Đã có tổng số 271 con lợn mắc bệnh của 11 hộ, thuộc 9 thôn phải tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, ổ dịch xuất hiện tại hộ ông Nguyễn Đăng Ứng, thôn Mỹ Đôi nuôi 65 con lợn có trọng lượng từ 20 -40 kg. Ngày 11/10 khi nhận được thông tin nhà ông Ứng có 13 con lợn bị ốm, chết bất thường, Chi cục Chăn nuôi -Thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Bình Lục về kiểm tra và lấy 6 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng I; đồng thời, chỉ đạo địa phương tổ chức tiêu hủy số lợn chết, yêu cầu gia đình không bán, giết mổ số lợn còn lại trong chuồng ra ngoài; triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng theo yêu cầu chống dịch.
Đến ngày 13/10, mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Sau khi có kết quả xét nghiệm địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ 65 con lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Ứng. Ngay sau đó thị trấn Bình Mỹ đã thành lập 2 chốt kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn.
Tiếp đến, ngày 21/10 tại hộ ông Trần Xuân Toản, thôn Đông A, xã Xuân Khê (Lý Nân) đã phát hiện 12 con lợn trong tổng đàn 52 con bị chết, nghi mắc dịch tả lợn châu Phi. Chi cục Chăn nuôi-Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Toàn bộ số lợn ốm, chết đều đã được địa phương tiến hành tiêu hủy theo đúng kỹ thuật, đúng quy định.
Thực hiện công tác phòng, chống dịch các địa phương đã sử dụng 59 lít hóa chất, 5.225 kg vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường trong vùng dịch. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm soát không để vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch.
Để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi biết diễn biến về tình hình dịch bệnh để có biện pháp chủ động phòng chống ngay tại hộ. Đồng thời, các cấp các ngành phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát sớm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh không để lây lan ra các hộ chăn nuôi khác, địa phương khác.
Hà Nam