Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 2 năm 2020 | 7:37

Điểm mặt những “lùm xùm” của Kim Oanh Group: Đụng đâu sai đó?

Theo đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) được biết đến là một doanh nghiệp đầy tai tiếng tại các dự án doanh nghiệp này đang triển khai. Điển hình như việc huy động vốn trái phép, sai phạm tại dự án KCN Hoà Lân, KCN Phú Tân.....

Vụ đấu giá KDC Hoà Lân: Nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật

Liên quan đến những dấu hiệu sai phạm tại vụ việc đấu giá dự án Khu dân cư (KDC) Hoà Lân đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Dưới góc nhìn pháp lý, việc mang đất Nhà nước giao không thu tiền tính thành giá để đem bán đấu giá vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và vi phạm điều cấm trong Bộ Luật dân sự.

Theo đó, dự án KDC  Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) do Công ty TNHH - SXTM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) làm chủ đầu tư có tổng diện tích 490.765 m2 (218.964,7 m2 đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, và 246.853,1 m2 đất nhà nước giao không thu tiền tiền sử dụng đất). Thiên Phú thế chấp dự án này tại Ngân hàng Nông nghiệp, Chi nhánh Chợ Lớn (ngân hàng) để thực hiện gói vay 1.100 tỷ đồng.

Vào ngày 17/4/2015 phía ngân hàng và Công ty Thiên Phú ký biên bản thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Theo đó, bên ngân hàng được quyền xử lý phát mãi tài sản mà Công ty Thiên Phú đang thế chấp, thông qua tổ chức bán đấu giá để thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên sau khi được giao tài sản, ngân hàng đã ký hợp đồng định giá tài sản thế chấp của Công ty Thiên Phú với Công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn Quốc Tế. Cụ thể, tại chứng thư thẩm định số 403/2015/CT – VALUCO ngày 12/5/2010 thì Công ty Valuco định giá luôn cả phần đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (246.853,1 m2) và phần đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất (243.912 m2), thành tiền là 1.467.700.000.000 đồng.

Căn cứ vào giá này, công ty cổ phần đấu giá Nam Sài Gòn đem bán đấu giá (từ lần 1 đến lần 5). Tại lần bán đấu giá lần thứ 6, phía ngân hàng đã thuê Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới thẩm định lại, theo chứng thư thẩm định số 246/CT-THM ngày 19/4/2016 thì toàn bộ 494.047,10 m2 đất (bao gồm cả đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất) nhân với 2.506.457 đồng/m2 được 1.238.307.738.000 đồng và Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn lấy kết quả này đấu giá cho đến khi đấu giá thành.

Dự án KDC Hoà Lân nơi cơ quan Thanh tra chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm.
Dự án KDC Hoà Lân nơi cơ quan Thanh tra chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm.

Rõ ràng, qua hai lần định giá, hai công ty định giá đều đem cả đất Nhà nước giao không thu tiền tính thành giá để Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đem bán đấu giá. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và vi phạm điều cấm trong Bộ Luật dân sự.

Doanh nghiệp Top đầu của Tỉnh Bình Dương về “nợ thuế”

đầu tiên phải nhắc đến là việc Công ty Kim Oanh đứng đầu danh sách nợ thuế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể, theo Cục thuế Bình Dương vừa thông báo công khai thông tin 35 doanh nghiệp nợ trên 653,6 tỷ đồng tiền thuế tính đến tháng 6/2019 trên địa bàn.

Tổng số tiền thuế nợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tại thời điểm 31/5/2019 là trên 2.868 tỷ đồng, tăng 727 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2018. So với dự toán thu ngân sách năm 2019 được giao thì tỷ lệ nợ thuế đang ở mức 7,24%.

Trong số này, Công ty Kim Oanh là doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất với hơn 103,1 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc là chồng bà bà Đặng Thị Kim Oanh TGĐ Công ty Kim Oanh).

Cũng theo đại diện Cục Thuế Bình Dương cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nợ thuế nêu trên đã bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật,. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa nên số tiền nợ thu hồi được vẫn chưa nhiều. Sắp tới đây, đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, phấn đấu đến 31/12/2019, đưa tỷ lệ nợ thuế giảm xuống dưới 5% theo quy định của Tổng cục Thuế.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án KCN Phú Tân

Theo đó năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh Bình Dương thành lập Khu liên hợp Bình Dương, với tổng diện tích theo đề án được duyệt là 4.196,8 ha. Theo đồ án quy hoạch chung, Khu liên hợp Bình Dương được phân thành 5 phân khu chức năng gồm 1.573,4 ha đất KCN tập trung; 613 khu dịch vụ; 1.650 đất khu đô thị (KĐT), trong đó 655 ha đất tái định cư; 132,5 ha là đất dùng xây dựng các công trình giao thông và 227,9 ha đất hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó, dự án KCN Phú Tân là một trong 5 dự án KCN Khu liên hợp Bình Dương. 

Tuy nhiên, trong quá trính giao và cho thuê đất tại Khu liên hợp Bình Dương cũng phát sinh nhiều dấu hiện vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26/11/2008, việc giao đất và cho thuê đất đối với sáu nhà đầu tư KCN với tổng diện tích là 1.541,53 ha thì các quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất được ký từ năm 2006 và 2007, nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư từ năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha, chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.

Dự án KCN Phú Tân hiện vẫn còn hoang hoá “chết lâm sàng” suốt 14 năm qua nhưng vẫn được phù phép để đơn vị này mang đi huy động vốn và thế chấp ngân hàng.
Dự án KCN Phú Tân hiện vẫn còn hoang hoá “chết lâm sàng” suốt 14 năm qua nhưng vẫn được phù phép để đơn vị này mang đi huy động vốn và thế chấp ngân hàng.

Cũng tại Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP cũng thể hiện việc để xảy ra tình trạng “sai phạm chồng sai phạm” tại dự án KCN Phú Tân. Trong đó, sau khi thu mua thành công Công ty CP đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim (đến nay Công ty Nam Kim chỉ thực hiện duy nhất dự án KCN Phú Tân), Kim Oanh Group đã đẩy mạnh việc thực hiện các bước quy hoạch lại dự án (DA). Đồng thời, Công ty Nam Kim đã dùng nhiều hình thức khác nhau như ký hợp đồng vay vốn, góp vốn…Tuy nhiên, đây là những dấu hiệu của việc huy động vốn trái luật và Công ty Nam Kim lấy toàn bộ diện tích đất còn lại của DA thế chấp ngân hàng.

Cụ thể, theo tìm hiểu bằng hình thức khác nhau Công ty Nam Kim đã ký hợp đồng vay tiền của hàng trăm người. Tính từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có hơn 600 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt). Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…

Tiếp đến, ngày 8/10/2019, Công ty Nam Kim do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng Giám đốc đã ký Hợp đồng thế chấp số 0058/2019/BĐ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Tài sản thế chấp chính là KCN Phú Tân để bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc vay hơn 1.085,8 tỷ đồng, với thời hạn 5 năm (từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2024). Được biết, ông Nguyễn Thuận là chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh và là bố của bà Nguyễn Thị Nhung.

UBTƯ MTTQ Việt Nam vào cuộc vụ Kim Oanh Group nhận Huân chương lao động

Theo đó, ngày 10/2/2020, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị, xem xét lại việc trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và xây dựng địa ốc Kim Oanh (trụ sở tại Lô J53, đường NE8, phường Thới Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Theo đơn ông Nguyễn Văn Tuấn phản ánh Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và xây dựng địa ốc Kim Oanh có nhiều hành vi vi phạm pháp luật và chưa đáp ứng được các điều kiện để được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

 “Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định pháp luật, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam chuyển đơn đến Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước để xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo kết quả giải quyết về Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam theo quy định”- công văn nêu rõ.

Trước đó, công dân Nguyễn Văn Tuấn gửi đơn kiến nghị cho rằng việc Công ty Kim Oanh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì là không xứng đáng do Công ty này trước khi được nhận danh hiệu cao quý này đã dính hàng loạt “bê bối”.

Cụ thể như, việc huy động vốn trái phép, nhiều dấu hiệu sai phạm tại dự án KCN Hoà Lân, KCN Phú Tân, là doanh nghiệp đứng trong top đầu về nợ thuế, “xẻ thịt đất công …..

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top