Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2022 | 15:4

Điện Biên hôm nay

Sự đổi thay của Điện Biên hôm nay làm cho tôi ngỡ ngàng vì nhanh quá. Đường sá được mở rộng, nhà cửa khang trang, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã thay đổi rất nhiều.

db.jpg
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

 

Diện mạo mới

Sau hơn 1 giờ đồng hồ bay từ sân bay Nội Bài bằng máy bay ATR-72, chúng tôi  hạ cánh an toàn xuống sân bay Điện Biên Phủ, đây vốn là sân bay dã chiến có từ hồi 1954 - cứ điểm 206 năm xưa, một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của Pháp và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ra khỏi sân bay, trước mắt của chúng tôi là cảnh tượng của một thành phố vùng Tây Bắc của đất nước ta, con đường dẫn về khách sạn rộng thênh thang, hai bên đường là những hàng hoa ban nở trắng, tuy đã cuối mùa nhưng vẫn gợi lại cho du khách đến đây những cảm giác xao xuyến.

Ông Nguyễn Văn Thắng (đường Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết, tôi đến Điện Biên cách đây khoảng 10 năm, bây giờ mới có dịp quay trở lại, Điện Biên Phủ đã khác xưa rất nhiều.

“Điện Biên thay đổi nhanh quá, nhiều công trình được xây dựng khang trang, đến Điện Biên hôm nay bằng đường bộ, đường hàng không đều thuận tiện. Những con đường mới mở rộng thênh thang, phố xá có nhiều nhà cửa, các cửa hàng kinh doanh mọc lên sầm uất”, ông Thắng nói.

 

3.jpg
Tác giả và ông Thắng bên hầm Đờ-cát.

 

Ngồi trong một quán cà phê trên một con phố trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ, được nghe ông Nguyễn Văn Khai, một người con của vùng quê lúa Thái Bình lên khai hoang và có thời gian sinh sống trên 50 năm ở thành phố này chia sẻ về những sự thay đổi ở đây.

Ông Nguyễn Văn Khai (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) kể: “Tôi định cư ở Điện Biên hơn 50 năm rồi, nhưng phải nói trong giai đoạn hiện nay, bộ mặt của TP. Điện Biên Phủ đang thay đổi rõ nét, người dân rất tin tưởng, phấn khởi trong làm ăn, phát triển kinh tế. Điển hình là việc nâng cấp sân bay đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Hoặc một số dự án đang thực hiện như: Dự án Đường 60, hạ tầng kỹ thuật khung… Đây là những dự án lớn sẽ quyết định đến sự thay đổi của tỉnh, của thành phố mà nhân dân rất tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền”

Đặc biệt, những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Việc triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, cho biết: “Trong quá trình thực hiện, Sở chủ động đôn đốc UBND cấp huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hướng dẫn cách thức triển khai thực hiện, thường xuyên tham mưu cho tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các chính sách dân tộc tại cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, vướng mắc”.

Cũng theo ông Sơn, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, những địa bàn khó khăn, người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, chủ động vươn lên.  Cơ sở hạ tầng tại các xã và địa bàn khó khăn được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi đáng kể. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được phát triển và mở rộng. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục từ tỉnh đến huyện, xã và các điểm bản được tăng cường đầu tư…

“Điểm hẹn du lịch” giáo dục truyền thống

Điện Biên Phủ là địa danh gắn liền với chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa, khi Thực dân Pháp xây dựng tại đây một cứ điểm quân sự, với một mục đích là đô hộ nước ta lâu dài và để khai thác tài nguyên, khoáng sản của nước ta làm giàu cho “Mẫu quốc”. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng sự đoàn kết đồng lòng của toàn quân và dân, chúng ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cách đây 68 năm.

Trong gian phòng trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có gặp một số du khách đến đây thăm quan. Anh Nguyễn Văn Minh (Hà Nội) chia sẻ, thế hệ của chúng tôi được sinh ra trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đối với cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi chỉ được biết đến thông qua sách, báo, truyền hình là chính.

Anh Minh nói: “Tôi đã biết về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua sách, báo nhưng được lên Điện Biên, đến thăm đồi A1, được xem những hiện vật trưng bày tại đây, tôi cảm thấy rất tự hào. Không chỉ có cảnh đẹp mà mỗi tấc đất, mỗi di tích lịch sử là minh chứng hào hùng về tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc”.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có nhiều điểm di tích lịch sử và các vùng sinh thái tự nhiên, đây là tiềm năng quý giá để khai thác và phát triển dịch vụ du lịch. Đặc biệt, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Điện Biên Phủ-Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch này với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc vào năm 2025.

Hàng năm, nhiều trường học, đơn vị trong tỉnh cũng như các địa phương khác tổ chức các cuộc “trải nghiệm” để được hóa thân thành chiến sĩ Điện Biên với các hoạt động như: Đẩy xe đạp thồ, thi làm cơm nắm, hành quân thần tốc qua đồi A1, dâng hương, tuyên thệ trước các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1...

Bà Phạm Thị Thảo, Phó trưởng ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên, cho biết: “Hiện nay, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ có hơn 40 điểm di tích. Những năm qua, để phát huy giá trị lịch sử của di tích, được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã phối hợp với các nhà trường, lực lượng vũ trang trên địa bàn, Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế phong phú, như: Chương trình “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên”; triển lãm tranh, ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ; kể chuyện truyền thống tại trường học... Thông qua các hoạt động này, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ, về những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước, từ đó có ý thức, trách nhiệm hơn trong cuộc sống và tích cực phát huy, bảo vệ di tích, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đầu năm 2022, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng được Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên khởi công. Sau này, khi lên Điện Biên, sẽ không còn phải bay bằng tàu bay ATR-72 mà sẽ là những chiếc máy bay hiện đại như A320, A321 với thời gian bay ngắn và số khách được vận chuyển  cao hơn nhiều.

Một ngày không xa, Điện Biên sẽ trở thành  tỉnh giàu có và phát triển, trong đó du lịch là một trong những thế mạnh, bởi nơi đây luôn vang mãi bản anh hùng ca Điện Biên Phủ hào hùng.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top