Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 9:23

“Dìu nhau” cùng qua đại dịch

Hơn 4 tháng qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội tăng cường, sản xuất - kinh doanh - lưu thông hàng hóa, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, ở mọi miền đất nước, xuất hiện những tấm lòng cao cả, thiện nguyện hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh để cùng nhau qua bão dịch.

al1.jpgChủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà cho lao động.

 

 Nhà trọ 0 đồng

Hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp chính quyền và đoàn thể, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có nhiều tấm lòng thể hiện sự sẻ chia với người lao động gặp khó khăn đang phải thuê trọ. “Chỉ cần khó khăn là có thể đến ở” là chương trình mà anh Lâm Văn Chuyền, quản lý Công ty CP Your House đăng tải trên Facebook, nhằm hỗ trợ cho người thiếu nơi lưu trú trong dịch Covid-19.

Chị Trần Thị Thu Hằng (Quốc Oai) là một trong những người được giúp đỡ từ nghĩa cử của anh Chuyền. Mất việc làm, có 2 con nhỏ và hiện lại có bầu tháng thứ 7, không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, chị cùng gia đình được đến ở miễn phí tại một căn hộ trong tòa nhà 1C, ngõ 9/5 Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm).

Còn tại xã Kim Chung (Đông Anh), trong những ngày giãn cách, người lao động thuê trọ rất phấn khởi vì các chủ nhà trọ đồng loạt miễn phí tiền thuê phòng. Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho hay, chị thuê trọ của chủ nhà Lưu Thị Khuyên ở đội 8, thôn Hậu Dưỡng và được miễn phí từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo đó, chị Khuyên đã miễn phí 4 phòng thuê trọ (700.000 đồng/tháng/phòng) cho công nhân mất việc làm. Đặc biệt, chị còn hỗ trợ cho 5 lao động khó khăn mỗi người 1 triệu đồng; đồng thời mỗi ngày nấu 1 bữa cơm cho người thuê trọ... “Tôi chỉ đóng góp một chút nhỏ để giúp người lao động vơi bớt khó khăn”, chị Khuyên nói. 

Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Phạm Thị Nết cho biết, UBND phường đã kêu gọi các gia đình có nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ bằng cách miễn, giảm tiền thuê cho người lao động. Nhiều chủ nhà trọ đã hưởng ứng, điển hình tại địa bàn dân cư số 1có 6 hộ giảm 100% tiền thuê trọ với tổng số tiền 30,5 triệu đồng.

al2.jpg
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã chung tay ủng hộ gần 1.600 trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19.

 Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn

“Làn sóng” Covid-19 ập đến khiến nhiều gia đình phía Nam rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, hơn 1.500 trẻ em  lâm cảnh mồ côi cha mẹ do đại dịch. Sự quan tâm, sẻ chia của xã hội lúc này sẽ là vòng tay yêu thương giúp các em phần nào ổn định cuộc sống, tiếp tục vững bước trên con đường học tập, tạo dựng tương lai.

Chia sẻ trước những mất mát và khó khăn của các em, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã ủng hộ gần 1.600 trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/em, tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng. SHB hy vọng, sự giúp đỡ kịp thời và thiết thực này sẽ góp phần động viên tinh thần, giúp các em vơi bớt khó khăn và phần nào bù đắp nỗi đau quá lớn.

Trước đó, trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều học sinh, sinh viên tại vùng dịch chưa thể đến trường, SHB đã trao tặng 20 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Qua đó, SHB mong muốn phần nào giúp các em vượt qua trở ngại, tự tin hoàn thành tốt năm học đặc biệt; đóng góp vào thành công chung của cuộc chiến chống Covid-19 trên mặt trận giáo dục.

Đồng cảm với mất mát mà các em phải gánh chịu, mới đây nhất, Tập đoàn FPT quyết định mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi cha, mẹ do Covid-19 và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng.

“Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, khẳng định.

1.jpg
Những “bữa cơm yêu thương” hỗ trợ cho công dân về quê đang cách ly.

 

 Ấm lòng người trở về

Dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải giãn cách xã hội. Hàng nghìn người dân xứ Nghệ đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh phía Nam đã quyết định hồi hương tránh dịch bằng xe máy. Đa phần họ là lao động phổ thông, vì dịch nên không thể đi làm, chẳng có thu nhập nên quyết định về quê.

Vượt qua hơn 1.000km, những người con vì mưu sinh phải xa xứ đã đặt chân đến mảnh đất quê hương. Nhìn họ cầm trên tay những bát cháo nóng hổi của các nhóm thiện nguyện nấu, vội ăn nhanh để kịp về địa phương, chuẩn bị vào khu cách ly mà thương mà xót.

Để đảm bảo tốt nhất nơi ăn, chốn ở cho bà con về cách ly, chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động các đội thiện nguyện, chung tay cùng hỗ trợ. Nét đẹp đó đã lan tỏa tới cộng đồng và đã đón nhận nhiều sự hỗ trợ của mọi người cả về tiền, các loại nhu yếu phẩm, những món quà là ly nước tự pha, là rau củ vườn nhà hay đơn giản là những lời động viên tinh thần. Điều này giúp cho những bà con về quê tránh dịch cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Anh Đinh Văn Toàn- xóm 12 xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu (Nghệ An) là lao động làm việc từ Bình Dương trở về, đã thực hiện xong cách ly tại Trường Mầm non xã Diễn Phú. Anh thực sự xúc động trước sự quan tâm của xã, các đoàn thể, xóm hỗ trợ những bữa cơm và vật dụng cần thiết để bản thân thực hiện cách ly đúng quy định. “Trong thời gian 14 ngày cách ly, được sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, ban ngành, đoàn thể, nhất là được ăn những bữa cơm thiện nguyện rất ngon, ý nghĩa. Trong bữa cơm chứa tình cảm của mọi người giúp bản thân tôi và những người cùng cảnh ngộ vượt qua khó khăn lúc dịch bệnh. Thực sự rất cảm động, cảm ơn sự chia sẻ của mọi người trong thời gian này”.

Theo bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, việc tổ chức bữa cơm yêu thương không chỉ góp phần giúp bà con đang phải cách ly tập trung vơi bớt khó khăn mà qua đây còn nhân lên tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia trong cộng đồng...

Những chai nước đưa vội bên đường cho dòng người hồi hương, những ổ bánh mì tiếp tế tại chốt trực kiểm soát phòng dịch, những bữa ăn thiện nguyện cho khu cách ly… khiến chúng ta thêm ấm áp. Chẳng thể đủ đầy nhưng là tình cảm, tấm lòng; là động lực, là nguồn sức mạnh vô giá để người dân hồi hương vững tin bước tiếp.

a1.jpgChứng kiến cảnh vợ chồng anh Hờ Bá Ri và con nhỏ 7 ngày tuổi về quê trên chiếc xe “cà tàng”, nhà báo Hoàng Quân đã có hành động “phá rào” khiến mọi người bất ngờ.

 

Chuyến về quê đáng nhớ của gia đình Hờ Bá Ri

Những ngày gần đây, câu chuyện nhà báo Hoàng Quân (PV báo Công an TP. Hồ Chí Minh thường trú khu vực miền Trung) dùng xe ô tô cá nhân của mình để chở vợ chồng anh Hờ Bá Ri (21 tuổi), chị Xồng Y Rê (19 tuổi) và con nhỏ 7 ngày tuổi từ TP. Đà Nẵng về quê (tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người.

Anh Hờ Bá Ri kể lại, vào lúc 01h00 sáng ngày 24/9, vợ chồng anh và con nhỏ (7 ngày tuổi) cùng nhóm khoảng 30 người lên đường về quê tránh dịch bằng phương tiện xe máy.

Đa phần, những người trong nhóm không biết anh Hờ Bá Ri phải chở theo con nhỏ. Bởi vậy, họ không dừng lại chờ khi chị Xồng Y Rê phải nghỉ chân để cho con bú. “Chỉ có mấy người bạn thân của em biết em có con nhỏ phải dừng lại để vợ cho con ăn thì dừng lại chờ vợ chồng em thôi”, ông bố trẻ Hờ Bá Ri kể.

Bằng chiếc xe “cà tàng”, gia đình Hờ Bá Ri đi từ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho đến chốt gác giáp ranh Đại Lộc (Quảng Nam) - Hòa Vang (Đà Nẵng) trong hơn 2 ngày đêm (từ rạng sáng ngày 24/9 đến khoảng 6h sáng ngày 26/9). Suốt chặng đường hơn 600km ấy, vợ chồng trẻ Hờ Bá Ri, Xồng Y Rê đã phải trải qua những giây phút nhói lòng khi thấy đứa con còn “đỏ hỏn” của mình khóc vì đòi ăn, vì gió, vì nắng…

May mắn thay, tại chốt gác giáp ranh Đại Lộc, họ đã nhận được tấm thịnh tình của nhà báo Hoàng Quân.

“Nghĩ cháu bé sẽ ra sao nếu tiếp tục đi xe máy, mưa, nắng, gió... Mình liều lấy chiếc “siêu xe” Fadil chở vợ chồng và bé về quê”, nhà báo Hoàng Quân chia sẻ trên trang facebook của mình.

Và, khi được đi trên “siêu xe”: “Đường xa, mưa lớn, gian nan mà thấy người mẹ 19 tuổi cho con bú an toàn trong xe, không phải đứng bên đường vạch áo cho cháu uống sữa, thấy cũng mừng. Cứ đi, mệt nghỉ, được đến đâu hay đến đó, đứa trẻ cùng bố mẹ an toàn được đoạn nào hay đoạn đó”, anh Hoàng Quân thông tin khi đến chốt kiểm soát dịch ở Lệ Thủy (Quảng Bình).

Hành động trên của nhà báo Hoàng Quân được xem là điều hết sức bất ngờ với mọi người và chính anh. Dẫu vậy, bằng cách nào đó, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng biết chuyện và tìm đến để hỗ trợ cho chuyến đi, có thể kể đến như: nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng; UBND huyện Kỳ Sơn; đồng nghiệp, bạn bè của nhà báo Hoàng Quân... Những sự hỗ trợ bằng tiền mặt được nhà báo Hoàng Quân chuyển đến cho gia đình được anh chở về xe và các chi phí đi trên đường. Tất cả được anh ghi chi tiết trên tài khoản facebook cá nhân.

Về chuyến xe chở gia đình Hờ Bá Ri về quê, lúc 0h50 phút ngày 27/9 đã đến cầu Bến Thủy, Nghệ An. Tại đây, sau khi thực hiện các thủ tục ở chốt kiểm soát y tế, gia đình Hờ Bá Ri đã được chuyển qua xe do Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh bố trí đợi sẵn để tiếp tục về quê thực hiện cách ly theo quy định.

Trải qua hành trình gian nan và đượm tình người này, Hờ Bá Ri tâm sự, gia đình cảm ơn nhà báo Hoàng Quân, cảm ơn chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân đã tạo điều kiện, giúp đỡ về quê an toàn.

1-huỳnh-thị-lễ.jpg
Nữ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Đức Phổ Huỳnh Thị Mỹ Lễ năng động thiện nguyện tham gia chống dịch Covid-19.

 

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ năng động

Thời gian qua, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) căng mình chống dịch, hình ảnh Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Đức Phổ Huỳnh Thị Mỹ Lễ cùng các mạnh thường quân len lỏi đến tận địa bàn nơi tâm dịch phát những nhu yếu phẩm, tặng thuốc men, đồ ăn, nước uống cho tuyến đầu chống dịch, bà con bị ảnh hưởng do Covid-19 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Theo chị Lễ, với phương châm “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”, Hội Chữ thập đỏ đã tích cực vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân bạn bè trên mạng xã hội chung tay hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Qua đó, đã quyên góp được 602,39 triệu đồng.

Số tiền trên được Hội Chữ thập đỏ thị xã Đức Phổ sử dụng để mua các nhu yếu phẩm, thuốc men, dụng cụ phòng, chống dịch để trao tặng, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch Covid-19 (cán bộ chiến sĩ, lực lượng y tế), các khu phong toả, khu cách ly, địa phương và nhân dân đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần cùng với các cấp, các ngành, địa phương đẩy lùi dịch bệnh, kịp thời ổn định cuộc sống.

Chị Lễ kể, vào một buổi chiều nọ, có một cụ bà 81 tuổi ở phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ đi chiếc xe đạp mini chở theo một thùng bánh bao lên Hội Chữ thập đỏ thị xã. Cụ nói: “Con ơi, bà nghe thông tin bà con mình từ TP. HCM về đông bị kẹt ở chốt đèo Bình Đê mà thiếu cơm ăn nước uống, tội nghiệp quá. Nay bà làm được 300 cái bánh bao, có ít nước suối và khăn lạnh vô trong chốt đèo Bình Đê phát cho người dân và lực lượng phục vụ, giờ còn một ít bà hấp lại rồi gửi các con đêm trao cho khu cách ly phường Nguyễn Nghiêm giúp bà”.

Tất cả anh chị em Hội Chữ thập đỏ thị xã chứng kiến ai nấy đều cảm động, gửi lời cảm ơn chân thành đến cụ, chúc cụ sức khỏe và đã tiếp nhận trực tiếp đến trao cho cán bộ phục tại khu cách ly phường Nguyễn Nghiêm phát cho người dân. Ngoài thùng bánh bao, Hội cũng trao tặng lực lượng phục khu cách ly 5 hộp khẩu trang y tế và 2 chai nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng chống dịch…

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Phó chủ tịch UBMTTQVN thị xã, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Đức Phổ nhận xét: Chị Huỳnh Thị Mỹ Lễ rất năng động, tích cực hoạt động thiện nguyện, không ngại khó khăn, đến tận địa bàn nơi tâm dịch phát nhu yếu phẩm, thuốc men, đồ ăn, nước uống cho tuyến đầu chống dịch và bà con  trên địa bàn thị xã; góp phần cùng với địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

Hội Phụ nữ Bình Sơn thu hoạch hoa màu giúp người dân

Nhiều người dân huyện Bình Sơn  (Quảng Ngãi) thuộc diện F1, F2 phải thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, lúa, hoa màu vụ hè thu của nhiều hộ  đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng họ không thể ra đồng. Nhằm kịp thời giúp người dân, Hội Phụ nữ xã Bình Nguyên đã vận động hội viên thu hoạch lúa cho các gia đình.

Chị Nguyễn Như Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nguyên, cho biết: Hơn 2 sào lúa của gia đình chị Phạm Thị Đoàn ở xứ đồng Kè, thôn Phước Bình (xã Bình Nguyên) đã chín vàng và đến ngày thu hoạch, nhưng gia đình chị thuộc trường hợp phải cách ly tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19. Biết được hoàn cảnh của chị Đoàn, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã cùng với Chi hội Phụ nữ thôn Phước Bình đã giúp gia đình thu hoạch lúa và giải quyết việc đồng áng.

Chị Đoàn xúc động khi chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại: “Chồng tôi đi cách ly tập trung vì liên quan đến ca bệnh tại Tiệm áo cưới Trường Sơn,  2 mẹ con cách ly tại nhà. Cũng may nhờ có chị em phụ nữ thu hoạch, vận chuyển lúa về tận nhà.

Chị Trịnh Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trung cho biết: Nhiều gia đình thuộc diện F1 phải thực hiện cách ly tập trung nên chị em hỗ trợ thu hoạch nhanh gọn toàn bộ rau màu; đồng thời bán giúp rau màu cho người dân trong vùng phong tỏa ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung.

img_20210929_111129.jpg
Trung tá Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển lương thực thực phẩm cho người dân vùng dịch.

 

Nghĩa cử cao đẹp

Khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội, chính quyền địa phương, các ban ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần “cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua, phòng chống và quyết thắng đại dịch”.

Với vai trò là đồng đội, hậu phương vững chắc cùng lực lượng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk đồng loạt ra quân thực hiện nhiều chương trình hay, nghĩa cử đẹp và mang giá trị nhân văn. Họ tổ chức tặng 50.000 khẩu trang kháng khuẩn, 200.000 chai nước rửa tay sát khuẩn, 10.000 kính bảo hộ, 800 băng đeo tai, 200 áo phao, 19 tấn gạo và nhu yếu phẩm cho người cần. Vận động hỗ trợ 184 tấn rau, củ để gửi vào TP. Hồ Chí Minh giúp người dân vượt qua khó khăn trong đợt dịch...

Người đầu tàu thực hiện các chương trình nói trên là Trung tá Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk. Không chỉ phát động chương trình, chị Thu còn tất bật vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, hội viên, cán bộ chiến sĩ góp chút tấm lòng, chia sẻ khó khăn; rồi miệt mài cùng đồng đội và các tổ chức thu gom, vận chuyển 185 tấn nông sản, nhu yếu phẩm, vừa chuyển vào tiếp sức cho các tỉnh đang là “tâm điểm” chống dịch vừa hỗ trợ cho lực lượng tuyền đầu và người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trung tá Nguyễn Thị Thu cho biết, mỗi công việc cho dù đó là nhiệm vụ của tập thể hay cá nhân thì tôi hy vọng kết quả đạt được sẽ tạo sự lan tỏa, tập hợp được tấm lòng nhân ái của cán bộ, hội viên, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tiếp tục chung tay cùng với hội viên Hội Phụ nữ Công an tỉnh nói riêng và cả tỉnh nói chung sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk), hơn 1 tháng qua, đều đặn ngày hai bữa, khu bếp của Đoàn Thanh niên thị trấn và Đoàn Thanh niên Công an huyện phối hợp thực hiện liên tục đỏ lửa, mỗi bữa nấu hơn 100 suất cơm nóng, bảo đảm dinh dưỡng gửi đến lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, những gia đình khó khăn, người già neo đơn trong vùng phong tỏa.

Hoạt động này xuất phát từ những trăn trở của Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Phước An Trần Đức Hậu trong những lần anh đến khu vực chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của huyện để tặng quà.

“Tôi được biết đời sống, sinh hoạt của lực lượng làm nhiệm vụ tại đây rất khó khăn, ăn uống tạm bợ, qua loa bởi đa phần là thanh niên, cán bộ trẻ lại phải làm việc 24/24 giờ nên không có thời gian nấu nướng, còn trong khu cách ly, phong tỏa thì có nhiều hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Từ trăn trở này, tôi chia sẻ với Đoàn Thanh niên thị trấn, sau đó phối hợp tổ chức chương trình “Triệu bữa cơm 0 đồng” để giúp lực lượng làm nhiệm vụ và người dân khó khăn có thêm dinh dưỡng trong những ngày căng mình vì dịch bệnh”, anh Hậu cho biết.

Để có nguồn lực hoạt động, đoàn viên thanh niên chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, ban đầu, khi nguồn lực chưa nhiều thì các bạn tự đóng góp để thực hiện; sau đó thấy chương trình hoạt động hiệu quả, ý nghĩa thiết thực nên nhiều người đến ủng hộ tiền mặt, lương thực, thực phẩm. Có những hôm người dân ủng hộ nhiều, bếp dành sẻ chia bớt cho những gia đình khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Y tế  Đắk Lắk Nguyễn Trung Thành chia sẻ: Địa phương rất cảm kích trước sự hỗ trợ quý báu từ các hội đoàn thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Mọi sự hỗ trợ đều rất quý giá, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh liên tục gia tăng, lượng bệnh nhân lớn, ngành Y tế tỉnh lại đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực và trang thiết bị y tế.

hinh-1.JPG
Anh Nguyễn Đình Sơn cùng nhóm thiện nguyện.

 Lá lành đùm lá rách

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, TP. Hồ Chí Minh bị “tổn thương” nhiều nhất. Dịch bệnh lây lan quá nhanh, giãn cách xã hội lâu ngày, người dân đã mất công ăn việc làm, thậm chí nhiều gia đình còn không có tiền ăn, tiền trả nhà trọ. Mong muốn hỗ trợ một phần nào đó cho những hoàn cảnh khó khăn, anh H. P. Đ (quận Bình Thạnh) đã cùng một số người bạn thu mua thực phẩm và phát miễn phí cho bà con trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Anh H. P. Đ cho biết: Có quá nhiều khó khăn, quá nhiều mất mát và quá nhiều đau thương do dịch Covid-19 gây ra. Thật sự, mọi người đều cần đến sự giúp đỡ, có thể là vật chất, cũng có thể là tinh thần trong giai đoạn khó khăn ấy. Giúp đỡ một phần nhỏ vào thời điểm ấy cho mọi người, đó là trách nhiệm với xã hội của mỗi người.

“Tôi tin những người tham gia tình nguyện, giúp đỡ người khác trong đại dịch đều lo sợ rủi ro đến với mình cũng như mọi người. Nhưng hơn hết, nhiều người đã vượt qua nỗi sợ hãi đó bằng trái tim yêu thương mọi người, sự hiểu biết để phòng tránh, và cả sự may mắn nữa. Tuyệt vời hơn, có rất rất nhiều người như chúng tôi đã và đang làm điều đó. Điều đó thật sự ấn tượng và tự hào về lòng yêu thương đồng bào của người Việt Nam”, anh H. P. Đ nói.

Anh Nguyễn Đình Sơn, hiện công tác tại báo Thanh Niên, người sáng lập ra nhóm thiện nguyện Nhà báo và doanh nhân cho biết, từ nhiều năm qua, anh cùng các thành viên đã kêu gọi anh em phóng viên và doanh nhân chơi cùng nhau, cùng đam mê công tác thiện nguyện triển khai một số hoạt động thiện nguyện trên cả nước.

“Đợt dịch lần này, bà con nghèo khắp nơi đều khó khăn. Chúng tôi bảo nhau phải làm gì đó thôi. Và chúng tôi nghĩ rằng, không gì thiết thực lúc này bằng việc giúp người dân nghèo, trong khu cách ly, khu trọ bị kẹt lại không về quê được có thêm lương thực để không bị đói... Vậy là chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” ra đời”, anh Sơn tâm sự.

Trong hơn 2 tháng qua, nhóm của anh Sơn đã không quản ngại khó khăn, gom được hàng trăm tấn rau, củ, quả cùng nhiều vật phẩm khác để ủng hộ người dân vùng dịch. Anh Sơn chia sẻ:  “10 năm làm công việc thiện nguyện quả thực chưa bao giờ cảm thấy có nhiều khó khăn đến vậy. Không phải là vì mình hết nhiệt huyết với công việc này mà bởi cứ mỗi ngày đi làm lại biết thêm quá nhiều người khó khăn cần giúp mà những người còn đủ lực giúp không còn nhiều nữa. Lúc này, ai cũng khó khăn, thôi thì lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều để mọi người cùng vượt qua cơn đại dịch”.

Anh N.T.K.D (ngụ quận Tân Bình) tâm sự: “Dịch dã kéo dài lâu quá khiến nguồn lương thực dự trữ của tôi cũng dẫn cạn kiệt, hơn nữa công việc cũng không còn. May mà có những nhóm thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ tôi những thực phẩm như rau, thịt, cá…, tôi mới có thể bám trụ lại Sài Gòn cho đến thời điểm hiện tại”.

Có thể thấy, những người thiện nguyện đã giúp hàng triệu người mất việc, bị kẹt lại ở TP. Hồ Chí Minh có thể vượt qua đại dịch đầy cam go này. Trên các con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh, ngày ngày đều có hàng ngàn suất cơm, thùng nước, tủ bánh mì miễn phí trên đường, hay những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng, điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho những người gặp khó khăn.

 

 

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top