Thời gian qua, các đầu nậu ở nhiều nơi đổ dồn về các xã Tân Bình, Thạnh Phú và Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) mua đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm để phân lô bán nền.
Phá vỡ đất nông nghiệp
Theo điều tra của phóng viên, trên địa bàn ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, khu vực tiếp giáp phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) là một vùng đất nông nghiệp rộng lớn và đất trồng cây lâu năm có diện tích lên đến hàng chục hecta đã bị san lấp trái phép để phân lô bán nền cho người có nhu cầu về chỗ ở. Điện, đường và hệ thống mương thoát nước đã được các đầu nậu đất xây lắp hoàn chỉnh; những căn nhà được xây dựng trái phép cũng từng ngày mọc lên. Đất trong “dự án” được phân từng lô có diện tích từ 100m2 - 120m2 đến 150m2, bán với giá từ 250 triệu đồng/lô có diện tích 100m2. Hiện diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm trên địa bàn xã Thiện Tân đang bị thu hẹp từng ngày, nhường chỗ cho những khu vực phân lô bán nền trái phép và khu dân cư tự phát. Để thực hiện được “dự án” có diện tích lên đến hàng chục hecta, các đầu nậu đất phải huy động nhiều phương tiện máy móc tiến hành san ủi thi công nhiều hạng mục công trình như đường sá, mương thoát nước, kéo điện hàng tháng trời, theo đó nhiều căn nhà trái phép từ đó cũng mọc lên từng ngày mà chính quyền sở tại vẫn không hay biết.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ địa chính xã Thiện Tân xác nhận trên địa bàn xã không có khu dân cư nào đang thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tất cả những điểm san lấp trên là trái phép nên không được xây cất nhà cửa.
Một lãnh đạo UBND xã Thạnh Phú thừa nhận tình trạng phân lô bán nền và xây dựng nhà trái trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm trên địa bàn xã là có thật. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên nhưng chưa hiệu quả.
Tình trạng phân lô bán nền, xây dựng nhà cửa và các công trình khác trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm không chỉ diễn ra ở hai xã Thiện Tân và Thạnh Phú. Trên địa bàn xã Tân Bình, tình trạng này cũng diễn ra không kém phần phức tạp, nóng nhất là khu vực sát hàng rào sân bay Biên Hòa, khu vực giáp ranh với phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) và khu vực khu dân cư Tín Nghĩa. Những khu vực này, chính quyền địa phương sở tại đã cắm nhiều biển cảnh báo đất quy hoạch nghĩa trang, đất trồng cây lâu năm, cấm tất cả những hành vi san ủi, phân lô bán nền và xây dựng nhà cửa trái phép sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, ngay dưới biển cảnh báo, các đầu nậu đất vẫn tiến hành huy động nhiều loại phương tiện máy móc hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm như không có gì xảy ra. Hàng chục ha đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vẫn bị xé nhỏ từng ngày để phân lô bán nền cho người có nhu cầu về chỗ ở. Những công trình trái phép vẫn mọc lên từng ngày theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Một lãnh đạo có trách nhiệm ở xã Tân Bình cho biết, tình trạng phân lô bán nền trên địa bàn xã chúng tôi đã diễn ra từ lâu, nhưng trước đây xảy ra nhỏ lẻ không đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn và diễn biến khá phức tạp. Chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp ngăn chặn và cắm những biển báo cảnh báo cho người dân biết những khu vực quy hoạch đất nghĩa trang, đất nông nghiệp và đất trông cây lâu năm không được xây dựng song vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Công nhân nghèo ôm nợ vì trót mua đất của các “dự án” ma
Theo điều tra của phóng viên, trên địa bàn ba xã nói trên, các đầu nậu đất ở đây có một điểm chung là mua đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm của những người dân địa phương bất kể diện tích lớn hay nhỏ. Sau đó, tiến hành san lấp, kéo điện một cách sơ sài và cắm cọc phân lô có diện tích từ 100m2, 120m2 và 150m2 để bán với giá phù hợp với túi tiền của công nhân trên địa bàn. Để dụ dỗ người mua đất, các đầu nậu luôn hứa hẹn đất nằm trong “dự án” của tỉnh, được tách sổ riêng cho từng người có đất thổ cư 100%, được phép xây dựng nhà cửa, điện, nước sạch sắp tới được kéo đến từng nhà. Tuy nhiên, không như những lời hứa hẹn của các đầu nậu đất, sau khi đặt tiền mua xong, chủ đất tiến hành ra sổ từ bốn đến năm người đứng chung một sổ có diện tích trên 500m2/sổ và được xác định là đất nông nghiệp. Đây là một kiểu lách luật của các đầu nậu đất khi có hành vi phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Sau khi mua đất xong, không được xây dựng, lúc đó người mua đất mới vỡ mộng, còn các chủ đất lấy hết tiền là rút êm, để lại cho những công nhân nghèo trót nghe theo lời dụ dỗ nay phải tự bơi theo kiểu “sống chết mặc bay”. Có trường hợp tranh cãi căng thẳng liền bị đe dọa, nên nhiều công nhân đành ngẫm ngùi ôm nợ. “Nhiều năm làm công nhân, bớt ăn, bớt mặc mới tích góp được một ít tiền công, cộng thêm tiền vay mượn của anh em, bạn bè, tôi nghe theo lời dụ dỗ của các cò đất mua đất “dự án”. Nay xây dựng nhà thì không được, bán thì không ai mua rơi, tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan không lối thoát”, một công nhân mua đất ở “dự án” nói.
Trước thực trạng san lấp tràn lan đất nông nghiệp để phân lô bán nền trái phép trên địa bàn ba xã đáng báo động nói trên, huyện Vĩnh Cửu đã chỉ đạo cắm hàng chục bảng cảnh báo cấm tất cả những hành vi san lấp phân lô bán nền, xây dựng nhà cửa, các công trình khác trái phép trên đất nông nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, cấm thì vẫn cấm, nhưng tình trạng phân lô bán nền trên địa bàn các xã trên vẫn diễn ào ạt với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Hàng ngày, các phương tiện máy móc san ủi đất, làm đường vẫn diễn ra hết sức khẩn trương, tiếng động cơ của các loại phương tiện từ máy đào, máy ủi, máy cắt cây và những xe ben hạng nặng được huy động tối đa như một đại công trường. Các đầu nậu đất, cò đất cũng kéo về tranh mua tranh bán tấp nập, đeo bám theo những người đi qua khu vực để chào mời mua đất trong “dự án”. Không dừng lại ở đó, một số nhóm đối tượng bất hảo còn sẵn sàng giành đất của những người yếu thế hơn làm cho tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về đất dai diễn ra căng thẳng từng ngày, an ninh trật tự xã hội tại khu vực này vốn đã phức tạp này ngày càng phức tạp hơn.
Báo Kinh tế nông thôn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai vào cuộc thanh, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm trái phép như đã nói ở trên.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.