KTNT - Gần 10 năm bị thu hồi đất cũng là ngần ấy thời gian những nông dân “chân lấm, tay bùn” bị cuốn vào vòng xoáy “kiện tụng”. Tuy nhiên, điều mà người dân cảm thấy xót xa, đắng lòng là hàng chục hecta đất bờ xôi ruộng mật sau khi bị thu hồi làm dự án lại để hoang hóa, cỏ mọc um tùm…
“Đắp chiếu” gần 10 năm!
Dự án Khu đô thị (KĐT) Thống Nhất được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt từ năm 2004. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án KĐT Thống Nhất - TP. Nam Định có tổng diện tích 63,9ha do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, toạ lạc tại trung tâm TP. Nam Định, nằm trên hành lang tuyến Quốc lộ 10 (đi Thái Bình, Hải Phòng) và Quốc lộ 21 (Hà Nội).
Dự án sẽ tạo ra KĐT mới đẹp và hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, một bộ mặt đô thị mới của TP. Nam Định ở cửa ngõ phía Bắc. KĐT góp phần thực hiện chiến lược phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ của thành phố, hình thành khu trung tâm thương mại; dịch vụ cho khu vực, đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế của địa phương cũng như nhu cầu của khách du lịch đến tham quan các di tích, văn hoá và lịch sử trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, đã gần 10 năm kể từ khi hàng chục hecta bờ xôi ruộng mật của người dân bị thu hồi phục vụ dự án, nó vẫn chỉ là những khoảnh ô chia nhỏ, thành bãi chăn bò tập trung của nhiều hộ dân.
Khu đô thị "đắp chiếu" gần 10 năm.
Người dân địa phương ở đây cho biết, thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, cả trăm hộ dân đã tình nguyện bàn giao mặt bằng, mong dự án sớm triển khai và hoàn thành, tạo bộ mặt đô thị và giúp người dân bớt khổ. Tuy nhiên, càng mong càng vô vọng, trong khi công ăn việc làm của người dân mất đất thì không có, dẫn tới cuộc sống không ổn định.
Đại diện một số hộ dân ở các tổ 4, 5, 6 khu Đông Mạc bức xúc: Ngày 04/7/2006, tại Quyết định số 1715/2006/QĐ-UB trả lời khiếu nại của công dân, UBND tỉnh Nam Định đã giao cho UBND TP. Nam Định ổn định đời sống cho các hộ dân theo tinh thần của Công văn số 4448/TC-QLTS ngày 04/9/1999. Sau đó, UBND TP. Nam Định mở khu chợ tái định cư Đông Đông Mạc để ổn định cuộc sống, hỗ trợ người dân sau khi thu hồi 70 - 100% diện tích đất. Khi dự án chợ Đông Đông Mạc hoàn thành, UBND phường Lộc Hạ ra quyết định cho đấu giá ki-ốt đối với tất cả các đối tượng trong và ngoài phường với thời hạn 5 năm và UBND hỗ trợ cho người bị thu hồi đất 70-100% thì được hưởng hỗ trợ giá 20%.
Tuy nhiên, mức giá mà UBND TP. Nam Định đưa ra lại quá cao, từ 7 – 12 triệu đồng/ki-ốt. Với mức giá này, người dân nghèo bị thu hồi đất rất khó có thể mua được. Vì vậy, việc ổn định cuộc sống cho người dân theo phương án này không khả thi, càng gây ra khó khăn cũng như bức xúc cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Ông Vũ Khắc Thọ, Chủ tịch UBND phường Lộc Hạ, cho biết: Sau khi bị thu hồi đất, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó. Trong các cuộc họp, cử chi phường cũng đã đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, tránh gây lãng phí đất đai nhưng vẫn chẳng có động thái gì từ cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư.
UBND tỉnh Nam Định bị dân tố nhiều sai phạm?
Liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án KĐT Thống Nhất, 22 hộ dân phường Lộc Hạ, cho rằng, UBND tỉnh Nam Định đã có nhiều sai phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân bị thu hồi đất.
Thứ nhất, vi phạm về thẩm quyền thu hồi đất. Ngày 26/5/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1223/2004/QĐ-UB thu hồi đất của các hộ dân trên địa bàn phường Lộc Hạ, tuy nhiên đến ngày 30/6/2004, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg giao đất để thực hiện dự án. Theo quy định tại Điều 28 Luật đất đai năm 1993, sửa đổi bổ sung 1998, 2001 thì: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó”.
Và tại điểm a, khoản 1, Điều 23 Luật này quy định: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối được quy định như sau: “Chính phủ quyết định giao đất cho các trường hợp sau đây: Giao đất có thu tiền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án.”
Gần 10 năm, dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Như vậy, thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối thì phải do Chính phủ ra quyết định. Do vậy, Quyết định 1223/2004/QĐ-UB thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị mới tại phường Lộc Hạ này là không đúng thẩm quyền, trái với quy định tại điều 23, 28 Luật Đất đai 1993, sửa đổi bổ sung 1998, 2001.
Thứ hai, vi phạm trình tự, thủ tục khi thu hồi đất, bao gồm:
- Không trưng cầu ý kiến của nhân dân về việc quy hoạch đô thị và nông thôn.
- Chỉ tổ chức việc họp lấy ý kiến của các hộ dân bị thu hồi đất sau khi đã có quyết định thu hồi đất.
- Thực hiện việc thu hồi không đúng với các quyết định thu hồi đất đã ban hành.
Đơn kêu cứu phản ánh, tỉnh Nam Định ban hành Quyết định 1223/2004/QĐ-UB thu hồi đất nhưng từ năm 2006, các thông báo san lấp mặt bằng, thi công cơ sở hạ tầng lại căn cứ vào Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 08/6/2004 và Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 30/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong Quyết định số 249/QĐ-UB ngày 22/01/2008 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới có phần nội dung điều chỉnh, đó là không thu hồi diện tích phía Đông khu đô thị giáp với Khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ mà chuyển sang phường Lộc Vượng. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh Nam Định vẫn thu hồi phần diện tích phía Đông giáp với khu Đông Mạc. Điều này trái với quyết định đã ban hành, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các hộ dân.
Thứ ba, vi phạm nghiêm trọng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Sau khi ban hành Quyết định 1223/2004/QĐ - UB, về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đô thị mới, UBND tỉnh Nam Định đã có Tờ trình số 54/VP3 ngày 13/5/2004 và Tờ trình số 66 ngày 15/5/2004 xin phép Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nam Định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Và mặc dù chưa có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/6/2004, UBND tỉnh Nam Định đã ra Quyết định số 1260/2004/QĐ-UB về việc phê duyệt phương án đền bù GPMB KĐT mới này.
Trên thực tế, đến ngày 08/6/2004 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg, giao cho chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chính (đường 52m và đường 33m) và giao cho UBND tỉnh Nam Định lựa chọn chủ đầu tư, hướng dẫn việc bồi thường cho chủ sử dụng đất. Sau đó, ngày 30/6/2004 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg, giao đất cho tỉnh Nam Định để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới.
Ngoài ra, UBND tỉnh Nam Định còn vi phạm nghiêm trọng quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 22/1998/NĐ-CP trong việc thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng: Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng chỉ được thành lập sau khi có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù không đưa ra được lý do nào nhưngUBND tỉnh Nam Định đã có quyết định thành lập Hội đồng đền bù GPMB trước khi có quyết định thu hồi đất. Hơn nữa, trong thành phần Hội đồng đền bù GPMB, thiếu tới 3/6 thành viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 22/1998/NĐ-CP.
Vi phạm về giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 22/1998/NĐ-CP, khi quyết định giá đất đền bù thiệt hại, UBND tỉnh Nam Định phải căn cứ vào từng dự án theo đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá. Tuy nhiên, khi quyết định giá đất để tính đền bù thiệt hại, UBND tỉnh Nam Định đã lấy giá của khu đất phía Bắc Sông Đào và phía Nam Mỹ Lộc, Vụ Bản để tính tiền đền bù cho các hộ dân, và giá đất đền bù được xác định là giá đất nông nghiệp, nông thôn với đơn giá 19.300 đồng/m2. Trong khi đó, theo Nghị định số 17/2004/NĐ-CP ngày 09/01/2004 của Chính phủ quy hoạch xã Lộc Hạ trở thành phường Lộc Hạ nên phải được đền bù đất theo giá đất của đất nông nghiệp trong đô thị.
Thêm vào đó, theo quy định của pháp luật, khi đền bù thu hồi đất, UBND tỉnh Nam Định đã không thực hiện việc nhân hệ số K (hệ số quan hệ tỷ lệ giữa giá đất tính theo khả năng sinh lợi) và cũng không tính giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường theo quy định Tiểu mục 3.1 Mục II Thông tư số 145/1998/TT-BTC ngày 04/11/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 22/1998/NĐ-CP.
Đối với việc hỗ trợ khi thu hồi đất, UBND tỉnh Nam Định không áp dụng quy định tại Công văn số 4448/TC-QLTS ngày 04/9/1999 hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong công tác, đền bù GPMB như: về hỗ trợ chi phí đào tạo, UBND tỉnh đã áp dụng tính bình quân nhân khẩu cho một hộ gia đình có 2 khẩu là x 150.000vnđ/tháng để tính ra mức hỗ trợ đào tạo và mức hỗ trợ này các hộ dân cũng không được nhận, trên thực tế tại địa phương, mỗi hộ gia đình có từ 4 đến 7 khẩu (việc này đã được ghi nhận trong kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Nam Định); Về hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp thì tỉnh tính bình quân mỗi hộ bị thu hồi 50% diện tích đất, còn trên thực tế, các hộ bị thu hồi từ 70 đến 100% diện tích đất...
Sai phạm này đã được Thanh tra tỉnh Nam Định xác minh và đã kết luận tại Báo cáo số 18 ngày ngày 09/02/2006: “Qua thanh tra cho thấy, đối với dự án này, tài liệu hiện có, đối chiếu với các quy định tại thời điểm UBND tỉnh phê duyệt thì Thanh tra tỉnh Nam Định nhận thấy: phần hỗ trợ đối với các hộ dân bị thu hồi đất tại thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, TP Nam Định do hội đồng thẩm định trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt là không sát với thực tế, mức hỗ trợ do hội đồng thẩm định trình tỉnh phê duyệt là vận dụng không có căn cứ sát thực… Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu hiện có, UBND tỉnh Nam Định phải ra quyết định thu hồi Quyết định 1260/QĐ-UB ngày 01/06/2004, dẫn tới tình hình sẽ rất phức tạp”. Tuy nhiên, đến nay mọi việc gần như “dậm chân tại chỗ”.
Đề nghị UBND tỉnh Nam Định xem xét những nội dung tố cáo của công dân, sớm có phản hồi để Báo Kinh tế nông thôn có cơ sở trả lời bạn đọc.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.
Thành Vinh
KTNT