Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc và Khu dân cư tái định cư TP. Phan Rang - Tháp Chàm được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt năm 2011, có quy mô 60,1ha, nằm trên địa bàn hai phường Thanh Sơn và Mỹ Bình. Tuy nhiên, người dân địa phương liên tục khiếu nại bởi đền bù giá thấp, doanh nghiệp phân lô bán nền với giá cao khi chưa xây xong hạ tầng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, gây bức xúc dư luận.
Đơn tố cáo của 19 hộ dân.
Chưa xong hạ tầng đã bán?
Theo phản ánh của người dân sở tại, toàn bộ diện tích đất bị thu hồi của các hộ dân để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc TP.Phan Rang - Tháp Chàm có nguồn gốc từ trước năm 1945. Đây là khu dân cư hình thành lâu đời và là khu đất vàng nằm giữa TP.Phan Rang - Tháp Chàm, người dân không đồng ý nhận bồi thường với giá 60.000 đồng/m2 mà phía chính quyền cũng như chủ đầu tư áp giá. Bởi trên thực tế, đất này được UBND thành phố giao cho Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông (Công ty Thành Đông) làm chủ đầu tư và đã phân lô bán nền với giá 10.000.000 đồng/m2 .
Hơn nữa, khu đất này nằm trong khu quy hoạch “treo” quá lâu khiến người dân nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi.
Tại Công văn 446/UBND-HĐBT của UBND TP. Phan Rang – Tháp Chàm cùng với phương án bồi thường cụ thể gửi Công ty Thành Đông về phương án bồi thường, hỗ tợ và tái định cư… thì trong mục 3 về Số liệu tổng hợp về các hộ, nhân khẩu, số lao động trong thu hồi đất, tại mục 1.3 Hỗ trợ về đất nông nghiệp nói rõ: Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở, đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ thì ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở của thửa đó; Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 40% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong bảng giá đất của địa phương.
Cũng theo các hộ dân thì, tại thời điểm doanh nghiệp chưa xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã bán công khai trên mạng, thậm chí một số hộ mua đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Dự án cơ bản hoàn thành, cụ thể hơn là chắc chắn có những đoạn chưa hoàn thành… Tại thời điểm đấy, UBND tỉnh cho nhà đầu tư chuyển nhượng trên cơ sở đã kiểm tra các diện tích không thay đổi thực địa thì cấp cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện cái quyền này đối với người sử dụng đất có nhu cầu. Thực tế là có văn bản chỉ đạo và chấp thuận của tỉnh chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường cho chủ đầu tư khi chưa hoàn thiện vẫn chấp thuận cấp sổ cho các hộ dân”(?!).
Công văn số 6701/VPCP-V.I của Văn phòng chính phủ về việc chuyển đơn, thư của công dân tỉnh Ninh Thuận.
Những căn cứ cần làm rõ
Ngày 09/3/2010, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 482/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Bắc (khu K1), TP. Phan Rang - Tháp Chàm của Công ty Thành Đông đã được Sở Xây dựng thẩm định.
Tiếp đó, ngày 25/3/2010, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 297/QĐ-UBND về việc phê duyệt Hồ sơ đề xuất và chấp thuận chủ đầu tư. Ngày 7/7/2010, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Văn bản số 446/UBND-HĐBT về việc chấp thuận phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án trên do Công ty Thành Đông đã trình tại Tờ trình số 18/2010/TTr-TĐ ngày 25/6/2010.
Theo phản ánh của người dân, thời điểm UBND tỉnh ra 03 quyết định trên, toàn bộ diện tích (60,14 ha) trong dự án đã quy hoạch và được phê duyệt cho Công ty Thành Đông là chủ đầu tư dự án thì trên thực tế vẫn đang được 989 hộ gia đình, cá nhân, 8 tổ chức sử dụng và chưa hề có bất cứ quyết định thu hồi đất nào của UBND tỉnh cũng như TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 25/3/2010 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt hồ sơ đề xuất và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Đông Bắc cho Công ty Thành Đông có quy định về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư: “Chủ đầu tư có trách nhiệm thành lập Ban giải phóng mặt bằng để phối hợp với các sở ngành, Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện…” và nghĩa vụ đóng góp đối với nhà nước: “Chủ đầu tư ứng trước kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, nộp tiền sử dụng đất theo quy định”.
Dư luận cho rằng, Khu đô thị mới Đông Bắc (khu K1) là dự án nhằm mục đích kinh doanh của Công ty Thành Đông, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân phải do doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận ủy quyền cho TP. Phan Rang - Tháp Chàm thu hồi đất theo quy định của nhà nước là trái với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức có đất bị thu hồi (?!).
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận xem xét vụ việc trên một cách thấu đáo, tránh khiếu kiện kéo dài.
Nhóm PV
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.