Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 9 năm 2011 | 8:34

Dự án nhà B6 Giảng Võ (Ba Đình): Chủ đầu tư “ăn gian” thêm 6 tầng

Không biết hay cố tình?

Ngày 04/12/2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận được Công văn số 1282/CV-CT của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên đầu tư xây lắp và thương mại 36 (viết tắt là Cty 36) đề nghị chấp thuận phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng và xác nhận phương án thiết kế sơ bộ về kiến trúc nhà B6. Bản vẽ do Công ty tư vấn đại học Xây dựng (Trường ĐH Xây dựng) lập tháng 12/2009. Sau đó, 17/11/2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có Công văn số 3215/QHKT-P3 đề xuất, báo cáo UBND thành phố về giải pháp, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà B6. Tiếp đến ngày 08/2/2010, Sở Quy hoạch-Kiến trúc có Công văn số 405/QHKT-P3 báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành phố về công trình nhà ở D2, B6 Giảng Võ và Khách sạn Đông Đô-Giảng Võ.

Ngày 09/2/2010, UBND thành phố có Công văn số 1071/UBND-GT đồng ý về nguyên tắc đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc nêu tại Công văn số 405 của Sở Quy hoạch – Kiến Trúc.

Ngày 10/2/2010, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội có Công văn số 489/QHKT-P3 do ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc ký về việc Điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thiết kế sơ bộ về kiến trúc điều chỉnh nhà B6 Giảng Võ. Công văn này chỉ rõ: Tổng diện tích khu đất nghiên cứu là 3.067m2, diện tích xây dựng 1.832m2, mật độ xây dựng 59,7%. Tổng diện tích sàn xây dựng là 39.269m2, cao 19&22 tầng và cóp 04 tầng hầm để xe. Tuy nhiên, trong Phương án thiết kế sơ bộ về kiến trúc công trình, Sở Quy hoạch-Kiến trúc lại đồng ý cho chủ đầu tư xây thêm: tầng lửng 1.1 (diện tích 1.455m2, cao 3,6m), tầng lửng 2.1 (diện tích 1.695m2, cao 3,6m), tầng lửng 2.2 (diện tích 1.695m2, cao 3,6m). Diện tích sàn xây dựng khối văn phòng từ tầng 3-22 có thêm 2 tầng kỹ thuật (diện tích 614m2, cao 2,7m). Diện tích sàn xây dựng khối văn phòng từ tầng 3-12 thêm 02 tầng kỹ thuật (diện tích 1.050m2, cao 2,7m), tầng 18 lửng (diện tích 676m2), tầng lửng thứ 19 (diện tích 676m2) tầng mái kỹ thuật (diện tích 507m2 và cao 3,6m).

Tạo tiền lệ xấu

Căn cứ vào Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số QCVN 03:2009/BXD và Thông tư số 33/2009/TT-BXD ngày 30/9/2010 về việc Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia để phân loại, phân cấp công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ở mục 1.3.9 – Quy định chung của Tiêu chuẩn xác định: “Số tầng của ngôi nhà bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng áp mái, mái tum) và tầng nửa hầm”. Như vậy, áp dụng theo Quy chuẩn này các loại tầng lửng, tầng kỹ thuật tại Dự án nhà B6 Giảng Võ vẫn sẽ được tính như tầng bình thường.

Dự án nhà B6 đang được xây dựng.

Nhận thấy có dấu hiệu sai phạm, ngày 05/7/2011, Sở Xây dựng Hà Nội có Công văn số 4607/SXD-QLCP do ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc ký gửi Bộ Xây dựng chỉ rõ: Đối chiếu với với quy định về số tầng nhà tại Điều 1.3.9 của Quy chuẩn QCVN 03:2009/BXD, công trình nêu trên (B6 Giảng Võ - PV) có tổng cộng số tầng là 28 tầng, vượt quá quy mô được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Mặt khác, theo rà soát phần vùng xât dựng nhà cao tầng tại bốn quận nội thành thành phố Hà Nội, công trình thuộc phân vùng có quy mô 21 tầng.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội lý giải vì khi ký Công văn phê duyệt quy hoạch nhà B6 Giảng Võ (ngày 10/2/2010), Tiêu chuẩn TCVN 03:2009/BXD chưa có hiệu lực (hiệu lực từ ngày 30/3/2010) nên không thể nói là sai. Còn việc phân vùng 21 tầng mà quy hoạch cho 22 tầng, theo ông Tuấn là không quan trọng vì nhiều công trình ở Hà Nội có chỗ còn tăng thêm cả chục tầng so với phân vùng.

Tuy nhiên, căn cứ vào Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000882 ngày 17/9/2010 của UBND TP. Hà Nội do ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch ghi rõ: “Quy mô đầu tư: Theo quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ đã được Sở Quy hoạch-Kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 489/QHKT-P3 ngày 10/2/2010 và Văn bản số 2905/QHKT-P3 ngày 13/9/2010, cụ thể như sau: đầu tư xây dựng công trình cao 19 và 22 tầng, diện tích xây dựng công trình cao 19 tầng và 22 tầng (thực tế là 28 tầng-PV)”.

Như vậy, khi ký Quyết định Chứng nhận đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, Tiêu chuẩn 03:2009/BXD đã có hiệu lực và việc cấp chứng nhận đầu tư sẽ tạo thành tiền lệ xấu để các doanh nghiệp xây dựng lách luật hoặc vi phạm Luật Xây dựng./.

Duy Lê

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top