Dự án The Diamond Park có tên pháp lý là Khu nhà ở thu nhập thấp khiến cho Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC - chủ đầu tư điêu đứng vì những thông tin không chính xác, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp.
Cổng chào dự án The Diamond Park do Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC làm chủ đầu tư.
Chủ đầu tư The Diamond Park điêu đứng vì cái tên dự án
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC, trong quá trình hoạt động, VIDEC luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, các nghĩa vụ đối với nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhà đầu tư. Từ năm 2008, Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC triển khai đầu tư, xây dựng dự án The Diamond Park (tên pháp lý là dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp).
“Như các dự án khác, The Diamond Park theo quy hoạch được phê duyệt là dự án khu nhà ở hỗn hợp, trong đó chỉ có một phần xây dựng chung cư nhà ở xã hội, còn lại là diện tích nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp. Dự án có tên pháp lý Khu nhà ở cho người thu nhập thấp thực tế chỉ là cách đặt tên để định hướng sản phẩm theo phân khúc phù hợp với thu nhập của địa phương chứ không nhằm để hưởng ưu tiên, ưu đãi hay ý định gì khác” – ông Dũng nói.
Về quy hoạch, Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2365/QĐ-UBND ngày 11/7/2008 với quy mô 14,45 ha. Trong đó, đất xây dựng nhà ở xã hội là 14.546 m2; đất xây dựng nhà liền kề: 19.925 m2; đất xây dựng nhà biệt thự: 21.634 m2. Còn lại là diện tích đất xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, cây xanh, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật...
Cũng trong năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2736/QĐ-UBND phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất dự án. Theo đó, dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp do VIDEC làm chủ đầu tư tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh có giá thu tiền sử dụng đất 1 lần là 1.070.000 đồng/m2 đất ở. Trong mục 7 Thông báo nộp tiền sử dụng đất (ngày 24/3/2010) của Chi cục thuế huyện Mê Linh cũng nêu rõ: Giá quy định là 1.070.000 đồng/m2 và Công ty đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào thành phố Hà Nội, trên cơ sở Báo cáo số 86/BC-UBND ngày 26/6/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Báo cáo rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trong khu vực từ đường Vành đai III đến sông Đáy và đề xuất phương án cho phép các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trong khu vực được tiếp tục triển khai”, ngày 31/8/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1563/TTg-KTN đồng ý với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội.
Tiếp đó, ngày 11/11/2010, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 9189/UBND-XD chấp thuận kết quả rà soát theo đề nghị của Liên ngành báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện công tác rà soát, khớp nối 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên đại bàn thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng cho phép triển khai. Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nằm trong danh sách dự án tiếp tục được triển khai nhưng phải điều chỉnh, khớp nối quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Để dự án không bị chậm tiến độ triển khai, VIDEC đã chủ động làm việc với đơn vị tư vấn và các sở ban ngành để được điều chỉnh quy hoạch của dự án nhằm khớp nối đồng bộ quy hoạch của dự án với quy hoạch chung toàn khu. Ngày 03/01/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Tờ trình số 08/TTr-QHKT gửi UBND thành phố Hà Nội về việc xin phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ngày 25/4/2012 UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 3063/UBND-QHXDGT đồng ý chủ trương cho phép dự án được điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, do vị trí khu đất của dự án nằm trong quy hoạch phân khu N3 của huyện Mê Linh đang trình UBND thành phố phê duyệt nên ngày 19/10/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 3163/QHKT-P3 về việcđề nghị Công ty chờ phê duyệt Quy hoạch phân khu N3 của huyện Mê Linh mới được tiếp tục điều chỉnh quy hoạch.
Sau khi quy hoạch phân khu N3 của huyện Mê Linh được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1598/QĐ-UBND ngày 21/02/2013, ngày 05/12/2014 Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội có Thông báo số 5345/TB-HĐTĐ về việc kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội về đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng việc điều chỉnh quy hoạch của dự án chưa thực hiện được do huyện Mê Linh chưa được phê duyệt quy hoạch, tỷ lệ 1/10.000.
Phối cảnh tổng thể dự án.
Sau khi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh, tỷ lệ 1/10.000 tại Quyết định số 6694/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 thì ngày 30/10/2015 UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 7738/UBND-QHKT về việc mở rộng, điều chỉnh ranh giới nghiên cứu dự án tăng lên khoảng 16.7 ha để phù hợp với quy hoạch phân khu N3, khớp nối đồng bộ với hạ tầng của khu vực và tránh các khu đất xen kẹt giữa các dự án.
Ngày 15/3/2017, dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp mới được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1739/QĐ-UBND với quy mô 16,78 ha. Trong đó, đất xây dựng nhà ở xã hội: 17.015 m2; đất xây dựng nhà Liền kề: 22.688 m2, đất xây dựng nhà Biệt thự: 27.686 m2. Còn lại là diện tích đất xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, cây xanh, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật...
Song song với việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án, Công ty VIDEC tổ chức triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh quy hoạch để giảm thời gian dự án bị kéo dài do phải điều chỉnh quy hoạch. Ngay sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án được phê duyệt, VIDEC tổ chức thi công khu nhà ở xã hội có vị trí tiếp giáp với khu dân cư thôn Do Thượng (đã thi công cọc thí nghiệm và thử tải trọng của công trình).
Tuy nhiên, do nhân dân thôn Do Thượng mong muốn khu vui chơi giải trí có vị trí sát làng, thuận tiện việc phục vụ các hoạt động của thôn. Được sự thống nhất và đồng thuận của chính quyền địa phương (UBND huyện Mê Linh và UBND xã Tiền Phong), hiện nay Công ty đang phối hợp với các sở ban ngành để báo cáo UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch của dự án, hoán đổi vị trí các công trình.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào thành phố Hà Nội, việc GPMB của dự án theo phương án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt không thể thực hiện được do thay đổi đơn giá.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC là chủ đầu tư đầu tiên trên địa bàn huyện Mê Linh được UBND thành phố Hà Nội cho phép thanh toán tiền bồi thường, GPMB theo Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 29/9/ (theo quyết định này, phương án BT, GPMB có giá cao hơn nhiều so với phương án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt) tại Văn bản số 11592/UBND-TNMT ngày 03/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội (theo Tờ trình của Ban GPMB thành phố số 783/TTr-BCĐ ngày 24/11/2009 và UBND huyện Mê Linh tại Văn bản số 4634/UBND-HC ngày 02/11/2009).
Tổng số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC đã thanh toán theo phương án mới được phê duyệt là 85 tỷ đồng theo xác nhận của UBND huyện Mê Linh tại Văn bản số 5424/UBND-PTQĐ ngày 15/10/2018. Tuy nhiên, số tiền mà Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC đã chi để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng lên đến 100 tỷ đồng (do phải thực hiện hỗ trợ ngoài phương án cho các hộ có ruộng bị thu hồi và di chuyển hơn 300 ngôi mộ rất nhiều và đến tháng 11/2018 những ngôi mộ cuối cùng mới chuyển khỏi dự án).
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, dự án chỉ được hưởng ưu đãi duy nhất là miễn tiền sử dụng đất đối với 14.546 m2 đất xây dựng nhà ở xã hội đúng theo quy định.
“Như vậy, chi phí VIDEC đã đầu tư vào dự án là rất lớn, bao gồm: chi phí GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước và lãi vay trong suốt thời gian dự án bị kéo dài. Trong khi giá trị bất động sản tại khu vực Mê Linh không cao, thị trường không sôi động như các khu vực khác gây cho Chủ đầu tư rất nhiều khó khăn, nhưng bằng quyết tâm Công ty VIDEC đã nỗ lực triển khai thực hiện dự án, đến nay đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cảnh quan và thay đổi bộ mặt của khu đô thị trục trung tâm Mê Linh và khu dân cư hiện hữu như hiện nay” - Ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm, “Dự án The Diamond Park theo quy hoạch được phê duyệt là dự án khu nhà ở hỗn hợp, trong đó chỉ có một phần xây dựng nhà ở xã hội còn lại là diện tích nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp. Bên cạnh đó, VIDEC không được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác ngoài miễn giảm tiền sử dụng đất phần nhà ở xã hội. Phần nhà ở thấp tầng, công trình hỗn hợp tại dự án nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài do thay đổi địa giới hành chính và phải điều chỉnh quy hoạch như các dự án khác trên địa bàn huyện Mê Linh. Tuy nhiên, Dự án The Diamond Park là một trong số ít dự án trên khu vực đã thi công xong hoàn chỉnh hạ tầng, cây xanh, cảnh quan. Tỷ lệ đất xây dựng nhà ở xã hội/ diện tích đất ở của dự án là phù hợp với quy định”.
Sẽ đổi tên dự án để tránh gây hiểu lầm
Khó khăn là vậy, mặc cho sự cố gắng của Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC, từ tháng 8/2018 tới nay, xuất hiện một số thông tin sai lệch theo tính chất chủ quan, suy diễn, không căn cứ, cắt ghép hình ảnh về dự án The Diamond Park, khiến VIDEC giải trình rất nhiều lần với các cơ quan chức năng và “phủ bóng đen” lên mọi nỗ lực của Tập đoàn trong việc triển khai dự án.
Ngày 27/6/2018, Văn phòng UBND thành phố có văn bản số 4823/VP-ĐT về việc kiểm tra, xử lý vấn đề báo chí phản ánh dự án The Diamond Park (Mê Linh, Hà Nội) theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội tại văn bản số 2457-CV/VPTU ngày 15/6/2018, trong đó giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý các thông tin phản ánh.
Ngày 03/7/2018 Sở Xây dựng chủ trì tổ chức cuộc họp với các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Mê Linh, Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC (Chủ đầu tư dự án The Diamond Park). Ngày 11/7/2018 Sở Xây dựng có Văn bản số 6045/SXD-PTĐT báo cáo đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra vụ việc báo chí phản ánh.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 09/8/2018 UBND thành phố có văn bản số 6116/VP-ĐT gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC, yêu cầu: (i)Khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trong đó lưu ý việc điều chỉnh tên dự án để tránh gây hiểu lầm bức xúc trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng; (ii) Gửi thông tin về dự án cho các báo biết, phối hợp đăng tải chính xác thông tin theo quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC đã chủ động phối hợp, cung cấp, đăng tải trên nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.
Mặt khác, ngày 31/8/2018 Bộ Xây dựng có Văn bản số 2208/BXD-QLN yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo việc báo chí phản ánh; Ngày 25/9/2018 UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 4532/UBND-ĐT tiếp tục giao Sở Xây dựng chủ trì, tổng hợp báo cáo.
Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC tiếp tục phải giải trình; và ngày 04/11/2018 Sở Xây dựng có Văn bản số 10757/SXD-PTĐT báo cáo tình hình thực hiện dự án gửi UBND thành phố Hà Nội.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park (Khu nhà ở cho người thu nhập thấp). Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC mong muốn sớm có kết luận thanh tra để dự án tiếp tục triển khai, tạo sự yên tâm cho các khách hàng và đối tác của VIDEC. Ngoài ra, khi điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC sẽ điều chỉnh tên của dự án tránh sự hiểu lầm trong dư luận, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
“Vì thông tin không khách quan, thiếu chính xác có nguy cơ gây hậu quả nặng nề về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều biến động hiện nay. Tập đoàn VIDEC đề nghị các các cơ quan báo chí, truyền thông thận trọng, kiểm chứng kỹ càng hơn trước khi đăng tải nội dung liên quan các dự án, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp nói chung, Tập đoàn VIDEC nói riêng”, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.