Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 14:22

Dự báo thị trường BĐS năm 2021: Lạc quan về sự phục hồi và tăng trưởng

Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản (BĐS).

t25.jpg
Thị trường BĐS năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng.

 

Tuy nhiên, bước vào năm 2021, nhiều chuyên gia có chung nhận định về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.

Hai kịch bản

Tại tọa đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng & Cơ hội đầu tư” diễn ra vào cuối tháng 11/2020, ý kiến của nhiều chuyên gia nhận định, sẽ có hai kịch bản cho thị trường BĐS trong năm 2021.

Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam, dù chịu tác động của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore và Malaysia để đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Mặt khác, theo báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Mới đây, Quốc hội đã họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP khoảng 3.700 USD/người.

“Có thể khẳng định, sức chịu đựng và khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy dòng tiền đổ vào BĐS trong thời gian tới”, ông Bùi Văn Doanh nhận định.

Đối với kịch bản thứ nhất, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên được đảm bảo, thị trường BĐS sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định. Thị trường BĐS chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường.

Theo ông Bùi Văn Doanh, với những chuyển biến trong nhiệm kỳ mới và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các yếu tố pháp lý từng bước được hoàn thiện, thị trường BĐS năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới với những sinh khí mới. Với  chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư đủ tự tin kiểm soát tài sản và tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội tốt để tiếp cận nguồn cung dồi dào và giá tốt hơn trong tương lai.

Đối với kịch bản thứ hai, khi các chỉ tiêu vĩ mô nêu trên không được đảm bảo (tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới không thể kiểm soát), thị trường BĐS năm 2021 vẫn sẽ giữ được mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại. Nếu như không có sự can thiệp của Chính phủ và sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp, về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường BĐS.

“Dưới góc nhìn tích cực nhưng thận trọng, chúng tôi cho rằng, 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh BĐS”, ông Doanh nói.

Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc BĐS có tiềm năng lớn như BĐS công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển BĐS tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới.

Lạc quan về sự phục hồi và tăng trưởng

Nhận định về thị trường BĐS năm 2021,  ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hồi BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cho rằng, thị trường BĐS đang phải đương đầu với khó khăn chồng chất nhưng theo các chuyên gia, thị trường có khả năng tự phục hồi trở lại mạnh mẽ ngay sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19 gắn với việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, thực thi pháp luật.

Cũng theo ông Châu, từ nay đến Tết âm lịch và cả năm 2021, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại do có những tác động tích cực từ việc  nước ta kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…..

Liên quan đến việc tháo gỡ những bất cập về luật pháp, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận, sự chồng chéo pháp lý trong các bộ luật đã dẫn đến việc phê duyệt các dự án trở nên chậm trễ trong thời gian qua. Việc các cơ quan chức năng thận trọng khi tiến hành phê duyệt cũng là để đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh cho thị trường BĐS. Dù vậy, những nút thắt này đến nay cũng có nhiều tín hiệu tích cực về việc tháo gỡ. Chính phủ đã có động thái trước thực trạng vừa nêu ngay trong quý IV/2020. Theo đó, phần lớn vướng mắc về mặt pháp lý của thị trường BĐS được tháo gỡ nhờ Nghị quyết 164; Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực vào 1/1/2021. Riêng Nghị quyết 164 còn được kì vọng sẽ góp phần mang đến cơ hội phát triển mới cho thị trường.

Nhận định của quản lý cấp cao CBRE Việt Nam Phạm Ngọc Thiên Thanh cho rằng, thị trường nhà ở Việt Nam vẫn tiếp tục lạc quan, dựa trên giá bán. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là những thành phố đang ghi nhận sự phục hồi trong dịch Covid-19 ở các phân khúc như thị trường văn phòng giá thuê được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2021. Tuy nhiên, thị trường văn phòng sẽ có sự thay đổi linh hoạt, xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm, giải pháp tối ưu hóa không gian được chú trọng. Thị trường bán lẻ với việc hình thành các điểm đến mua sắm mới, cùng với xu hướng mua sắm trải nghiệm qua kênh thương mại điện tử đang đặt ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Mặt khác, các doanh nghiệp BĐS cần có sự chuyển đổi về phương thức hoạt động, dịch chuyển loại hình sản phẩm để thích ứng với những thay đổi liên tục của thị trường, các xu hướng mới và loại hình sản phẩm phù hợp cho sự phát triển của thị trường tương lai.

Đối với phân khúc BĐS công nghiệp, đại diện Savills Việt Nam nhận định, hiện Việt Nam là quốc gia khống chế dịch tốt nhất thế giới cùng nhiều hiệp định FTA được ký kết sẽ khiến các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Mặt khác, dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều nhà sản xuất dời cơ sở hoặc một phần cơ sở của mình ra khỏi Trung Quốc để đầu tư thêm vào các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang có  nhiều sức hút đầu tư vào mảng BĐS công nghiệp vì giá xây dựng nhà xưởng rẻ hơn nhiều quốc gia khác. Đặc biệt về hạ tầng giao thông, đã và đang được triển khai tốt ở nhiều tỉnh, thành.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top