Năm 2017, lượng khách đến tham quan, du lịch tại Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng so với năm trước. Theo đó, Quảng Ngãi đón 810.000 lượt khách, đạt 108% so với kế hoạch, tăng 12% so với năm 2016.
Tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Mỹ Khê, Khu du lịch Sa Huỳnh, Khu lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, Thác Trắng Minh Long…, thu hút lượng khách du lịch nội địa khá đông.
Đặc biệt, huyện đảo Lý Sơn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Điểm du lịch Gành Yến - xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) là “điểm sáng” của du lịch Quảng Ngãi trong năm 2017 với hiệu ứng lan tỏa check-in làng tranh bích họa 3D và tranh phát sáng trong giới trẻ.
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết: Năm 2017, lượng khách đến tham quan tại Quảng Ngãi tăng mạnh so với năm trước, đạt 810.000 lượt khách, bằng 108% kế hoạch, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế 69.000 lượt, đạt 107% kế hoạch, tăng 13%. Du lịch biển, đảo tăng trưởng tốt, mặc dù thời tiết có nhiều bất lợi.
Năm 2016, Lý Sơn thu hút 165.000 lượt khách, năm 2017 tăng lên 210.000 lượt khách, cán mốc tổng lượt khách đề ra vào năm 2020 theo Quy hoạch phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn và vượt kế hoạch đề ra.
Ngoài “đầu tàu” Lý Sơn, Quảng Ngãi đã xuất hiện các “điểm sáng” như: Gành Yến (Bình Sơn), Ba Tơ. Trong năm 2017, huyện Bình Sơn chủ động triển khai kế hoạch phát triển du lịch tại điểm Gành Yến và đã đón 30.000 lượt khách tham quan kể từ khi đưa điểm du lịch này vào hoạt động từ tháng 9/2017.
Tại huyện Ba Tơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã chủ động phối hợp với UBND huyện và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành triển khai xây dựng và đưa mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa dân tộc H’re, giao lưu múa hát, trình diễn cồng chiêng, trình diễn dệt thổ cẩm Làng Teng kết hợp với không gian trưng bày, giới thiệu về khởi nghĩa Ba Tơ tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, đã tạo ra đặc trưng riêng, sự tương tác vừa gần gũi vừa ấn tượng giữa du khách và người dân.
Tổng doanh thu của ngành du lịch Quảng Ngãi năm 2017 đạt 710 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch, tăng 10% so với năm trước. Trong đó, thu bằng ngoại tệ 8 triệu USD, đạt 107% kế hoạch, tăng 18%.
“Trong năm 2017, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ nghiên cứu và phát triển du lịch cộng đồng tại 4 huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành và Ba Tơ. Tổ đã tiến hành khảo sát tại các địa phương, hiện đang xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh vào quý I/2018 và triển khai các sản phẩm mới trong mùa du lịch 2018”, bà Hoa cho biết thêm.
Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua Nghị quyết phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh đến 2020.
Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2020, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; ưu tiên phát triển du lịch và một số ngành dịch vụ thiết yếu mà tỉnh có thế mạnh; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dịch vụ chất lượng cao và một số khu, điểm du lịch cao cấp; tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng; thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động. Đến năm 2020 đón khoảng 1,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu trên 1.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động.
Hiện, các ngành và địa phương trong tỉnh đang nỗ lực vào cuộc cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ngãi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Hy vọng, với những định hướng và hành động phát triển đúng, Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn.
Hải Yến
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.