Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 1 năm 2021 | 14:5

Đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế

Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải là dự án “chất lượng hàng đầu, tiến độ đúng yêu cầu, chủ đầu tư gương mẫu, không thất thoát, lãng phí, tiêu cực và tuyệt đối an ninh, an toàn”.

Việc đầu tư, hoàn thành dự án mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế. Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á…
 
 
Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Sáng nay (05/01), phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ khi kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại thì kinh tế mới có thể cất cánh mạnh mẽ, lúc đó mới có thể đón những nhà đầu tư lớn đến làm ăn lâu dài. Vì lẽ đó, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đặc biệt là hạ tầng vận tải hàng không.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á, với GDP tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua trên 6,3%/năm. Năm 2020, chúng ta là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, đã thực hiện thành công mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh và duy trì được mức tăng trưởng gần 3%, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

 

Thủ tướng bấm nút khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Nội lực của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Sự phát triển nở rộ của khu vực kinh tế tư nhân sau khi có Nghị quyết Trung ương lần thứ 10 với mức tăng bình quân gần 18%/năm giai đoạn 2016-2019. Các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam như một điểm đến đầu tư vững chắc.

Thủ tướng nhấn mạnh triển vọng kinh tế rất tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, đang gia tăng mạnh mẽ.

Đi liền với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu hàng khách, tăng 12% so với năm 2018.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.

Có thể nói, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa qua đường hàng không ngày càng lớn, trong khi hạ tầng vận tải hàng không chậm được cải thiện, đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội. Hầu hết các cảng hàng không, sân bay lớn trên cả nước thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh hàng không do tăng thời gian, chi phí, giảm chất lượng dịch vụ, nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh Việt Nam so với các quốc gia khác.

Các cảng hàng không lớn của Việt Nam như Tân Sơn Nhất, Nội Bài cơ bản đều khai thác vượt công suất nên luôn trong tình trạng quá tải. Thiếu chỗ đậu và bay đã làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam để sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Nếu khắc phục được các tồn tại này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Thủ tướng cho biết, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.

Nếu dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%. Mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Tổng mức đầu tư lớn, được chia làm 3 giai đoạn, khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với nhiều hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, của tỉnh Đồng Nai, ACV, Thủ tướng hoan nghênh cam kết của chủ đầu tư khi đưa các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng hàng rào, san lấp mặt bằng có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng khởi công và hoàn thành ngay trong năm 2021.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối nền kinh tế nước ta với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu, đồng thời, khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi tăng trưởng của thị trường hàng không.

Việc đầu tư, hoàn thành dự án mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.

Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.

Để hoàn thành dự án thành phần 3 thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo ACV tổ chức triển khai thực hiện dự án thành phần 3 theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Việc đầu tư phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không vượt tổng mức đầu tư.

Tổ chức xây dựng dự án đúng thiết kế đã được phê duyệt, không gây thất thoát, lãng phí, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đặc biệt đảm bảo pháp luật về đầu tư, chất lượng từng hạng mục của dự án.

Chủ đầu tư các dự án thành phần 1, 2 và 4 còn lại bao gồm Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm khởi công để đảm bảo hoàn thành dự án thành phần này cùng tiến độ dự án thành phần 3 để kịp thời, đồng bộ đưa dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025 theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt.

Những tuyến này cùng với sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương có liên quan phải chủ động nghiên cứu, đưa vào quy hoạch phát triển khu vực để có sự đồng bộ, phát huy tác dụng lớn lao của sân bay Long Thành, trong đó xây dựng một nền kinh tế xung quanh sân bay, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, quốc tế, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng mạnh dịch vụ, kể cả dịch vụ trong sân bay, góp phần giải quyết nhiều việc làm không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Nam Bộ và cả nước, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

22 sân bay còn lại của ACV cần tiếp tục phải nâng cấp, đảm bảo đón khách nhiều hơn nữa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách quốc tế, kể cả sân bay ở miền núi. Như vậy, hệ thống sân bay Việt Nam, trong đó có sân bay Long Thành, sẽ đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và thực hiện chính sách đã phê duyệt tại Quyết định đầu tư dự án, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các chủ đầu tư khác để đảm bảo việc đầu tư dự án thuận lợi, an toàn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải là dự án “Chất lượng hàng đầu, Tiến độ đúng yêu cầu, Chủ đầu tư gương mẫu, Không thất thoát, lãng phí, tiêu cực và Tuyệt đối an ninh, an toàn”.

Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của Dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, đến nay, đã bàn giao khoảng 2.600 ha cho giai đoạn 1 dự án.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tập trung lực lượng hoàn thiện diện tích còn lại trong năm 2021; kiến nghị sớm triển khai các tuyến cao tốc kết nối để bảm đảo giao thông khi dự án đi vào vận hành.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top