Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong ngày 7-8/7/2017 tại CHLB Đức, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, với tư cách là nước chủ nhà APEC 2017 đã chủ động, tích cực kết nối thành công các chủ đề lớn của hai sự kiện quan trọng, tầm cỡ thế giới này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo dự Hội nghị G20. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Từ trước cho đến nay, nhóm các nền kinh tế lớn (G20) bao gồm: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Hơn 10 năm qua, G20 năm nào cũng họp, ít nhất là một lần, có năm họp đến hai lần để bàn thảo những vấn đề quan trọng nhất của thế giới.
Gần một năm, từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 9/2016 ở Trung Quốc đến nay, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi nhanh chóng và khó lường. Nền kinh tế thế giới cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức cả mới và cũ, khiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của một số nước hay sự biến động của các thị trường tài chính sau sự kiện Brexit sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tiền tệ và tỷ giá của nhiều nước trên thế giới. Nợ công tăng cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, hoặc như các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi kéo dài khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước gây hệ lụy tiêu cực tới quá trình toàn cầu hóa đầu tư và thương mại toàn cầu.
Hơn 4.500 nhà báo đến từ 65 quốc gia dự đưa tin về Hội nghị. Trong ảnh là một góc của Trung tâm báo chí Hội nghị tại Hamburg (CHLB Đức). Ảnh: VGP/Việt Đông |
Với chủ đề này, các nguyên thủ quốc gia đến dự Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng có tầm ảnh hưởng sâu sắc trên toàn cầu. Trong đó các nguyên thủ nhiều nước lớn ưu tiên đề cập đến việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững; an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải; chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội. Đồng thời, G20 cũng ưu tiên thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động-việc làm, bình đẳng giới…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh: VGP |
Năm nay, Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách nước chủ nhà "Năm APEC 2017" (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà "Năm APEC" không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20.
Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cho thấy các thành viên G20 coi trọng, đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, với mục tiêu tăng cường kết nối quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương, chủ đề “Năm APEC 2017” của Việt Nam là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Chủ đề này có nhiều điểm tương đồng với trọng tâm nghị sự của G20, trong đó chú trọng cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây cũng là một trong những cơ sở, cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu trong bối cảnh mới.
Tại Hội nghị, với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác giữa các nước trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong.
Hoan nghênh G20 cam kết bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước cũng như hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Nằm trong số ít lãnh đạo được mời phát biểu lần thứ hai tại G20, tại phiên thảo luận về vai trò phụ nữ, xu thế số hóa nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam, đề cao vai trò, đóng góp quan trọng của người phụ nữ. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang từng bước phát triển nền kinh tế số, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý hành chính nhà nước… Việt Nam mong nhận được sự hợp tác của các thành viên G20.
Đoàn Việt Nam trong Hội nghị đã tích cực thúc đẩy sự kết nối với G20 về các chủ đề ưu tiên trong Nghị sự của APEC 2017 là nhất là về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng. Mặt khác, Đoàn Việt Nam cũng chủ động phối hợp với các thành viên APEC trao đổi sâu rộng với các thành viên G20 các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong phát triển bền vững, bao trùm, cả về kinh tế, xã hội và tài chính
Như vậy, với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã thành công trong việc thúc đẩy kết nối G20 với APEC 2017 diễn ra vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng. Đồng thời tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã thể hiện vị thế quốc gia, nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.
Việt Đông/Chinhphu.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.