Ông Nguyễn Thế Thi, PCT UBND huyện Lục Ngạn (BG), cho biết, sau 3 năm trồng thử nghiệm, hơn 500 cây vải thiều không hạt đã cho trái, mã quả đẹp, không bị cháy nắng, không có hạt, thuận lợi cho việc chế biến, vận chuyển, đặc biệt là phục vụ cho xuất khẩu.
Người ghép thử nghiệm thành công vải thiều không hạt
Là người gắn bó nhiều năm với cây vải thiều, với đức tính ham học hỏi, muốn tìm ra những giống cây mới, ông Vi Văn Hiệu (SN 1966), ở thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) đã ghép thử nghiệm thành công giống vải không hạt trên cây vải thiều. Năm nay, 4 cây vải ghép ban đầu đã cho trái, với chất lượng thơm ngon.
Được biết, năm 2018, thông qua một người bạn, ông Hiệu tìm hiểu và mua một cây giống vải không hạt về trồng tại vườn nhà. Trong quá trình chăm sóc, cây phát triển tốt, nên ông tỉa từng cành nhỏ để ghép dần lên cây vải thiều tại vườn của gia đình.
Ông Hiệu cho biết, để thuần hóa thành công loại vải này, công đoạn ghép được thực hiện nhiều lần theo phương thức “ghép đoạn”. Tức là sau khi ghép lần đầu, đến khi thành cành bánh tẻ sẽ cắt ngọn và ghép nối, cứ như vậy, sau 4 năm gia đình ông đã có 4 cây vải không hạt cho ra quả như hiện nay.
Năm nay là năm đầu tiên 4 cây vải thiều không hạt cho sản lượng hơn 100kg quả. Về chất lượng, theo đánh giá ban đầu, vỏ quả vải màu đỏ, có gai, dày, thuận lợi cho quá trình bảo quản được lâu; cùi vải dày không có hạt, ăn ngọt và thơm rất đặc trưng. Mẫu mã và trọng lượng quả vải không hạt tương đương với vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn.
“Vải như hiện nay tôi mới chỉ ưng ý khoảng 80% bởi phải 1-2 năm nữa nó mới thuần hẳn. Lúc đó, cây và quả còn đẹp, to và mọng hơn”, ông Hiệu cho biết.
Vải không hạt với nhiều người còn mới nên được tìm mua và trả giá 100 nghìn đồng/kg nhưng gia đình ông Hiệu đã ký hợp đồng bao tiêu từ trước. Để tiếp tục thử nghiệm mô hình này, từ nguồn giống sẵn có, năm nay ông Hiệu dự định ghép mở rộng diện tích lên vài sào tại vườn nhà.
Mở ra hướng sản xuất mới
Được biết, cách đây 3 năm, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đưa hơn 500 cây vải không hạt trồng tại vườn đồi của xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn). Năm nay, một số cây đã cho trái với sản lượng vài tạ. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lục Ngạn đang tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả để khi phát triển giống vải không hạt này bảo đảm được tính ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Đặc biệt, nếu thành công, vải không hạt sẽ góp phần mở ra hướng đi mới trong đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với huyện trồng hơn 500 cây vải không hạt. Năm nay, một số cây đã cho trái với sản lượng 200-300kg. Vải có vị đặc trưng riêng, màu sắc đỏ, đẹp, vỏ không nhẵn như vải bình thường. Đặc biệt, vải có ưu điểm là không bị cháy quả. Ví dụ vẫn ở cây đấy, quả khác bị cháy vì nắng, quả này nhiều nước hơn, sẽ mát hơn, hoặc vỏ có gai có thể tránh được nắng.
Ông Thi nhấn mạnh: “Vải không hạt có nhiều ưu điểm, màu sắc đỏ, đẹp, tránh được cháy nắng, năm đầu ra bói cho sản lượng cũng khá. Đặc biệt, ưu điểm là không có hạt, sẽ mở ra thị trường mới, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, người tiêu dùng rất ưa thích. Trong nước, người dân hiếu kỳ, thích độc lạ đã tìm đến mua; chỉ Lục Ngạn có giống này nên thu hút để phát triển khách du lịch; quan trọng nhất là không có hạt, khi chế biến sẽ giảm được chi phí, cũng như hạn chế bị giập nát khi vận chuyển. Nếu thử nghiệm thành công, thực sự sẽ là cây mang lại giá trị lớn”.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, vải không hạt bước đầu sinh trưởng tương đối tốt, mã quả đẹp, không có hạt, quả màu đẹp, thuận lợi cho việc vận chuyển. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp nghiên cứu, nhân rộng giống vải này tại Bắc Giang, góp phần đa dạng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Về định hướng phát triển, ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, cho biết, sắp tới, sẽ xem xét nghiên cứu giống vải không hạt. Các cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện các mô hình điểm ở 2 xã Tân Sơn và Giáp Sơn. Từ đó mới tiến hành đánh giá bài bản quá trình sinh trưởng của cây và chất lượng quả trước khi nhân rộng để đưa ra thị trường.
Năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, trong đó, vải thiều sớm khoảng 6.750ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 21.250 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, tính đến ngày 30/6, Bắc Giang đã thu hoạch được 104.000 tấn vải thiều chín sớm và chính vụ. Trong đó, hơn 57.500 tấn tiêu thụ tại thị trường nội địa, 46.500 tấn xuất khẩu. Với thị trường xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang được xuất qua Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Campuchia, Thái Lan… Riêng lượng vải thiều xuất sang Trung Quốc lên tới 45.900 tấn. |