Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 6 năm 2018 | 14:30

Gian nan cuộc chiến giảm nghèo ở Kỳ Sơn

“Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống, giúp đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, đẩy lùi tệ nạn xã hội, nạn tín dụng đen tại vùng dân tộc miền núi và dần nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Đó là nhận xét của ông Vừ Vả Chá, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ (Kỳ Sơn - Nghệ An) về hoạt động giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

anh-2.jpg

Đoàn công tác thăm và tặng quà cho gia đình anh Vy Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, một điển hình được vay vốn ưu đãi đầu tư trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình thoát hẳn nghèo.

 

Theo ông Chá, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD) tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn.

Tiếp sức cho hộ nghèo

Tà Cạ là xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Đến cuối năm 2017, toàn xã có 561 hộ  nghèo, chiếm 54,1%; hộ cận nghèo 72 hộ, chiếm 6,94%; thu nhập bình quân  9 triệu đồng/người.

Tính đến ngày 25/5/2018, Tà Cạ đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH với dư nợ gần 28 tỷ đồng. Các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát mới nghèo có dư nợ 17.758 triệu đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ, trong đó khách hàng thuộc diện DTTS là  641 khách hàng, dư nợ 16.996 triệu đồng, chiếm 95,7%. Đây là những chương trình cho vay chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nguồn vốn tín dụng chính sách tại xã và cũng là những chương trình đạt hiệu quả cao nhất giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển đàn trâu, bò, dê, lợn, gà..., nâng cao thu nhập.

Đa số các hộ được vay vốn sử dụng có hiệu quả. Tiêu biểu như hộ anh La Văn Phúc ở bản Cánh vay 50 triệu đồng của NHCSXH đầu tư phát triển VAC. Hiện gia đình anh có 8 con bò, 5 ao nuôi cá, hơn 100 con gà.

Gia đình chị La Thị Chiến ở bản Cánh vay NHCSXH 50 triệu đồng, hiện nuôi 9 con bò, trồng 4ha cây xoan, đinh hương.

Hộ chị Vy Thị Phương ở bản Cánh vay 30 triệu đồng đầu tư vào nuôi 5 con bò; hộ Vy Văn Dũng ở bản Hòa Sơn vay 20 triệu đồng, hiện nuôi 19 con bò, 10 con dê, hơn 100 con gà, trồng cây ăn quả các loại; hộ Vy Văn Phương ở bản Hòa Sơn vay 30 triệu đồng, hiện nuôi 15 con bò.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: Ngoài việc thụ hưởng các chính sách chung như các đối tượng khác (cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các chương trình vay vốn làm nhà….), đồng bào còn được thụ hưởng nhiều chương trình đặc thù riêng với mức lãi suất và thời hạn ưu đãi đặc biệt.

Chủ động tìm người vay

Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết: Từ năm 2007, sau khi Chính phủ cho phép triển khai các chương trình tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng nghèo và đồng bào DTTS, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn đối với kết quả giảm nghèo và cải thiện đời sống của đồng bào DTTS.

Tín dụng chính sách đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 36,19% xuống còn 16,54% (các huyện 30a giảm bình quân 6 - 7%/năm); trong hai năm 2016 - 2017 đã giảm từ 24,04% xuống còn 17,04%, giảm 17.214 hộ (các huyện nghèo giảm bình quân 5%/ năm). Đồng thời, tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo các bản, làng ở nông thôn, đặc biệt là vùng nghèo, vùng DTTS.

Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đánh giá: Mặc dù địa bàn huyện rộng, chủ yếu tập trung đồng bào DTTS nhưng về cơ bản huyện Kỳ Sơn thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thể hiện qua một số chỉ số về dư nợ, tỷ lệ hộ nghèo,…

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng cũng lưu ý, Kỳ Sơn là huyện có hộ nghèo cao. Tới đây, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền, có định hướng giúp bà con sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Cuộc chiến giảm nghèo rất gian nan, không phải ngày một ngày hai mà hoàn thành, đòi hỏi sự kiên trì của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành của cán bộ NHCSXH.

Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu NHCSXH tỉnh Nghệ An thành lập tổ công tác rà soát xử lý dứt điểm những món nợ rủi ro. Trước mắt bổ sung nguồn vốn 20 tỷ đồng cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

“Với nhiệm vụ của mình, NHCSXH không chờ người vay đến mà phải chủ động tìm người vay, song cũng phải xác định rõ nhu cầu, nguồn lực cần bao nhiêu thì mới bố trí nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích”, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.

 

Kỳ Sơn là 1 trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trong hơn 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Kỳ Sơn thực hiện đã giải ngân trên 613 tỷ đồng với 30.736 lượt  hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top