Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, được thành lập lại vào tháng 8/1991; là tỉnh giáp Lào, Campuchia, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chiếm trên 53% so với dân số toàn tỉnh, với 6 tộc người tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu và Rơ Măm. Cơ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum có 29 tự, viện, tịnh xá với hơn 65 tăng ni hoạt động phật sự.
Công tác từ thiện xã hội luôn được Phật giáo tỉnh quan tâm, phát triển. Các cơ sở tự viện trực thuộc Ban Trị sự, thông qua Ban Từ thiện Xã hội đã tích cực vận động, hỗ trợ ủng hộ, giúp đỡ đồng bào nghèo, tổng cộng 19 đợt, với hơn 47.000 phần, xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho đồng bào nghèo với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng.
Đánh giá cao kết quả và những đóng góp thiết thực, ý nghĩa của Hòa thượng Thích Quảng Xả trong sự phát triển của GHPG Việt Nam và GHPG Việt Nam tỉnh Kon Tum, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, những đóng góp này đã khẳng định rõ hơn vai trò tích cực của GHPG Việt Nam trong vận động các tăng, ni, phật tử nhiệt tình hưởng ứng và tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện - xã hội mang tính nhân văn cao, khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhấn mạnh tới việc chuẩn bị chu đáo đón mừng Đại lễ Phật đản - Vesak 2019 của GHPG Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc là lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế, được Liên hợp quốc lựa chọn, tôn vinh vì những giá trị đạo đức, văn hóa và tư tưởng sâu sắc trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, nhân ái, vị tha và hòa hợp. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn về khủng bố, bạo lực, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo…, việc thực hành các giáo lý của Phật giáo là một trong những con đường giúp xã hội giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp của nhân loại, vì một thế giới hòa bình và tiến bộ.
Trân trọng gửi tới Hòa thượng và các vị lãnh đạo Giáo hội lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng gửi lời chúc tới các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, ni trưởng, ni sư và đồng bào phật tử ở trong và ngoài tỉnh Kon Tum đón mừng một mùa Phật đản an vui, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng với các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, với uy tín của mình, Hòa thượng Thích Quảng Xả tiếp tục toàn tâm, toàn ý, ra sức đóng góp cho sự phát triển của GHPG Việt Nam và GHPG Việt Nam tỉnh Kon Tum, từ đó góp phần vào củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với sự phát triển của GHPG Việt Nam và GHPG Việt Nam tỉnh Kon Tum, Hòa thượng Thích Quảng Xả khẳng định sẽ tiếp tục vận động các thượng tọa, ni trưởng, ni sư, chư tôn đức, tăng ni, phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội.
Trước đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đi thăm và trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 5 hộ nghèo trên địa bàn xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum.
Trao tận tay kinh phí hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà Đại đoàn kết cho 5 hộ nghèo trên địa bàn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn căn nhà sẽ giúp mỗi hộ nghèo thêm ấm lòng, yên tâm lao động sản xuất để quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh cần quan tâm tới việc tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi giống cây trồng, mô hình vật nuôi… để mỗi hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo con em các gia đình đều được đến trường, chăm lo sức khỏe của đồng bào, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn để mỗi gia đình đều là gia đình văn hóa, mỗi hộ dân đều được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui mừng trước những đổi thay của tỉnh Kon Tum trong suốt thời gian qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, tận dụng được lợi thế về thiên nhiên, vị trí địa lý và truyền thống cách mạng để mang lại cho Kon Tum những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá cao nỗ lực của những người làm công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Kon Tum khi luôn dành trọn tâm sức của mình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc, những điểm nóng phát sinh trong đời sống nhân dân. Đồng thời tích cực vận động bà con tuân theo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động; vận động các nhà hảo tâm cùng chăm lo cho công tác an sinh, xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.
Đặc biệt, Mặt trận các cấp đã hiệp thương với các tổ chức thành viên trong việc gìn giữ đường biên giới ổn định, hòa bình, phát triển, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Để nhiệm kỳ Đại hội 2019-2024 là nhiệm kỳ của đổi mới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum cần bám sát Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, Thông tri số 28/TT-MTTW-BTT của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để tổ chức thành công Đại hội, từ đó khẳng định rõ hơn vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân và nâng cao uy tín, chất lượng, hiệu quả của Mặt trận các cấp trong triển khai nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Báo cáo chính trị tại Đại hội phải chỉ ra được những nét nổi bật và những điều cần rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2014-2019, từ đó đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong nhiệm kỳ mới sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương.
“Việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tạo được ấn tượng trong nhân dân. Làm được điều này trước hết những người làm công tác Mặt trận phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực nắm bắt tình hình nhân dân, phải gần dân, sát dân và không để bị động trước những tình huống phát sinh”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Trăn trở trước câu hỏi “Mặt trận các cấp cần làm gì trong nhiệm kỳ tới”, lấy ví dụ từ việc vận động nhân dân hưởng ứng phát động của Chính phủ trong giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa hay việc căn cứ vào thực thế tại từng vùng để đề xuất tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp…, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng chính những hoạt động thiết thực, những vấn đề xuất phát từ thực tế gắn với quyền lợi trực tiếp với nhân dân sẽ củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Mặt trận.
Là tỉnh miền núi giáp với Lào và Campuchia, chính vì vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý Mặt trận các cấp trong toàn tỉnh phải quan tâm tới hoạt động đối ngoại nhân dân, quan tâm tới đời sống của đồng bào vùng giáp biên và cùng chung tay với đồng bào giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển.
Đề cập đến việc bố trí cán bộ trong nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ cấu nhân sự phải thiết thực, phải chọn những người có bản lĩnh, có tâm, có tầm và có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Mặt trận.
“Cán bộ Mặt trận phải có năng lực, uy tín, có sức khỏe và phải trong sạch về lý lịch để hoàn thành nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.