Có thể khẳng định, việc thực hiện cơ giới hóa đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế phương pháp sản xuất thủ công bằng tiến bộ khoa học, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động...
Có thể khẳng định, việc thực hiện cơ giới hóa đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế phương pháp sản xuất thủ công bằng tiến bộ khoa học, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất; tăng nhanh nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và giải quyết áp lực về lao động thời vụ trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn đánh giá, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ cơ giới hóa ở một số khâu còn chậm, công nghệ cơ giới hóa thấp, chưa đồng bộ ở các khâu sản xuất...
Gặp khó trong đăng ký bản quyền
Nông dân Việt Nam không những cần cù, chịu khó mà còn rất thông minh. Nhiều người đã mày mò sáng chế ra máy móc để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt có tính năng ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Trong bối cảnh sáng chế của các viện nghiên cứu ít được ứng dụng trong thực tế thì nhiều sáng chế của nông dân có tính thực tiễn cao nhưng gặp phải rào cản chậm trễ trong việc đăng ký bản quyền.
Một số nghiên cứu của “kỹ sư chân đất” như anh Phan Tấn Phong (Cái Nước – Cà Mau) sáng chế thành công chiếc máy xắt chuối, rau đa năng, giúp việc chăn nuôi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn; ông Phạm Văn Hát (Tứ Kỳ - Hải Dương) sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất sang hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp người nông dân giảm được sức lao động, tăng thu nhập... Và còn nhiều sáng chế, cải tiến và giải pháp kỹ thuật hữu ích của nông dân trên khắp cả nước, xuất phát từ quá trình đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Họ sáng tạo nên những “công trình” độc đáo mà khi ứng dụng vào thực tế sản xuất đã thuyết phục bà con nông dân, bởi năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
Những sáng chế của người nông dân về máy móc và dụng cụ sản xuất nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu lao động thực tiễn, niềm đam mê sáng tạo muốn cải tiến năng suất lao động. Thực tế nhiều sáng chế đã cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để những sáng chế này được đưa vào sản xuất thương mại và sử dụng rộng rãi thì những “nhà sáng chế nông dân” đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những khó khăn của người nông dân khi sáng chế ra sản phẩm thì việc làm thủ tục xin cấp bằng cho sáng chế của mình có thể coi là điều khó khăn nhất. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tổng thời gian từ khi nộp đơn đăng ký sáng chế đến khi được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là 38 tháng, đó là chưa kể đến việc hồ sơ bị trục trặc. Bất cập này đã khiến cho nhiều sáng chế của nông dân bị lạc hậu hoặc chưa được cấp bằng đã bị người khác làm giả, làm nhái.
Còn nhiều việc phải làm
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy làm nông nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, cho rằng, chỉ đổi mới về công nghệ là chưa đủ mà phải đổi mới cả khoa học quản trị.
Theo bà Hương, muốn bán được sản phẩm phải có thương hiệu, cơ chế, chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam là đi theo hướng hữu cơ, nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả một chặng đường dài và còn nhiều việc phải làm.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương gợi ý, ngành nông nghiệp cần cơ cấu lại dựa vào thị trường theo hai hướng. Một là, sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường lớn. Hai là, ở quy mô sản xuất nhỏ hơn thì phải dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao.
PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.
Hiện nay, phần lớn máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều bất cập, ít doanh nghiệp đầu tàu, nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực thấp, giá thành cao, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với quy mô nền nông nghiệp quốc gia.
Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Lý do là các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún, trong khi quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý.
Cùng với đó, Tây Nam Bộ trong thời gian dài vẫn còn là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, về ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống.
Những khó khăn trên, cộng với việc khung pháp lý ưu đãi về đầu tư công nghệ nói chung, trong nông nghiệp định hướng công nghệ cao nói riêng, chưa hoàn chỉnh, các doanh nghiệp còn nhiều e ngại khi đầu tư vào máy móc, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, cơ chế phối hợp giữa các địa phương, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng còn nhiều hạn chế.
Theo các chuyên gia, phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay đều dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác. Điều này gây tác động xấu đến môi trường, đất và nguồn nước.
Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long gần như không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay.
Do đó, để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, rất cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà cơ bản nhất là cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, tăng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng sản phẩm, tận dụng và chuyển đổi tối đa nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất, giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, cần phải có giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước bởi máy móc, thiết bị nông nghiệp nhập ngoại giá thành rất cao.
Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho việc nghiên cứu, phát triển thiết bị, máy móc, công nghệ mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giảm bớt những thủ tục hành chính trong việc xét hỗ trợ nghiên cứu.
Đồng thời, có cơ chế để khuyến khích trường, viện liên kết với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, chế tạo và thương mại hóa các sản phẩm cơ khí nông nghiệp, tạo nên hệ sinh thái cho ngành cơ khí hỗ trợ nông nghiệp phát triển và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của người dân.
Theo ông Hà, nếu sản xuất manh mún với quy mô vài ngàn mét vuông, vài hecta đất thì rất khó để áp dụng cơ giới hóa trong gieo trồng, thu hoạch.
Vì vậy, muốn đẩy mạnh ứng dụng cơ giới, công nghệ trong nông nghiệp phải thay đổi chính sách về đất đai, định hướng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi lực lượng lao động vùng nông thôn dồi dào nhưng chưa được đào tạo để vận hành máy móc, thiết bị cơ giới.
Chỉ khi ngành cơ khí hỗ trợ nông nghiệp phát triển, quy hoạch sản xuất hợp lý và nguồn lao động có đủ trình độ, kỹ năng vận hành thì mới thúc đẩy được việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.
Thay đổi tư duy sản xuất
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2030, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.
Đối với lĩnh vực cơ giới hóa mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản; trong đó chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất sản xuất - chế biến tại các địa phương, các vùng có lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.
Bài 3: Cơ giới hóa phải gắn với thị trường