Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2022 | 8:4

Hà Nam đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân khi giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trên thị trường hiện nay tăng hơn nhiều so với vụ Xuân trước, giá phân đạm đang dao động ở mức 17 – 18.000 đồng/kg (tùy loại), cao gấp 2 lần vụ Xuân trước và bằng 1,5 lần so với vụ mùa; phân tổng hợp NPK bón lót tăng 25 – 30%...

Với giá cả tăng cao như vậy đã khiến người dân lao đao trong khâu chăm sóc cây trồng, đặc biệt là cây lúa.
 
Trao đổi với ông Vũ Xuân Cường, Chủ đại lý Cường Hà chuyên kinh doanh phân bón và các loại giống lúa tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục-Hà Nam) cho biết: Giá phân bón nhập về cung ứng tăng rất cao, do cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina vì Nga là nhà cung cấp phân bón lớn và có thể trong thời gian tới giá phân bón còn tăng cao hơn nữa là bởi cảng Yuzhny, cảng chính xuất khẩu phân bón của Nga bị đóng cửa trong khi đây cũng là thời điểm chăm sóc cho lúa vụ Xuận nhu cầu mua phân bón của người dân để chăm sóc tăng mạnh dẫn đến giá tiếp tục sẽ tăng cao.
 

Hà Nam đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân khi giá phân bón tăng cao.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Đức, Phó chủ tịch huyện Bình Lục thì từ giữa năm 2021, ngay khi nhận thấy giá phân bón có chiều hướng tăng, huyện đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất của bà con và chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh cung cấp phân bón, vật tư nông nghiệp để quản lý chất lượng, giảm rủi ro cho nông dân. Bên cạnh đó, ngoài đảm bảo nguồn cung cho bà con.
 
Đồng thời, xây dựng lịch thời vụ, chỉ đạo sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất, ap dụng các tiến bộ mới như: Mở rộng diện tích máy cấy, cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, giảm tỷ lệ gieo thẳng để giảm sâu bệnh hại, tăng khả năng sinh trưởng, phát triển lúa, tăng năng xuất và giảm chi phí đầu vào; duy trì thường xuyên, điều tiết nước trên mặt ruộng để hạn chế rửa trôi, bay hơi phân bón; khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ để giảm lượng vô cơ;
 
Khuyến cáo nông dân bón nặng đầu, nhẹ cuối, bón tập trung, không bón lại dai, bón phân theo nguyên tắc 5 đúng (bón đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp) để tăng hiệu quả sử dụng; sử dụng các loại phân đa yếu tố NPK; chỉ đạo các địa phương sử dụng bản đồ phân tích hóa lý tính của đất để hướng dẫn công thức bón phân phù hợp với từng chân đất; chỉ đạo các HTX tăng cường các dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
 
Đặc biệt, cung ứng dịch vụ trả chậm cho bà con nông dân, chỉ đạo các địa phương mở rộng các mô hình liên kết cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.
 
Đối với công tác Bảo vệ thực vật: Tăng cường công tác điều tra tình hình dịch bệnh trên đồng ruộng. Khi đến ngưỡng mới ra thông báo phun trừ để tránh phun thuốc tran lan, tránh lãng phí thuốc. Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để bảo vệ môi trường, sinh thái. Áp dụng các biện pháp thâm canh, chăm bón cân đối hạn chế sâu bệnh.
 
Cũng theo bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó phòng Nông nghiệp huyện Bình Lục nhờ có sự chỉ đạo sát sao và khuyến cáo từ trước của huyện với bà con nên tình hình sản xuất trên địa bàn vẫn tương đối ổn định.
 

 

 

Máy cấy trên cánh đồng của xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

 

Ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, trước tình hình giá phân bó tăng cao để tháo gỡ một số khó khăn cho bà con nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo 1 số giải pháp như: Sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm theo kết quả "Đề án quy hoạch lập bản đồ, phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước tỉnh Hà Nam" đã được chuyển giao cho từng huyện, thị xã, thành phố và từng xã của tỉnh với 36 công thức phân bón đề xuất cho vùng lúa tỉnh Hà Nam.
 
Theo đó, lượng phân NPK bón sẽ giảm 10-20% so hiện tại đang dùng. Đảm bảo giữ lượng kali đang bán thực tế nhiều vụ qua và tăng lượng kali bón khi có điều kiện( thêm 1-2kg sào). Tăng cường sử dụng phân hữu cơ các loại: Khi sử dụng phân hữu cơ có thể giảm lượng phân bón hóa học từ 5-20% tùy theo loại phân hữu cơ (vì trong các loại phân bón hữu cơ đều chứa các chất dinh dưỡng đa lượng NPK cần thiết cho cây trồng).
 
Ngoài ra, trong phân bón hữu cơ còn có các nguyên tố trung lượng và vi lượng ở dạng dễ hấp thụ giúp cây trồng phát triển cân đối. Các chất dinh dưỡng sẽ được phân giải từ từ để có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong thời gian dài nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Đặc biệt, trong các loại phân hữu cơ còn có các loại vi sinh vật hữu ích: vi sinh vật cố định đạm, phân giải lên, phân giải xenlulo... giúp tăng nguồn cung đạm, lân, kali cho cây trồng lấy từ đất, nước, không khí.
 
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón đối với các cơ sở buôn bán trên địa bàn. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, nâng giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top