Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố 9 công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Đề nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý nhiều công trình
Những công trình vi phạm được "điểm mặt chỉ tên" chưa thực hiện đầy đủ các quyết định của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) và UBND TP Hà Nội về yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi đưa nhà và công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC là vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 7, Điều 36 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Cụ thể, 9 công trình gồm: Tháp B văn phòng thuộc Tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh (phường Phương Mai, quận Đống Đa); Khu nhà ở cho cán bộ Phòng Cảnh sát trật tự 113 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy); Nhà làm việc và Chung cư cao tầng cho cán bộ công nhân viên số 143, ngõ 185 phố Hạ Đình (quận Thanh Xuân); Chung cư CT5B và Nhà CT3A (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm); Tòa nhà No2A Khu đô thị mới Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên); Tòa nhà CT6 Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông); Tòa nhà Hoàng Gia (phường Quang Trung, quận Hà Đông); Chung cư CT1 Usilk City (La Khê, quận Hà Đông).
Đến tháng 4/2018, Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã thống kê và bàn giao cho Đoàn Thanh tra liên ngành TP 24 lỗi vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng của 9 công trình này.
Quá trình thanh tra liên ngành cho thấy, các đơn vị đã khắc phục được 7 lỗi với 2 công trình đã khắc phục xong vi phạm là Nhà làm việc và Chung cư cao tầng cho cán bộ công nhân viên số 143, ngõ 85, Hạ Đình và công trình Chung cư CT5B, Mễ Trì. Còn lại 7 công trình chưa khắc phục xong với 17 lỗi vi phạm (trong đó có 3 lỗi đã khắc phục một phần) là hành vi vi phạm theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 28 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Trách nhiệm trong việc để xảy ra 17 lỗi vi phạm về PCCC chưa khắc phục và 1 lỗi vi phạm mới nêu trên trước hết thuộc về chủ đầu tư các công trình chưa nghiêm túc thực hiện.
Trách nhiệm trong quản lý Nhà nước thuộc Cảnh sát PC&CC TP, UBND các quận Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, Đống Đa và UBND các phường: Thanh Xuân Trung, Mễ Trì, Yên Hòa, Phương Mai, Phúc Đồng, Phúc La, Quang Trung, La Khê trong tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý việc khắc phục đối với các chủ đầu tư.
Thanh tra thành phố kiến nghị UBND TP Hà Nội giao phòng Cảnh sát PC&CC TP chủ trì, phối hợp với các UBND quận, UBND phường có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư các công trình có vi phạm về PCCC thực hiện khắc phục các lỗi vi phạm về PCCC đã nêu tại kết luận theo đúng quy định và tổ chức nghiệm thu hạng mục PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các công trình có hạng mục đã bị cơ quan chức năng ban hành quyết định đình chỉ hoạt động, nhưng chưa khắc phục xong các lỗi vi phạm về PCCC, tiếp tục đình chỉ hoạt động.
Kết luận thanh tra cũng nhấn mạnh về việc củng cố hồ sơ của các công trình vi phạm về PCCC để xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 64/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu tại buổi họp kiểm tra về công tác PCCC. Trong đó, Cảnh sát PC&CC, Công an TP phải chuyển hồ sơ các công trình còn tồn tại vi phạm sang Cơ quan điều tra Công an TP để điều tra, xem xét xử lý, khởi tố đúng quy định của pháp luật.
Khắc phục tồn tại về PCCC tại chợ Ngã Tư Sở: Chờ cơ chế đặc thù
Từng là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất TP. Hà Nội từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến thời điểm này, sau hơn 30 năm tồn tại, chợ Ngã Tư Sở đã dần được đổi tên thành chợ “ngã tư… khổ”. Sở dĩ có tình trạng trên là bởi, sau hàng chục năm tồn tại, các hạng mục trong chợ vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa một cách “ra tấm, ra món” nên hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về PCCC theo quy định mới.
Xung quanh vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Lâm - Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa cho biết, theo quy định mới, hệ thống đường giao thông trong chợ phải rộng từ vài mét trở lên để phục vụ công tác chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, do được xây dựng từ hàng chục năm nay nên việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng là điều không thể.
Cũng theo Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, hiện tại, để nâng cao hiệu quả của công tác PCCC, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cho cán bộ, nhân viên quản lý và tiểu thương khi có hỏa hoạn xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, bổ sung các trang thiết bị chữa cháy cần thiết. Bố trí lực lượng luôn tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý hỏa hoạn. Tuy nhiên, ông Trịnh Ngọc Lâm thừa nhận, những biện pháp trên chỉ là tình thế, để chợ Ngã Tư Sở đáp ứng được các yêu cầu về PCCC theo quy định mới thì chỉ có cách đập đi xây lại.
Thực tế cho thấy, vấn đề xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở không phải chuyện mới, bởi trong khoảng hơn chục năm trở lại đây đã có một số DN đề nghị được vào thực hiện dự án. Tuy nhiên, do những vướng mắc về chính sách, quy định về việc khống chế chiều cao công trình xây dựng nên các DN đều một đi không trở lại. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khiến chợ Ngã Tư Sở không được cải tạo là vướng quy định cấm sử dụng ngân sách Nhà nước để xây dựng chợ. Theo lãnh đạo quận Đống Đa, quận cũng như một số cơ quan chức năng đã báo cáo TP, đề xuất hướng giải quyết. Một trong những đề xuất được đưa ra để TP Hà Nội trình Chính phủ là xin cơ chế đặc thù trong việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở và một số chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.