Khu vực Tây Bắc huyện Củ Chi trong thời gian qua đã đón nhận thông tin nhiều dự án được nghiên cứu để triển khai. Những dự án về hạ tầng giao thông đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt thực hiện đang là tiền đề, tiềm năng phát triển cho thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực trong thời gian tới đây.
Hạ tầng mở lối
UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng tỉnh lộ 9 đoạn từ cầu Rạch Tra đến tỉnh lộ 8 ở huyện Củ Chi theo hình thức PPP (hợp tác công tư). Cụ thể, dự án nằm trên tỉnh lộ 9 hiện hữu có điểm đầu giao với tỉnh lộ 8 tại cầu Phú Cường và điểm cuối nối với đầu cầu Rạch Tra của huyện Củ Chi. Tuyến đường được thiết kế với vận tốc xe lưu thông là 60km/h, tải trọng trục 10 tấn, với tiêu chuẩn kỹ thuật phần cầu là cầu bê tông cốt thép; tổng chiều dài của dự án gần 6km. Bên cạnh đó, những hạng mục đi kèm dọc theo tỉnh lộ 9 như vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước cũng được thiết kế đồng bộ. Tổng nguồn vốn để thực hiện dự án ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, được khởi công năm 2017 dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án được kỳ vọng giúp cải thiện hạ tầng giao thông của khu vực Tây Bắc Củ Chi nói riêng, bộ mặt giao thông đô thị của TP. Hồ Chí Minh nói chung trong việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Cầu Rạch Tra được xây dựng mới sẽ giúp kết nối đồng bộ khi tỉnh lộ 9 được dự kiến hoàn thành vào năm 2019
Ngoài ra, khu Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh cũng trở thành tâm điểm của thị trường BĐS khi những lực đẩy về hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Dự án xây dựng hầm chui nút giao thông An Sương (quận 12 - Hóc Môn) được khởi công vào ngày 19-1-2017 với tổng vốn đầu tư 514 tỷ đồng. Hầm chui đôi gồm hai chiều, một chiều hướng từ đường Trường Chinh đến quốc lộ 22 và một chiều ngược lại. Dự án tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương cũng đang được đẩy nhanh tiến độ với tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD. Dự án BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 từ TP. Hồ Chí Minh đến Củ Chi dài 58km, mở rộng mặt đường lên 60m, vốn đầu tư bình quân từ 8.500 đến 9.500 tỷ đồng. Tại Đức Hòa - Long An, UBND tỉnh đã tổ chức khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh (ĐT) 830 và ĐT 824 (từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa), trong đó ĐT 824 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng có chiều dài 23km cũng được triển khai.
Điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư
Theo quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng tại phía Tây Bắc một đô thị vệ tinh hiện đại, sạch, xanh, đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật, bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân với điều kiện đạt chất lượng cao và an toàn.
Dự kiến đây sẽ là đô thị cửa ngõ hấp dẫn phía Tây Bắc với diện tích quy hoạch khoảng 9.000ha, được thiết kế dựa trên khu vực trục vành đai và hành lang, thuộc một phần diện tích xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), xã Tân Phú Trung, xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, thị trấn Củ Chi và xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Đô thị đại học là một trong những đặc trưng lớn nhất của đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh. Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000, khu đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh sẽ là một trung tâm giáo dục cấp thành phố với nhiều trường đại học tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Theo giới chuyên gia nhận định, trong tương lai, khu đô thị Tây Bắc sẽ là nơi thu hút dân cư. Việc phát triển kinh tế của đô thị theo mô hình tổng hợp, đa năng. Các cụm khu dân cư từ các dự án đất nền giá rẻ sẽ là lực đẩy giúp khu đô thị này phát triển. Thực tế, nhiều dự án cũng được các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất triển khai tại khu vực. Cụ thể, Tập đoàn Dimora của Hoa Kỳ đã được chính quyền thành phố chấp thuận chủ trương, nghiên cứu, khảo sát và xây dựng Đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại khu đô thị Tây Bắc trên cơ sở kết hợp với Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc và Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh.
Thời điểm đầu năng 2017, siêu dự án Củ Chi của “chúa đảo” Tuần Châu cũng được đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh cho nghiên cứu thực hiện. Dự án có quy mô khoảng 15.000ha (gấp 15 lần diện tích dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại). Với quy mô này, dự án sẽ hình thành trung tâm đô thị mới của TP. Hồ Chí Minh thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tại đây dự kiến sẽ hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo được công ăn việc làm, có đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân. Tuy nhiên, dự án vẫn đang được chủ đầu tư và ngành chức năng của thành phố nghiên cứu để triển khai.
Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông được đầu tư kết nối mạnh mẽ cộng quỹ đất còn lớn do đó tiềm năng phát triển tại khu vực còn rất lớn, hứa hẹn sẽ có những đợt sóng của nhiều nhà đầu tư tìm tới khu vực này.
Mạnh Tiến - Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.