Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 5 năm 2020 | 15:13

Hậu dịch Covid-19 sôi động thị trường BĐS công nghiệp

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực lên các phân khúc trên thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, đối với thị trường BĐS công nghiệp thì ngược lại.

t33.jpg
Ngay thời điểm sau đại dịch Covid-19, Công ty Tân Thành Long An đã tiến hành khởi công dự án KCN có diện tích 1.800ha tại tỉnh Long An. Đây được xem là dự án có diện tích rộng nhất đến thời điểm hiện tại.

 

Trước, trong và sau thời điểm dịch, BĐS công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ và tiếp tục đón nhiều “làn gió” mới hậu đại dịch Covid-19.

Nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi của các doanh nghiệp FDI tăng mạnh

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, kết thúc năm 2019, diện tích đất các khu công nghiệp của Việt Nam đạt 65.900 ha với 330 khu công nghiệp, tăng 1.900 ha so với cuối năm 2018. Trong đó có 258 khu công nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy trung bình trên toàn quốc đạt 74,3% vào cuối năm 2019, tăng 1,3% so với cuối năm 2018.

Trong đó, giá thuê đất khu công nghiệp ở miền Nam tại thời điểm nửa cuối năm 2019 đã tăng từ 1,8-5,1%. Đối với các tỉnh phía Bắc, từ quý I-III/2019, giá thuê tăng xoay quanh mức 5%.

Bước qua quý I/2020, nhận định của đơn vị nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL Việt Nam), giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định, dao động từ 4-5USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.

Cụ thể, tại khu vực miền Nam, JLL Việt Nam ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5 -5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An và ổn định mức giá ở các tỉnh còn lại.

“Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dưới tác động của Covid-19, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp trong tương lai”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.

Theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, thời điểm năm 2019, hàng loạt doanh nghiệp sở hữu khu công nghiệp lớn báo lãi, thậm chí nhiều doanh nghiệp ngành cao su chuyển dần sang khai thác, phát triển khu công nghiệp.

Tiếp đến, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng dòng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc đến các nước khác, trong đó có Việt Nam, khiến nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi của các doanh nghiệp FDI gia tăng.

“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy nguồn cầu lớn ở tất các các mảng thị trường từ các nhà đầu tư trong khu vực, do biên độ lợi nhuận hấp dẫn có thể đạt được tại thị trường Việt Nam, trong bối cảnh các thị trường khác đang không đạt kỳ vọng. Trong đó, số lượng các nhà đầu tư ở mảng công nghiệp và logistics tăng mạnh. Đây cũng là mảng thị trường chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các giao dịch thành công trong năm 2020”, ông Neil MacGregor nhận định.

Nhiều tín hiệu khả quan

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đạt 6,4 tỷ USD. Mặc dù tháng 2 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lượng vốn có giảm nhưng chỉ tính riêng trong tháng 1/2020, tổng số vốn FDI đã đạt 5,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 180% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư tăng trưởng ổn định, dẫn đến nhu cầu về BĐS công nghiệp ngày càng tăng.

Mặt khác, thời điểm tháng 7/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến được thông qua, theo đó, nhiều doanh nghiệp EU sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Cũng theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia ước tính, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,3% cho đến năm 2030. Tổng giá trị xuất khẩu tới EU sẽ tăng 44,4% cho đến năm 2030. Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy đầu tư sản xuất tại Việt Nam, duy trì dòng vốn FDI trong các năm tới.

Trước đó, trả lời trên báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Covid-19 không phải là vấn đề mang tính cấu trúc hay chu kỳ nên thực tế không có ảnh hưởng nhiều đến BĐS công nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn không ngần ngại đổ vốn vào Việt Nam.

“Với việc tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do cùng những chính sách mở cửa của Chính phủ, các nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp Việt Nam là vấn đề dài hạn, còn Covid-19 chỉ trong ngắn hạn” - ông Nghĩa nhận định.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh. Thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đã có những kế hoạch để bứt phá sau khi hết giãn cách xã hội. Vì vậy, hậu CoVid-19, các hoạt động sản xuất, tiêu dùng sẽ hồi phục nhanh chóng, các doanh nghiệp sẽ có đà để tăng trưởng. BĐS công nghiệp sẽ vẫn là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài.

Thời điểm hiện tại, phân khúc BĐS công nghiệp tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn cung của BĐS công nghiệp vẫn tương đối lớn. Nhưng xu thế của khách thuê hiện nay tập trung vào các sản phẩm kho xưởng xây sẵn. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần phải có sự đầu tư về chất lượng, cùng với đó, tính toán chi phí xây dựng để có giá thuê hợp lý mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, bên cạnh những lợi thế, chuyên gia cũng khuyến cáo, các khu công nghiệp cần đầu tư tốt hơn về hạ tầng, tạo ra những giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách thuê như nhà xưởng riêng biệt, xưởng chung vách, nhà xưởng cao tầng.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top