Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2019 | 15:0

Hộ nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng: Cơ hội thoát nghèo bền vững

Từ ngày 01/3/2019, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được vay tối đa 100 triệu đồng.

Việc nâng mức cho vay không chỉ tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo bền vững mà còn góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

 

1.jpg
Hộ chị Thạch Thị Bích Som, ở ấp Bình La, xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh) là một trong rất nhiều hộ được vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Từ nguồn vốn vay để kinh doanh, giờ đây gia đình chị có thu nhập khá ổn định.

 

Được vay tối đa 100 triệu đồng

Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, Tổng giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, từ ngày 01/3/2019, các chương trình tín dụng tại NHCSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.

Đối với thời hạn cho vay, NHCSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng, theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.

Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.

Tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH đạt trên 187 nghìn tỷ đồng; trong đó dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo 38 nghìn tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng dư nợ) với 1,28 triệu hộ nghèo đang còn dư nợ.

Cơ hội thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Thái Tư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang - Hà Giang), tâm sự: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vay vốn sản xuất có 2 vấn đề. Thứ nhất, để phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa tập trung. Thứ hai, khắc phục tình trạng ruộng vườn manh mún, nhỏ lẻ. Bây giờ muốn tập trung sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững thì việc nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, tôi thấy là rất lợp lý, đúng đắn.

Để người dân phát triển sản xuất theo quy mô lớn, việc cho vay này có thể giải quyết cơ bản phần khai hoang phục hóa, mua bán, trao đổi diện tích, dồn điền đổi thửa, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế dài hơi.

Về phía địa phương, phải có nhận xét, cam kết đối với các đối tượng vay. Cùng với đó, thông qua các tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng cho bà con các dân tộc, phân công các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành, các tổ công tác ở các thôn. Đồng thời kết hợp với cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn theo dõi, giám sát sử dụng vốn vay đúng mục đích theo dự án mà người dân đưa ra trước khi vay vốn.

Theo ông Quỳnh Minh Nhân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang -Trà Vinh), nhu cầu vay vốn của hộ nghèo trong xã rất lớn. Việc nâng mức cho vay tôi thấy rất khả thi. Nếu vay 50 triệu đồng như trước kia, hộ vay chỉ mua được bò mà không có tiền đầu tư trồng cỏ, làm chuồng. Việc nâng mức cho vay tới 100 triệu đồng sẽ giúp người vay  mua được bò, làm chuồng trại, trồng cỏ, từ đó khả năng thoát nghèo cao hơn.

 

2.JPG
Việc nâng vốn cho vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng sẽ giúp nhiều hộ vay có cơ hội mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

 

“Tùy theo nhu cầu, theo phương án làm ăn của người dân, xã thấy hợp lý sẽ tạo điều kiện cho các hộ làm thủ tục vay vốn. Khi giải ngân nguồn vốn, xã thường xuyên kiểm tra tránh thất thoát, tránh để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn. Những năm qua, Hiệp Mỹ Đông không có nợ xấu, nợ quá hạn”, ông Nhân nói.

Ông Dương Huy Phong, Giám đốc NHCSXH Trà Vinh, cho biết, khi nâng mức cho vay chắc chắn cơ hội thoát nghèo sẽ cao hơn. Quan trọng là, hộ vay phải có phương án tổ chức kinh doanh hiệu quả thì mới thoát nghèo  nhanh. Thủ tục vay không thay đổi, nhanh, gọn. Do vốn vay lớn nên ngân hàng sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể thẩm định kỹ phương án kinh doanh của người vay. Tăng cường khâu thẩm tra trước khi cho vay. Tránh phương án giả, phương án ma.

Đẩy lùi tín dụng đen

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang, kiêm Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Minh, cho biết, căn cứ vào các quy định của NHCSXH Trung ương, mức vay nâng lên, hộ dân được tiếp cận nguồn vốn với mức vay lớn, đảm bảo đủ lớn để đầu tư  sản xuất kinh doanh. Thời gian cho vay cũng được nâng lên, thuận lợi trong đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng các cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc có thời gian sinh trưởng dài.

Sau khi nhận được văn bản, NHCSXH Hà Giang đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền để người dân hiểu, nắm bắt về chính sách. Có thể nói, khi tăng vốn cho vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đã đáp ứng đủ nguồn vốn, giải quyết cơ bản nhu cầu về vốn của người dân. Đây là tiền đề để bà con có kế hoạch đầu tư dài hạn, phát triển kinh tế mang tính bền vững.

“Về nguồn vốn, NHCSXH đảm bảo đáp ứng đối với các hộ đủ điều kiện khi có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, thủ tục nhanh gọn, khi triển khai sẽ giảm được của tín dụng đen”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Anh Phan Văn Tuân, dân tộc Nùng, ở xã Hảo Nghĩa (Na Rì - Bắc Kạn), Giám đốc HTX Trần Phú, hiện nuôi hơn 1 vạn con gà, cho biết, cách đây 2 năm, gia đình vay NHCSXH 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Thời điểm đó, chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng, trong khi mình mong muốn vay càng được nhiều càng tốt. Giờ nâng vốn cho vay lên 100 triệu đồng là rất hợp lý.

Theo anh Tuân, thời gian tới, anh sẽ làm thủ tục xin vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong toàn quốc, là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top