Sau 9 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay, NHCSXH đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng trả lương phục hồi sản xuất cho 1.181.578 lượt người lao động tại 63 tỉnh thành cả nước.
Sau 9 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau sửa đổi là Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ) về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến hết ngày 31/3/2022, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phê duyệt 3.579 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền 4.813 tỷ đồng để trả lương cho 1.225.554 lượt người lao động.
Đến nay, NHCSXH đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.181.578 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.
Hoàn thành 63,8% kế hoạch (7.500 tỷ đồng nguồn vốn cân đối cho chương trình).
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất là một trong 12 chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 126.
Theo Nghị quyết 68, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn khoảng 7.500 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Thời hạn giải ngân các gói vay hỗ trợ tới hết tháng 3/2022.
Sang đến Nghị quyết 126, nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung. Đáng chú ý nhất là điều kiện về người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn đã được loại bỏ. Điểm sửa đổi này giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất./.