Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Diễn đàn kinh tế tư nhân, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã nêu ra những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp BĐS đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản.
Theo đó, thị trường BĐS đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, nhất là giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp dân cư và cả người nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại nước ta. Quy mô thị trường ngày càng tăng trưởng trong đó có sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp tư nhân được xem đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường BĐS.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng chưa thật sự minh bạch. Doanh nghiệp BĐS đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách, hay doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư, mà điển hình là doanh nghiệp không thể dự đoán được số tiền sử dụng đất dự án phải nộp, lúc nào được nộp...
Mặt khác, thị trường BĐS bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung - cầu (cung ít, cầu nhiều). Từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh liên tục bị sụt giảm. Cụ thể, năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017; Quý 1/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%; Theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với Q1/2018; Thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%.
Về nguồn vốn hiện thị trường BĐS cần nguồn vốn đầu tư trung hạn, dài hạn, nhưng hiện nay đang lệ thuộc quá lớn vào hai nguồn vốn đó là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng. Điều này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo nhận định của HoREA, nguyên nhân còn những hạn chế, tồn tại này do những điểm nghẽn của nền kinh tế như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng là những điểm nghẽn tác động trực tiếp đến thị trường BĐS.
Hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất. Chẳng hạn như: Luật Đầu tư ghi tên “Nhà đầu tư” nhưng Luật Quy hoạch đô thị yêu cầu phải là “chủ đầu tư”. Hoặc Luật Đất đai quy định doanh nghiệp có quỹ “đất” thì được thực hiện dự án, nhưng Luật Nhà ở lại quy định phải là “đất ở” mới được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.
Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Cùng một hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có địa phương thì doanh nghiệp BĐS bị vướng thủ tục, nhưng nhiều địa phương khác lại không bị vướng. Nên hiện nay, nhiều doanh nghiệp BĐS có xu thế rời thành phố lớn, chuyển hướng đầu tư về các tỉnh.
Nguyên nhân nữa về thủ tục hành chính, quy trình hành chính còn nhiêu khê, trùng lắp. Cũng như trách nhiệm thi hành công vụ và năng lực của một số cán bộ công chức nhà nước chưa thật đáp ứng yêu cầu trong giải quyết hồ sơ dự án BĐS. Tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, chuyển lòng vòng, không nêu rõ chính kiến khá phổ biến. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.