Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2019 | 13:31

HoREA hiến kế cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực BĐS

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố, chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta năm 2019 từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát.

Trước vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.

 

tr10.jpg
HoREA vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.

 

Các chỉ số, vị trí xếp hạng giảm

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta trong 10 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 09 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 3%), thu nhập của người dân được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Gần như chắc chắn năm 2019 là năm thứ hai, cả nước thực hiện đạt và vượt tất cả 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là đảm bảo phát triển bền vững, không để người nào bị bỏ lại phía sau và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố, chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta năm 2019 từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát. Trong khu vực ASEAN, nước ta chỉ đứng giữa và đang bị bỏ lại khá xa so với Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).

Trước đó, vào giữa tháng 10/2019, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nước ta được xếp hạng với vị trí 77/140 nền kinh tế được khảo sát, giảm 03 bậc so với năm 2017. Điểm số của nước ta năm 2018 là 58,1/100 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm năm 2017 nhưng vẫn bị giảm 03 bậc, cũng do nhiều nước khác có tốc độ cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn. Phương pháp đánh giá của WEF gồm 98 tiêu chí, chia thành 12 cột trụ, thuộc 04 nhóm chính, trước hết là nhóm Môi trường thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin - viễn thông, Ổn định vĩ mô).

Trước tình hình trên, ngày 02/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11/2019.

Trước đó, vào ngày 01/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại cuộc họp của Thường trực Tiểu ban Kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng XIII về các đột phá chiến lược, theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh: Việc tiếp tục cải cách thể chế là một đột phá chiến lược cần thiết.

Hiến kế cải thiện môi trường kinh doanh BĐS

Đối với lĩnh vực bất động sản, HoREA nhận thấy trong 02 năm gần đây, thị trường BĐS TP.Hồ Chí Minh đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Trong 04 năm qua, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 01 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư (0 dự án); chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

 

tr10a.jpg
Thị trường BĐS TP.HCM sụt giảm trong hai năm gần đây.

 

Để kiến tạo môi trường kinh doanh đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, trong đó có lĩnh vực BĐS, theo HoREA, cần giải quyết các “điểm nghẽn”, cụ thể như sau:

Thứ nhất, HoREA kiến nghị đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS (bao gồm cả các văn bản dưới luật), đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông. Thực hiện lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong năm 2019; Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và Đề án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong năm 2020.

Thứ hai, tập trung giải quyết các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch đô thị; cơ chế để giải quyết phần đất công (bao gồm đất rạch, đường, bờ đất) thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở; cơ chế để giải quyết các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp và công tác tính tiền sử dụng đất, để khai thông các vướng mắc và ách tắc của thị trường BĐS hiện nay.

Thứ ba, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, nghiêm minh của công tác thực thi pháp luật, trong đó có pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hoạt động trong môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.

Thứ tư, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình. Hệ thống pháp luật tạo ra quy trình hành chính, thủ tục hành chính. Nền hành chính công vụ hình thành nên các dịch vụ công, phải đảm bảo tính phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, ý thức phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Trong đó, con người là nhân tố quyết định. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố quyết định thành công của việc Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.

Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật hiện nay tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho người thi hành công vụ, nên HoREA đề nghị sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật; chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính là rất cấp bách. Đồng thời, cần đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sống tốt bằng lương, để có thể “nói không” với tiêu cực, tham nhũng.

 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

“Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản”, ông  Châu cho hay.

 

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top