Trước những vướng mắc trong việc tính tiền sử dụng đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi thường trực Thành ủy, UBND, HĐND cùng các sở, ngành TP. Hồ Chí Minh kiến nghị về việc cải cách quy trình, thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện cơ chế tính tiền sử dụng đất.
Theo văn bản HoREA gửi các sở, ngành TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí (không bị điều chỉnh bởi Luật Thuế, Luật phí và lệ phí), nhưng lại là một khoản thu ngân sách nhà nước rất lớn (tại TP. Hồ Chí Minh, trong hơn 10 tháng đầu năm 2016, tính đến ngày 10-11-2016, đã có 80 dự án nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 10.529 tỷ đồng; bên cạnh đó vẫn còn 40 dự án chưa nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 1.889 tỷ đồng). Theo cách làm như hiện nay thì tiền sử dụng đất đang là "gánh nặng" của doanh nghiệp mà người tiêu dùng phải "gánh chịu" khi mua nhà; là "ẩn số", không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư; là môi trường tạo ra cơ chế "xin - cho" và ẩn chứa tiêu cực, do thủ tục hành chính và cơ chế vận hành rườm rà, không hợp lý. Để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường thì về dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế.
HoREA kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính trong việc tính tiền sử dụng đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường thì về dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, coi đây là một sắc thuế (như đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh tại báo cáo số 196/BC - UBND ngày 8-11-2013 đã trình Chính phủ) với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.
Trước mắt, theo HoREA, vấn đề cần giải quyết hiện nay là cải cách quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, kết quả xác định số tiền sử dụng đất hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.
Hiện nay, thủ tục hành chính và quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án tại TP. Hồ Chí Minh vẫn được thực hiện như sau: Sở Tài chính giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án tại thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ chủ trì thực hiện công đoạn đấu thầu qua mạng để chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất và thực hiện các thủ tục, chuẩn bị hồ sơ phục vụ Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố và báo cáo UBND thành phố. Do vậy, căn cứ các quy phạm pháp luật hiện hành và quy trình tổ chức, hoạt động của thành phố thì không có căn cứ để giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và chịu trách nhiệm công tác xác định tiền sử dụng đất dự án.
Thành phần Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố hiện nay, không có đại diện của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập hoặc chuyên gia về giá đất độc lập, thì không phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 12 Thông tư liên tịch số 87/2016/TTLT - BTC - BTNMT ngày 22-6-2016 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải có các thành viên này để đảm bảo có sự phản biện độc lập, giúp cho quá trình xem xét các phương pháp xác định giá đất và kết quả việc xác định giá đất dự án được khách quan và có tính thuyết phục cao.
Cùng với đó là việc chưa có cơ chế để doanh nghiệp (người sử dụng đất) thể hiện ý kiến của mình trong quy trình xác định giá đất, kể cả việc xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp. Nhất là trong trường hợp doanh nghiệp không nhất trí với số tiền sử dụng đất phải nộp; hoặc Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố không chấp thuận hồ sơ xác định giá đất của doanh nghiệp.
Trước vấn đề trên, HoREA kiến nghị cần bổ sung thành viên là đại diện của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập hoặc chuyên gia về giá đất độc lập và không thuộc tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để định giá đất cụ thể vào Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố, để đảm bảo có sự phản biện độc lập trong hội đồng. Đồng thời đề nghị cho phép doanh nghiệp (người sử dụng đất) được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố khi thẩm định giá đất dự án của đơn vị mình. Doanh nghiệp được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính khi xem xét chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị bãi bỏ cơ chế đấu thầu rộng rãi qua mạng internet hiện nay chỉ chọn đơn vị chào thầu với giá thấp nhất được trúng thầu; thay thế bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi nhưng với tiêu chí chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có năng lực, có phương án xác định giá đất tối ưu, chứ không phải chọn đơn vị có giá thấp nhất.
Thái An - Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.