Bộ Công thương đang chủ trì đề án Luật Cạnh tranh với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, về cơ bản đảm bảo được cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định pháp luật. Quy định rõ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, đồng thời xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Trong dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi mà Bộ Công thương chủ trì, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng việc sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của nước ta, và góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. HoREA kiến nghị đối với thị trường bất động sản (BĐS), dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án BĐS, kể cả thông qua các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), hợp tác công - tư (PPP) phải thông qua hình thức đấu giá đất. Đấu thầu lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư bằng hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi, các trường hợp chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Điều này nhằm khắc phục tình trạng chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư một cách tràn lan, nhất là đối với các công trình, dự án BĐS ở các vị trí đắc địa, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh, sự minh bạch, tính cạnh tranh, mà các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều rất mong đợi môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
HoREA kiến nghị về Luật Cạnh tranh sửa đổi nhằm mục đích tạo một môi trường kinh doanh BĐS minh bạch và lành mạnh
Cùng với đó, HoREA cũng kiến nghị về quy định “thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu” tại khoản 4 điều 11 dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi có sự khác biệt về thuật ngữ với quy định về “thông thầu” tại khoản 3 điều 89 Luật Đấu thầu. Hiệp hội đề nghị nên sử dụng khái niệm “thông thầu” với nội hàm như đã quy định tại khoản 3 điều 89 Luật Đấu thầu để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường được quy định tại khoản 2 điều 12 dự thảo Luật. Và đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể được quy định tại điều 13 dự thảo Luật. Hiệp hội nhận thấy cụm từ “một cách đáng kể” nếu không được định lượng, hoặc quy định các tiêu chí để đánh giá tính chất “một cách đáng kể” thì sẽ khó áp dụng trên thực tế. Do đó, HoREA đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung giao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết thế nào là hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Chương VI dự thảo Luật, HoREA nhận thấy điều quan trọng là cần quy định các tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi vì trên thực tế có rất nhiều loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể. Do vậy, Hiệp hội đề nghị dự thảo Luật cần quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, và giao cho Chính phủ quy định các biện pháp chế tài nếu đối tượng vi phạm các điều cấm này.
Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.