Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 2021 | 14:1

HoREA kiến nghị sớm công bố kết luận 158 mặt bằng và dự án thuộc diện rà soát

Tới đây, Thủ tướng Chính phủ cùng TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) sẽ có buổi làm việc xem xét các giải pháp tháo gỡ “ách tắc, vướng mắc” để thị trường BĐS phục hồi và phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

Trong đó, HoREA kiến nghị sớm công bố kết luận 158 mặt bằng và dự án thuộc diện rà soát.

t25.jpg
Cần xây dựng hoàn thiện quy định pháp luật để khởi động lại dự án đầu tư theo hình thức BT.
 

158 mặt bằng, dự án cần tháo gỡ

Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh, HoREA đề xuất các giải pháp tháo gỡ “ách tắc, vướng mắc” để thị trường BĐS phục hồi và phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

Hiệp hội đề nghị sớm có kết luận, xử lý một số dự án BĐS, nhà ở thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án để rà soát lại về pháp lý; hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư, do sử dụng đất có nguồn gốc từ việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc di dời theo quy hoạch, theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2017/QĐ-TTg.

Tại TP. Hồ Chí Minh, có 158 mặt bằng và dự án thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác. Các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường.

Do đó, việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, hoặc làm thất thu nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh và trên thực tế, nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoặc đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, hoặc đã bán cho khách hàng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, đã được cấp “sổ hồng”.

Mặt khác, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, thì các trường hợp nhà, đất nay qua rà soát, kiểm tra, thanh tra phát hiện chưa hoàn thành thủ tục về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, thì phải “báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể”.

Trên cơ sở đó, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra (nêu trên) để các chủ đầu tư chấp hành, trong đó có thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Xây dựng hoàn thiện quy định pháp luật để khởi động lại dự án đầu tư theo hình thức BT

Tại Điều 101, Luật PPP quyết định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) kể từ ngày 01/01/2021 được cho là kịp thời và cần thiết. Nguyên nhân là do có không ít hợp đồng BT có dấu hiệu tiêu cực. Do đó, để ngăn chặn ngay tình trạng thất thoát tài sản công (chủ yếu là đất công, trụ sở cơ quan), thất thu ngân sách nhà nước (do phương thức thanh toán hợp đồng BT bằng đất công, trụ sở cơ quan, không phù hợp giá thị trường, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá) và chấm dứt cơ chế “xin-cho” của một số doanh nghiệp “sân sau”, “thân hữu” làm “méo mó” môi trường đầu tư.

Trước đó, HoREA đề nghị chỉ nên dừng Hợp đồng BT trong năm 2021-2022 để có thời gian xem xét, rà soát hoàn thiện lại hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư dự án BT và để từ năm 2023 trở đi, có thể tái khởi động trở lại phương thức xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hoặc xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, hoặc các dự án chỉnh trang tái phát triển các khu vực đô thị cũ.

Gỡ khó

Theo HoREA, hiện các mặt bằng trụ sở làm việc, các diện tích đất sạch do Nhà nước quản lý hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản, để đảm bảo thu hồi giá trị tài sản vào ngân sách nhà nước đúng giá thị trường.

Do đó, HoREA đề nghị không sử dụng phương thức thanh toán Hợp đồng BT bằng quỹ đất sạch của Nhà nước, vì việc xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho nhà đầu tư không đảm bảo được nguyên tắc “ngang giá” và “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.

Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 (và Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP) lại không quy định hình thức thanh toán hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách Nhà nước 2015 không quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại công trình BT trong danh mục “Chi đầu tư phát triển”; cũng chưa quy định công trình BT là một sản phẩm hàng hóa (thường có giá trị rất lớn) là đối tượng chi ngân sách nhà nước để mua lại theo phương thức “mua sắm công”, nên chưa có cơ sở pháp luật để thanh toán hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước.

HoREA đề nghị rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (và Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP); Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, nhằm bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án BT, để vừa đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ và hiệu quả, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng theo hướng:

Thứ nhất, đề nghị áp dụng phương thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, góp phần xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, lành mạnh.

Thứ hai, đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu để có thể thực hiện “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT đồng thời với đấu thầu dự án có sử dụng đất (đất chưa giải phóng mặt bằng) để thanh toán hợp đồng BT, để nhà đầu tư thực hiện dự án khác”. 

Thứ ba, đề nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, để cho phép áp dụng phương thức thanh toán hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước (kể cả vốn viện trợ, vốn ODA) và coi đây là phương thức thanh toán chủ yếu hợp đồng BT; hoặc chỉ thực hiện phương thức thanh toán hợp đồng BT bằng dự án có sử dụng đất (dự án khác) trong trường hợp quỹ đất thanh toán đối ứng chưa giải phóng mặt bằng và thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đồng thời với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT.  

Thứ tư, HoREA đề nghị thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với trụ sở làm việc, đất sạch do Nhà nước quản lý, hoặc có tài sản trên đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước để tạo nguồn vốn ngân sách nhà nước thanh toán hợp đồng BT theo quy định tại Điều 118, Điều 119 Luật Đất đai 2013 và Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top