Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, trong đó kiến nghị tích hợp “quy trình cấp giấy phép xây dựng”.
Lộ những khiếm khuyết
Xét về mặt tổng thể, Luật Xây dựng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và phát triển thị trường bất động sản (BĐS), nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, nhà ở. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Xây dựng đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số chế định không còn phù hợp hoặc cần được xây dựng mới, nên rất cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, HoREA cho rằng, trong các văn bản quy phạm pháp luật có 5 hạn chế. Cụ thể, chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phương thức xây dựng Luật theo kiểu “Luật khung; Luật ống” khó đấu tranh nhằm hạn chế lợi ích cục bộ của các bộ, ngành. Trong đó, khâu yếu nhất là công tác thực thi pháp luật và việc quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của hệ thống các Văn bản dưới luật. Mặt khác, thủ tục hành chính còn rườm rà, bất cập, trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế.
Một điểm nữa, về quy trình cấp giấy phép xây dựng, lẽ ra phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách thành 03 quy trình. Đó là, quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, quy trình cấp giấy phép xây dựng.
Liên quan đến quy trình cấp giấy phép xây dựng, theo quy định hiện hành, tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75m) trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (02 lượt thẩm định). Nghịch lý ở chỗ, sau khi đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp giấy phép xây dựng (không được miễn giấy phép xây dựng).
Một bất hợp lý khác, chủ đầu tư dự án còn phải trực tiếp thực hiện việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng). Trong khi Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có liên quan.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đối với việc cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã tích hợp các quy trình thẩm định thiết kế xây dựng vào quy trình cấp giấy phép xây dựng. Nhờ đó, rút ngắn thời gian cấp giấy phép từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày.
Cần tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng
Theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp I trở lên (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở quy mô dưới 25 tầng có chiều cao không quá 75m). Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở quy mô dưới 25 tầng có chiều cao không quá 75m.
Trước khiếm khuyết của Luật Xây dựng bộc lộ trong thời gian qua, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo hướng tích hợp “quy trình cấp giấy phép xây dựng”, bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Đồng thời, phân cấp và giao quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt. Trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng (nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp I, hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp...).
Tuy nhiên, xét về lâu dài, HoREA kiến nghị xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm, để nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng.
Đối với trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng, HoREA kiến nghị sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng bổ sung các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.