Hưng Yên có trên 3,6 nghìn hecta cây có múi, chủ yếu là cam, bưởi. Hiện, cây có múi đang trong giai đoạn quả non, phát triển quả.
Đây là giai đoạn rất quan trọng để bảo đảm năng suất, chất lượng quả, ngoài chú trọng chăm sóc, nhà vườn cần theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh, đặc biệt là những đối tượng sâu, bệnh hại chính.
Gia đình ông Lương Văn Đồng, thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, (Kim Động) hiện trồng gần 3.600m2 cam, bưởi. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên tỷ lệ cây cam, bưởi đậu quả thấp, nhiều cây gần như không có quả.
Ông Đồng cho biết: Tỷ lệ đậu quả chỉ đạt 50%. Để bảo đảm năng suất, chất lượng và hạn chế tình trạng rụng quả sinh lý, trong giai đoạn này tôi tập trung bón phân cung cấp dinh dưỡng cho quả phát triển. Ngoài ra, với cây không có quả, tôi tiến hành cắt tỉa lộc, dưỡng cây cho vụ sau.
Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên cây có múi, ngành BVTV tỉnh đã chỉ đạo các phòng Nông nghiệp chủ động và chú trọng dự báo tình hình sâu, bệnh gây hại trên cây trồng nói chung, cán bộ bảo vệ thực vật ở địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra diễn biến của sâu, bệnh gây hại trên cây có múi để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả; đặc biệt là các biện pháp phòng trừ rệp, sâu vẽ bùa, sâu đục quả, nhện đỏ... trên cây có múi để hạn chế lây lan diện rộng.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động, toàn huyện có trên 757ha cây có múi, trong đó có gần 20ha bị nhện đỏ gây hại. Đến nay, 100% diện tích bị nhiễm được nông dân chủ động phòng trừ kịp thời. Trước diễn biến tình hình sâu, bệnh, ngành chuyên môn của huyện đã chủ động thông báo nhanh tình hình sâu, bệnh hại cây trồng trên hệ thống đài truyền thanh để người dân nắm bắt; hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”; đồng thời khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra vườn cây, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu, bệnh.
Những ngày này, thời tiết nắng nóng, để cây có múi sinh trưởng, phát triển tốt, phòng chuyên môn tuyên truyền, khuyến cáo các hộ làm vườn cần chú trọng chăm sóc, bón phân cân đối cho cây trồng, bảo đảm đủ nước và thoát nước tốt trong những ngày mưa, bão, luôn giữ vườn cây thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của các đối tượng sâu, bệnh gây hại. Khi phát hiện sâu, bệnh, sử dụng các loại thuốc đặc trị theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ông Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ, cho biết:Toàn huyện có trên 480ha cây có múi, trong đó có gần 70ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Diện tích trồng cây có múi tập trung ở các xã: Nguyên Hòa, Tam Đa, Tiên Tiến… Định kỳ hàng tuần, Trạm bảo vệ thực vật huyện nắm bắt, thông báo tình hình sâu, bệnh, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ đối với từng loại cây trồng đến nhà vườn. Đối với vùng sản xuất cây có múi theo quy trình VietGAP, nông dân cần tuân thủ đúng theo quy trình chăm sóc, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh nằm trong danh mục cho phép để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên, thời gian tới, tình hình sâu, bệnh nói chung và nhện đỏ trên cây có múi tiếp tục tăng cục bộ ở những vườn phòng trừ hiệu quả thấp, hiện tượng rụng quả sinh lý tiếp tục xảy ra… Để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, đặc biệt là nhện đỏ, trong thời điểm này, các địa phương cần tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh trên cây ăn quả có múi. Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu, bệnh, đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; thông báo nhanh tình hình nhện đỏ đến các hộ nông dân để chủ động phòng trừ kịp thời.