Sau 03 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2017 – 2020, đến năm 2019, huyện Phong Điền (TT - Huế) đã vượt nhiều chỉ tiêu và nếu có hộ khẩu tại địa phương, người lao động sẽ được hỗ trợ 12 triệu đồng khi đi xuất khẩu lao động.
Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân huyện Phong Điền được thông qua ngày 21/7/2019. Trong Nghị quyết này, UBND huyện đã chỉ đạo cụ thể nhiều nội dung liên quan đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động hằng năm trên toàn huyện.
Tính đến cuối năm 2019, theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2017 – 2020 của UBND huyện Phong Điền, các chỉ tiêu đều được tăng dần theo từng năm và đến nay nhiều chỉ tiêu đã vượt so với đề án đề ra.
Cụ thể, về việc đào tạo nghề cho người lao động trong năm 2017 có 1.007 người đạt 67,1% so với Nghị quyết năm, 209,7% so với đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2017 – 2020); đến năm 2018 có 1.622 lao động được đào tạo đạt tỷ lệ 337,9% so với chỉ tiêu của đề án; trong năm 2019, số lượng lao động được đào tạo là 1.222 người đạt 254,5% so với kế hoạch từ đầu năm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Phong Điền cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp cùng với các đơn vị đào tạo nghề hướng dẫn các xã, thị trấn điều tra số liệu nguồn lao động trong độ tuổi có khả năng học nghề, nhu cầu học nghề cũng như lập kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thông; qua đó, tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho từng địa phương.
Đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX huyện, Trung tâm DN của Hội LHPN tỉnh, Trường Cao đẳng GTVT Huế, Trường Cao đẳng nghề 23 Bộ quốc phòng, các doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động. Trong số này, Công ty Scavi tổ chức đào tạo nghề cho người lao động với số lượng lớn nhất, điển hình trong năm 2018 là 1.111 người.
Song song với việc đào tạo nghề, công tác tập huấn nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được chú trọng.
“Với những lao động đã công tác lâu năm trong một lĩnh vực nào đó điển hình như trồng trọt, chăn nuôi thì không thể gọi là đào tạo mới được. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, nhiều lao động trong số này chưa cập nhật được các biện pháp, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất hoặc chưa có kinh nghiệm trong nuôi trồng các loại nông sản mới. Chính vì vậy, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, nâng cao tay nghề cho họ”, ông Lương trao đổi với PV.
Số người lao động được tập huấn kỹ năng nghề nghiệp tính đến nay đã vượt so với đề án, cụ thể, vào năm 2018 có 2.359 lao động được tập huấn đạt 157,2% so với chỉ tiêu đề án; trong năm 2019 con số này là 1.769 người.
Với công tác tập huấn, theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, Trung tâm GDNN – GDTX, Phòng NN & PTNT, Trung tâm dịch vụ NN, và Phòng Tài chính – Kế hoạch là các đơn vị có thành tích nổi bật nhất.
Một điểm nhấn khác trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tại huyện Phong Điền trong giai đoạn 2017 – 2020 là công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Thông tin từ Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền cho biết, nếu là lao động có hộ khẩu tại huyện Phong Điền đi xuất khẩu lao động sẽ được hưởng các chế độ chính sách hết sức ưu đãi của địa phương.
“Nếu là người có hộ khẩu tại huyện Phong Điền, sau khi hoàn thành xong thủ tục, người lao động lên máy bay đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài là người thân ở nhà đã… lời 500.000 đồng rồi. Cho nên ở đâu tôi không biết, chứ ở huyện Phong Điền đi xuất khẩu lao động chẳng qua là người ta có muốn hay không thôi chứ tài chính chẳng phải lo”, trích lời của ông Lương.
Theo giải thích của ông Lương, thực ra đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài dĩ nhiên người ta phải tốn phí đào tạo, phí học tiếng, phí đi lại… Tuy nhiên, huyện Phong Điền có chính sách riêng để hỗ trợ cho người dân trong vấn đề này.
Cụ thể, mỗi người lao động của địa phương sau khi đi xuất khẩu lao động thành công tại nước ngoài huyện Phong Điền sẽ hỗ trợ ngay 5.000.000 đồng phí đi lại, phí đào tạo nghề và 7.000.000 đồng chi phí lãi suất khoản vay phục vụ cho việc suất khẩu lao động.
Trong khi đó, các công ty đang liên kết thực hiện công tác xuất khẩu lao động tại địa phương chỉ thu trước 11.400.000 đồng mà UBND huyện đã hỗ trợ 12.000.000 đồng, nên tôi hay nói vui khi đi tập huấn là xuất khẩu lao động sẽ … lời 500.000 đồng, trích lời ông Lương.
Các công ty xuất khẩu lao động nước ngoài đang liên kết với huyện Phong Điền là Công ty cổ phần Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia (SULECO) và Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát. Ông Lương giải thích rằng, đây là 02 công ty hỗ trợ cho người lao động vay 100 % chi phí xuất khẩu lao động và nhiều ưu đãi khác, xét thấy sự thuận lợi, phù hợp với địa phương nên địa phương đã lựa chọn và liên kết với các công ty này.
Như vậy, thực chất chi phí để đi xuất khẩu lao động hiển nhiên là có, tuy nhiên với việc được trả sau, trả từ từ và nhiều ưu đãi, đặc biệt là với sự hỗ trợ tài chính từ huyện Phong Điền nên người lao động sẽ thoải mái hơn.
Thống kê số lượng cụ thể của công tác này vào năm 2017 huyện Phong Điền có 75 lao động, năm 2018 là 164 lao động và đến cuối năm 2019 là 186 lao động. Cũng theo thống kê, Nhật Bản đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu lao động tại huyện Phong Điền.
Với việc hỗ trợ chính sách, tài chính cho công tác xuất khẩu lao động, huyện Phong Điền mong muốn rằng những người được đi làm việc tại nước ngoài không đơn thuần mang lại nguồn tài chính cải thiện đời sống của người dân tại địa phương mà quan trọng hơn, sau khi về nước họ sẽ mang theo tư tưởng, tác phong của các nước tiên tiến hơn và từ đó lan tỏa đến những người xung quanh.
Những kết quả đạt được khi triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2017 – 2020 tại huyện Phong Điền sẽ là cơ sở cho những mục tiêu cao hơn, kết quả tốt hơn trong tương lai.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.