Trước thực trạng nhiều bãi cát, sỏi không có trong quy hoạch nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động một cách rầm rộ, UBND huyện Phong Điền tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả bãi tập kết cát, sỏi này.
Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh trong bài viết “TT - Huế: Vì lợi nhuận, doanh nghiệp “lộng hành” mua bán cát, sỏi?”, theo tìm hiểu của PV, các bãi cát bên cạnh Quốc lộ 1A, gần cầu An Lỗ, thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế không nằm trong Danh mục địa điểm quy hoạch bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh này (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh). Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương này khẳng định sẽ cương quyết đóng cửa những bãi tập kết, mua bán cát, sỏi tại đây.
Cụ thể, trao đổi với PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, cho biết, trước đây, theo Quyết định số 936/QĐ-UBND của UBND tỉnh, xã Phong Hiền có 05 bãi tập kết cát, sỏi, nhưng theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 03/01/2019 của UBND tỉnh, trên địa bàn xã không có bãi tập kết nào nằm trong quy hoạch.
Ông Thiện chia sẻ, theo sự chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã đã cùng với đoàn công tác tiến hành làm việc cùng các chủ bãi. Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 07/5/2019 – PV), đoàn công tác và UBND xã đã có 05 phiên làm việc cùng chủ bãi cát, sỏi trên địa bàn.
Cũng theo ông Thiện, quá trình tiến hành kiểm tra tại các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn được thực hiện bằng phương pháp “hỏi chủ hộ” và sau đó đoàn công tác sẽ “ước lượng” lại khối lượng một cách tương đối.
Về “công thức” tính toán để đưa ra thời gian sẽ đóng cửa các bãi tập kết tại đây, vị Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho hay: “Theo chỉ đạo của huyện, xã kiểm tra lại khối lượng cát trên bãi thực tế còn lại bao nhiêu. Theo họ dự báo, có bãi còn 2800m3, có bãi còn 2000 m3, còn bãi khoảng 1000 m3. Quá trình về kiểm tra thì hỏi họ bán một ngày bao nhiêu khối, chẳng hạn họ bán 01 ngày 70 m3 thì lấy khối lượng đó nhân lên theo ngày, thời gian bán hết cát trên bãi để thực hiện việc đóng cửa tăng lên đến ngày 25/5, có bãi khối lượng cát nhiều tăng lên đến ngày 26/6 mới kết thúc”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được tình trạng tập kết, mua bán cát, sỏi tại sông Bồ thuộc xã Phong Hiền.
Ông Hùng chia sẻ thêm, các bãi này không nằm trong Danh mục địa điểm quy hoạch bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh), vì vậy, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra, tiến hành mời các chủ hộ kinh doanh ở đây lên làm việc, đồng thời yêu cầu các hộ không được nhập thêm cát vào bãi và phải xử lý hết tất cả số lượng cát đang có trên bãi chậm nhất đến ngày 30/4/2019.
“Riêng xã Phong Hiền, không có bãi nào trong quy hoạch, huyện vẫn chấp hành nghiêm túc và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Huyện đã tổ chức tổ học tập, mời các chủ hộ của 05 bãi này để vào quán triệt, phổ biến nội dung, các vấn đề liên quan trong quyết định 07 đến các cá nhân có liên quan đến việc kinh doanh cát, sạn trên sông Bồ thuộc xã Phong Hiền. Qua kiểm tra hồ sơ, tất cả các hộ đều chấp hành nghiêm túc và UBND huyện kết luận đến ngày 30/04/2019 phải chấm dứt việc mua bán, tập kết cát, sạn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đó, để thực hiện nghiêm túc chủ trương trên, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác để tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các chủ hộ trong quá trình tập kết, mua bán cát, sỏi nói trên để tiến hành đóng cửa các bãi này theo đúng quy định.
Qua quá trình làm việc nhiều người nhận thấy được tinh thần, chủ trương rất tích cực, quyết liệt của UBND huyện Phong Điền, của UBND xã Phong Hiền trong việc đóng cửa các bãi tập kết cát, sỏi trái phép tại xã Phong Hiền.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn những băn khoăn, ví như: Quyết định số 07/QĐ-UBND của UBND tỉnh có hiệu lực từ ngày 03/01/2019 có nghĩa rằng tính đến nay đã được hơn 5 tháng, tại sao đến nay huyện Phong Điền vẫn chưa thực hiện triệt để? Phương pháp và “công thức” đo đạc của đoàn công tác trong quá trình kiểm tra có thực sự khách quan, chính xác? Tại sao có bãi đóng cửa vào cuối tháng 6/2019, có hay không việc “tạo điều kiện quá mức” của chính quyền địa phương?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này!
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.