Thời tiết nắng ráo là điều kiện thuận lợi để thi công các công trình xây dựng, chính vì vậy, việc mua bán cát sỏi diễn ra tấp nập khắp nơi.
Lợi nhuận trong hoạt động này khiến chủ nhân của nhiều bãi tập kết cát, sỏi bất chấp lệnh cấm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ những sai phạm cơ bản...
Bên cạnh Quốc lộ 1A, tại cầu An Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, người đi lại không khó để nhìn thấy hoạt động của các bãi cát, sỏi ở dọc sông Bồ. Điều đáng nói là, các bãi cát ở đây có nhiều dấu hiệu sai phạm khi đối chiếu với những quy định pháp luật hiện hành.
Đầu tiên, quan sát bằng mắt thường và đối chiếu với Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân dễ dàng nhận thấy những sai phạm về quy định thiết kế, xây dựng bãi như: không đáp ứng khoảng cách với khu dân cư (cách khu dân cư và đường giao thông ≤20m), không đáp ứng tiêu chí cổng phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh; có biển ghi rõ tên cửa hàng, tên doanh nghiệp hoặc tên hộ; hệ thống nước thải được xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm cho các đoạn kênh, sông bên cạnh đó …
Chuyện tưởng chừng không đáng nhắc đến này lại bắt nguồn từ sự “hồn nhiên” trong nhận thức của cán bộ nhân viên các bến bãi này về bảo vệ môi trường. Điển hình trong số đó, người phụ nữ tên Nhung, tự giới thiệu là kế toán của Công ty cổ phần ĐT&TV xây dựng Nam Trung (An Lỗ, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cho biết, nước chảy ra từ việc hút cát dưới ghe lên, nước này từ sông nên chảy lại sông thì có gì nguy hiểm.
Đồng thời, tuyến đường Tỉnh lộ 11A hằng ngày phải “gồng gánh” hàng trăm lượt xe tải chở cát, sỏi từ các bến bãi nơi đây đã xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà. Nhiều xe chở ẩu thậm chí không hề màng đến chuyện bao bọc thùng hàng. Tốc độ “kiếm tiền” của các xe này luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn.
Đến những vi phạm nghiêm trọng
Tiếp tục tìm hiểu về sự, PV được biết, để thực hiện Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu các chủ của những bãi cát nơi đây không được tiếp tục vận chuyển thêm cát, sỏi vào bãi. Cùng với đó, số lượng cát, sỏi dư tồn trong bãi phải được bán, di chuyển dứt điểm và trả lại mặt bằng trước ngày 30/4.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao “lệnh” trên chỉ như “nước đổ lá khoai” với các chủ bãi cát này. Cụ thể, theo ghi nhận của PV, nhiều thuyền vẫn tiếp tục chở cát, sỏi đến những bãi tập kết cát này.
Dường như để hỗ trợ cho yêu cầu của UBND huyện đến các hộ buôn bán tại đây, một số biển “cấm mua bán cát, sỏi” đã được dựng lên. Nhưng, các biện pháp này chẳng hề khiến các chủ cát, sỏi nản lòng, thậm chí, ai đó đã “hồn nhiên” quay ngược tấm biển vào trong. Hành động này phải chăng để tránh né dư luận?
Một loạt các vi phạm, kèm theo đó là một loạt quy định, yêu cầu từ phía chính quyền địa phương, tuy nhiên, hoạt động mua bán cát, sỏi vẫn diễn ra rầm rộ. Phải chăng vì quyền lợi mà những chủ doanh nghiệp nơi đây xem thường pháp luật? Hay, những văn bản pháp luật “ngoại lệ” đối với những người này!?
Chính quyền địa phương nói gì?
Trước tình trạng này, PV đến liên hệ tại UBND xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) để nắm thông tin sự việc. Thực sự khó hiểu khi trong giờ hành chính nhưng đơn vị này không hề có lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch) làm việc trực tiếp tại văn phòng, các đồng chí này cũng không giao nhiệm vụ xử lý công vụ cho bất kỳ cán bộ tại cơ quan!?
Trao đổi qua điện thoại với ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, PV Báo Kinh tế nông thôn được biết, các bãi cát, sỏi nêu trên đã lập biên bản và đang tiếp tục kiểm tra xử lý!?
Nếu đối chiếu lời của vị Chủ tịch xã với những vi phạm đang diễn ra tại địa phương, liệu rằng dư luận có dấy lên lo ngại: Chính quyền địa phương đang thờ ơ với chuyện xử lý dứt điểm sai phạm trong khai thác, mua, bán cát, sỏi trên địa bàn?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.