Tỉnh TT - Huế đang hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững - an toàn - ứng dụng công nghệ cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, tỉnh TT - Huế hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển này.
Đa dạng tiềm năng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho rằng, Huế có dư địa rất lớn trong phát triển nông nghiệp với đặc điểm về địa hình đa dạng và phong phú có cả ba vùng (đồng bằng, trung du - miền núi và biển, đầm phá) với bờ biển dài 128 km, diện tích đất nông nghiệp chiếm 82% diện tích tự nhiên, diện tích rừng có tính đa dạng sinh học cao; đặc biệt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000 ha lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hệ sinh thái đầm phá đa dạng, có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Để tận dụng tiềm năng này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh TT - Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn đã được cải thiện; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2018 bình quân 4,65%/năm. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, TT - Huế hiện có 69.835 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 13,9% đất toàn tỉnh); 334.707 ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 66,6% đất toàn tỉnh); đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km với diện tích 22.000 ha và thuộc loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á; có bờ biển dài, hệ thống đầm phá và sông ngòi được phân bố trải đều trên toàn tỉnh; nguồn lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dồi dào với 167.255 người, chiếm 27,6% (trong tổng số 607.029 người từ 15 tuổi trở lên) và tỷ lệ qua đào tạo ở khu vực nông lâm ngư nghiệp ước đạt 77 % trong năm 2020… là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh TT - Huế phát triển về nông - lâm - thủy sản và các dịch vụ nông nghiệp.
Đạt và vượt chỉ tiêu
Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh TT - Huế cho biết, nhiều chỉ tiêu quan trọng về nông nghiệp đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008 - 2018 đạt trên 3,5%/năm (kế hoạch đến năm 2020 đạt 3 - 4%); Sản lượng lương thực có hạt đạt 34,1 vạn tấn (chỉ tiêu 31 - 32 vạn tấn), sản lượng thóc đạt 33,4 vạn tấn (chỉ tiêu 32 vạn tấn); Sản lượng thủy sản đạt 55.230 tấn; Diện tích trồng rừng hàng năm đạt 5.670 ha (mục tiêu đề ra 4.000 - 4.500 ha), độ che phủ rừng đạt 57,34%.
Tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh năm 2018 tăng 6,61%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 3,46% (kế hoạch năm 2018 tăng 2,23%); giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản và dịch vụ nông nghiệp đạt 7.234 tỷ đồng, chiếm 11,6% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng 4,4% (vượt kế hoạch 0,8%). Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 140,25 triệu USD tăng 2,6%.
Thống kê năm 2018 tại tỉnh TT – Huế, trong trồng trọt nổi bật nhất là trồng lúa có diện tích là 54.731 ha với năng suất 61,1 tạ/ha đạt tổng sản lượng 334 nghìn tấn.
Về chăn nuôi toàn tỉnh có khoảng 1.400 trang trại, gia trại chăn nuôi và có 70 trang trại đạt tiêu chí, giá trị sản xuất đạt 1.135 tỷ đồng tăng 2,9% so với 2017.
Về thủy sản có giá trị sản xuất đạt 2.108 tỷ đồng tăng 7,4% so với 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 58 triệu USD tăng 5,34%;
Lâm nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung đạt 6.140 ha, tăng 1,75% so với 2017. Tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 590.000 m3, tăng 2,35%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 659 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 77 triệu USD tăng 3,54%.
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh TT – Huế đã có 44/104 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 42,3%; 60 xã còn lại có: 29 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí; 28 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 03 xã đạt 8 -9 tiêu chí; Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,3 tiêu chí/xã, không có xã dưới 8 tiêu chí.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2019, do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi khiến tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 148.950 con, giảm 8,26%. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 7.185 ha, tăng 2,9%; Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.487 tấn tăng 6,4%. Diện tích rừng trồng mới tập trung đã trồng ước đạt 3.570 ha, tăng 3%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 252.035m3, tăng 2,7%.
Các công tác khác về phát triển nông nghiệp của tỉnh TT – Huế cũng đã và đang thực hiện đồng bộ, ghi nhận bước đầu có nhiều kết quả tích cực.
Cần tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Huế cần phát huy được những nét đặc trưng riêng có của mình, đó là "Phải xây dựng và phát triển nền nông nghiệp đa dạng; xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ từ cây, con, rừng, dược liệu; xây dựng nền nông nghiệp đặc sản tạo nên sự khác biệt và gắn với chuỗi ẩm thực của riêng Huế... hướng tới phục vụ phát triển du lịch". Để phát triển bền vững, TT - Huế cần nghiên cứu thêm trong quy hoạch và hoạch định chính sách về cơ cấu nông nghiệp, nhất là nông nghiệp nông thôn, đưa "Người nông dân là chủ thể của nền nông nghiệp".
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã “hiến kế” cho từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp tỉnh TT - Huế.
Ông Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế phân tích, nông nghiệp tỉnh TT - Huế tăng trưởng ấn tượng hàng năm nhưng vẫn đang còn hạn hẹp và đối mặt với sự thiếu bền vững. Muốn phát triển tốt hơn, cần làm rõ các câu hỏi: làm nông sản này bán cho ai? Làm sao có thể đưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng?
Đối với nông sản chất lượng cao được gắn liền với hệ thống chứng chỉ, tiêu chuẩn cấp quốc gia hoặc quốc tế như VietGAP, ASEAN GAP… TS. Hoàng cho rằng, ngoài việc phải thực hiện các bộ tiêu chí phải chú ý khâu cuối cùng là thị trường tiêu thụ sản phẩm và lợi nhuận của người nông dân. Nếu người dân không thấy được lợi ích họ có thể sẽ bỏ quy trình sản xuất.
Tiếp đến, cần chú ý thuộc tính “chất” được xây dựng bởi yếu tố đặc thù sinh thái nhân văn, vùng địa lý, hệ thống dự báo thị trường… các yếu tố này hiện nay chưa được nhìn nhận và khai thác triệt để, như: cà phê Arabica của từ xã Nhâm (huyện A Lưới); gạo Ra Dư gắn liền văn hóa của người Ta’Oi, Katu, gạo hương canh, gạo Gie An cựu, gạo đỏ Quảng Điền… TS. Hoàng phân tích.
Bàn về nội hàm của nông nghiệp công nghệ cao, theo chuyên gia đến từ Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế, nhà màng có thể nhìn nhận như một hệ thống được bao trùm và quản lý trên toàn tỉnh, lấy điểm trung tâm là hệ thống thông tin thu nhận cơ sở dữ liệu.
PGS. TS. Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền nam nhìn nhận, báo cáo sơ kết thực hiện tái cơ cấu giai đoạn từ 2013 – 2018 của tỉnh TT - Huế về phát triển cây ăn quả chỉ đề cập cây thanh trà mà chưa chú trọng nhiều loại cây ăn quả khác. Vậy, có phải cây ăn quả khác không có tiềm năng phát triển ở tỉnh TT - Huế?
Nguyên viện trưởng Châu dẫn chứng, ở tỉnh Tiền Giang; tỉnh An Giang; huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng; huyện Mai Châu, Sơn La… đã xác định nhiều loại cây ăn quả đặc sản phù hợp với vùng sinh thái và người dân ở đó đã đầu tư hàng tỉ đồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả vì giá trị kinh tế cao.
PGS. TS. Châu cho rằng, diện tích trồng cây ăn quả ở tỉnh TT - Huế theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến 2020 còn khiêm tốn (3.140 ha) hơn các tỉnh khác (Tiền Giang 72.795 ha hay Sơn La 40.210 ha). Qua đó chuyên gia đề xuất, tỉnh TT - Huế nên chuyển đổi một phần diện tích đất đã quy hoạch sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, sầu riêng, bơ… và phải đảm bảo về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc.
Theo Nguyên viện trưởng, nơi có khí hậu mát lạnh như A lưới sẽ trồng được Bơ chịu mát (giống Hass, Reed, Pinkerton,…), chanh dây, cà phê…; nơi có khí hậu ấm hơn như Nam Đông, Phong Điền,… có thể trồng được nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ chịu nóng (giống 034,…), xoài, bưởi da xanh, cam, quýt; vùng ven biển có thể trồng na hay nhãn…
Về kỹ thuật trồng cây ăn quả ở tỉnh TT - Huế, Nguyên viện trưởng Châu nhận xét, do trồng sâu dưới mặt đất nên nhiều cây thanh trà bị bệnh xì mủ nghiêm trọng; người trồng ổi chưa quen kỹ thuật bấm đọt nên năng suất chưa đạt 30 - 40 tấn quả/ha như ở miền Tây.
GS.TS. Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) khẳng định, Viện Di truyền Nông nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng TT - Huế xây dựng một số dự án phát triển một số loại trái cây có tiềm năng như cây ăn quả có múi (cam quýt, bưởi chanh, bơ, chuối....).
Để thúc đẩy cho sự phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, ông Phan Ngọc Thọ Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh TT - Huế cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.