Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 9 năm 2021 | 16:35

JICA hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế 42 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19

JICA vừa công bố triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực cho Bệnh viện Trung ương Huế trong ứng phó với dịch COVID-19". Tổng giá trị của dự án khoảng 200 triệu yen Nhật (tương đương gần 42 tỷ đồng).

b552248d82be7ee027af-1595994900083.jpg
Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 là nơi tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 với những triệu chứng nặng.

 

Theo thông tin từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực cho Bệnh viện Trung ương Huế trong ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19)” vừa chính thức triển khai.

Dự án này được tiến hành thực hiện trong 8 tháng (bắt đầu từ tháng 8/2021). Dự án sẽ cung cấp trang thiết bị y tế và đào tạo kỹ thuật sử dụng và quản lý thiết bị y tế cho Bệnh viện Trung ương Huế. Tổng giá trị của dự án vào khoảng 200 triệu yen Nhật (tương đương gần 42 tỷ đồng), do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ.

Dự kiến, các thiết bị y tế sẽ được lắp đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2. Đây là nơi tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 với những triệu chứng nặng.

Danh mục thiết bị dự kiến sẽ gồm máy ECMO (Tim-phổi nhân tạo), máy thở, máy monitor, xe cứu thương và tủ lạnh âm sâu chuyên dụng bảo quản vaccine... Dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng sẽ triển khai tập huấn quản lý thiết bị y tế từ xa đối với bộ phận quản lý thiết bị y tế của Bệnh viện Trung ương Huế.

Phát biểu về dự án, Giáo sư, tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, bệnh viện đã kịp thời thành lập Trung tâm Cách ly điều trị Covid-19. Cùng lúc, bệnh viện huy động các trang thiết bị trong toàn viện để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho người bệnh. Tuy đã rất nỗ lực, song công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải về trang thiết bị y tế.

Do đó, ông Hiệp cho rằng, dự án tăng cường Năng lực cho Bệnh viện Trung ương Huế trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ sẽ có tác động lớn và bền vững trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay, việc nâng cao năng lực ứng phó của các tỉnh miền Trung đối với làn sóng lây lan của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là một vấn đề cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn quốc nói chung và miền Trung nói riêng. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh miền Trung, đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nhân cũng như đào tạo chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới.

Bởi vậy, thông qua việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho Bệnh viện Trung ương Huế, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản bày tỏ sự kỳ vọng góp phần nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung.

Từ năm 1990 tới nay, Chính phủ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực nhân viên y tế tại địa phương tại Việt Nam, thông qua các trung tâm đào tạo trực thuộc ba bệnh viện trọng điểm.

Từ năm 2005 đến 2010, bên cạnh việc cung cấp trang thiết bị y tế, xây dựng tòa nhà kỹ thuật cao cho Bệnh viện Trung ương Huế bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, các dự án Hợp tác Kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã giúp nâng cao năng lực cho trên 1.000 y, bác sỹ tại Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện tỉnh ở khu vực miền Trung.

Tháng 3/2021, để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh Covid-19, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng đã cung cấp cho Bệnh viện Trung ương Huế một số thiết bị vật tư y tế thiết yếu.

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp cùng Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top