Ông Nguyễn Thành Chung ở xã Long Hưng (Châu Thành - Tiền Giang) được mọi người biết đến bởi sự cần cù, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mít Thái siêu sớm và cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Chung cho biết, trước đây gia đình cũng trồng các loại cây tạp, không cố định loại cây trồng nào nên liên tục phải “đốn - trồng”, được mùa thì lại rớt giá và ngược lại, kinh tế không ổn định, có lúc đi vào khó khăn do những vụ mùa thất bát hay giá cả xuống thấp.
Năm 2012, thấy cây mít Thái cho hiệu quả kinh tế cao, ông Chung học hỏi kinh nghiệm từ các vùng Cai Lậy, Cái Bè, rồi về trồng thử nghiệm trên 2.000m2 đất của gia đình. Thổ nhưỡng thích hợp, cây phát triển tốt nên ông nhân giống và tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, sau gần 8 năm gắn bó với cây mít Thái, gia đình ông có gần 1ha mít.
Ông Chung chia sẻ kinh nghiệm: Thời gian từ khi trồng mít Thái đến khi cho trái mất khoảng 16-18 tháng nên không tốn nhiều chi phí chăm sóc, chủ yếu là khâu làm đất . Phải để một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi ươm khoảng 2-3cm. Bón lót mỗi hố một ít phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ. Dùng tay lấp và ém chặt lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay. Trồng xong lấy cọc cắm, buộc thân cây vào cọc tránh gió lay gốc.
Mít cũng như các loại cây trồng khác, giá luôn biến động theo thị trường, cao điểm lên đến 70.000-80.000 đồng/kg, thấp nhất 10.000 đồng/kg. Nhờ trái to, trọng lượng nặng nên vẫn có lợi nhuận dù giá xuống thấp. Theo ông Chung, mít Thái trồng và chăm sóc khá nhẹ nhàng hơn so với các loại cây ăn trái khác, chủ yếu bao trái để hạn chế bị sâu tấn công; bón phân đầy đủ, xẻ rãnh để thoát nước, hạn chế mít bị sơ đen, rớt giá.
Ông Chung cho biết: “Cây mít cho trái rải vụ quanh năm. Thời gian từ lúc ra hoa đến lúc trái già khoảng 5 tháng, do đó, có thể căn cứ vào màu sắc trái để thu hoạch. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ (có nơi gọi là nhựa) lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp. Người trồng cần cung cấp đủ nước cho cây mít, nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc sắp chín. Mít thường bị sâu đục thân, đục trái, rầy, rệp sáp… gây hại. Vì vậy, người trồng cần phải phun thuốc theo định kì và tiến hành bao trái để hạn chế sự phá hoại của côn trùng”.
Trừ chi phí, gia đình ông Chung có thu gần 200 triệu đồng/năm.
Nói về mô hình trồng mít cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Thành Chung, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng, cho biết: “Có nhiều mô hình trồng mít, tuy nhiên, mô hình của anh Chung là đạt hiệu quả kinh tế cao, bởi anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ khắp nơi về áp dụng vào vườn mít của gia đình. Điều đáng quý, anh Chung còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con địa phương. Nhiều năm liền, anh Chung được bầu chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, là điển hình đáng được biểu dương và nhân rộng”.