Hiện, nhiều địa phương trên cả nước đang dở khóc, dở cười với dưa hấu, sắn và mít Thái.
Quảng Ngãi: Nông dân lại "khóc" với dưa hấu
Hàng trăm hộ trồng dưa ở Quảng Ngãi đang rơi vào cảnh dở khóc, dở cười vì giá dưa hấu xuống thấp, chỉ từ 1.000 – 1.300 đồng/kg. Giá dưa không những thấp mà việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn khiến nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay sau vụ dưa.
Chúng tôi tìm đến cánh đồng chuyên canh dưa hấu của xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn. Đây được xem là vùng trồng dưa hấu lớn nhất của huyện Bình Sơn. Mặc dù đang mùa thu hoạch, nhưng trên cánh đồng không khí khá yên ắng và nỗi thất vọng hiện trên nét mặt lam lũ của những người nông dân.
Hiện, giá dưa tại ruộng chỉ còn 1.000 - 1.300đồngđồng/kg
Anh Phan Đức Tự, một trong những hộ trồng dưa ở xã Bình Thanh Tây lắc đầu ngao ngán: Đầu vụ, giá dưa (hắc mỹ nhân) được bán tại ruộng 7.000 đồng/kg, nhưng giờ cuối vụ giá xuống chỉ có 1.000- 1.300 đồng/kg (thấp nhất trong nhiều năm qua). Đã vậy, tư thương họ chỉ chọn những quả dưa đẹp, trái to, vì vậy trung bình 1 tấn thì bị loại hết gần hết 1/3 tấn.
Còn anh Phạm Quý, một hộ trồng dưa ở Bình Thanh Tây cũng cho biết, với giá thu mua như hiện nay thì tiền bán được không đủ bù tiền phân bón. So vớ các loại cây trồng khác thì trồng dưa là vất vả nhất, bởi dưa rất dễ chịu tác động của yếu tố thời tiết, sâu bệnh... Để có được quả dưa đạt chất lượng thì người người nông dân phải "ăn, ngủ" gần 3 tháng ngoài ruộng dưa. Công nhiều, chi phí đầu tư cũng lớn, chính vì vậy với dưa hắc mỹ mà có giá từ 5.000 đồng/kg trở lên thì người trồng dưa mới có lãi.
Với giá dưa hiện tại, trung bình một sào dưa, người trồng dưa lỗ gần chục triệu đồng, chưa tính công chăm sóc mấy tháng trời. Đó là đối với những hộ có đất, còn những hộ đi thuê đất thì 1 sào lỗ thêm khoảng 1,2 triệu đồng thuê đất.
Mặc dù biết thị trường đầu ra năm nào cũng bấp bênh nhưng nếu được giá từ 6.000 -10.000/kg thì cây dưa hấu mang hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác như cây lúa, rau, đậu... vì vậy, người nông dân dù năm này thua lỗ, năm sau lại vẫn tiếp tục trồng với hy vọng được giá sẽ "gỡ gạc” lại.
Ông Nguyễn Hữu Bình- Giám đốc HTX nông nghiệp Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn cho biết, năm 2017, dưa hấu được giá nên năm nay người dân trong xã đã chuyển sang trồng dưa rất nhiều. Hiện toàn xã Bình Thanh Tây có khoảng 80 ha dưa hấu; diện tích trồng dưa năm 2018 tăng gấp đôi so với 40 ha theo quy hoạch.
Giải thích sự tăng đột biến này, Ông Hồ Văn Sơn- Phó phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn thừa nhận, huyện cũng chỉ đạo nông dân nên trồng cây bản địa như đậu, mè, bắp, không khuyến khích trồng cây dưa. Tuy nhiên, người dân vẫn cứ trồng theo tâm lý may, rủi; thậm chí, người dân đua nhau trồng theo hy vọng "trúng giá"
Theo thông kê chưa đầy đủ của các địa phương trong tỉnh thì hiện số lượng dưa hấu đang chín chưa tiêu thụ được lên tới vài ngàn tấn. Huyện Bình Sơn là địa phương có diện tích dưa lớn nhất tỉnh. Năm 2018, huyện Bình Sơn trồng được khoảng 430 ha dưa với giống dưa chủ yếu là hắc mỹ. Tính đến thời điểm này, toàn huyện còn khoảng 750 tấn dưa đang còn tồn đọng.
Ngoài Bình Sơn, các nơi như huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, TP.Quảng Ngãi vẫn còn hàng nghìn tấn dưa ứ đọng ngoài đồng vì giá dưa xuống quá thấp. Hàng trăm điểm tập kết dưa đang chờ thương lái tới mua. Trong khi đó, các thương lái lấy cớ Trung Quốc không nhập dưa nữa nên hạ giá dưa mua tại ruộng chỉ còn 1.000- 1.300 đồng/kg gây khó khăn cho nông dân
Chính vì vậy, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa dưa, Quảng Ngãi lại nổi lên phong trào “giải cứu dưa hấu” dưới sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Nhiều tổ chức như: đoàn thanh niên, công đoàn, cơ quan, trường học… ra sức kêu gọi, mua dưa để giúp đỡ nông dân trồng dưa. Hàng nghìn tấn dưa được các tổ chức đơn vị trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.
Bà Hà Thị Anh Thư- Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho biết, chính quyền cũng đã nhiều lần khuyến cáo nông dân nên trồng dưa và thu hoạch trước ngày 30.4 vì sau thời gian này, thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa – gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Đồng thời, khuyến cáo nên trồng các loại cây là nông sản của địa phương. Tuy nhiên, với tâm lý, chỉ cần trúng một vụ thì sẽ bù cho những vụ thất bại khác nên người dân vẫn tiếp tục trồng dưa mà bỏ qua những khuyến cáo của chính quyền địa phương
Biết là vậy, nhưng trước tình trạng dưa hấu của nông dân tồn đọng không bán được, huyện Bình Sơn đã liên lạc và kết nối với các tổ chức, nhóm và cá nhân trong cả nước nhờ bán giúp dưa cho người dân. Đến thời điểm này đã có trên 1.000 tấn dưa hấu còn tồn ở Bình Sơn đã được tiêu thụ. "Hiện chúng tôi tiếp tục liên hệ với các tổ chức hỗ trợ tiêu thụ dưa còn tồn đọng trong dân. "Giải cứu" dưa đây không phải là giải pháp lâu dài, nhưng địa phương không thể đứng nhìn nông sản của người dân tồn đọng không tiêu thụ được " - Bà Thư nói.
Quảng Nam: Thư kêu gọi hỗ trợ dân tiêu thụ dưa hấu
Trước thực trạng hàng nghìn tấn dưa hấu của nông dân bị ùn ứ, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam vừa có thư kêu gọi gửi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa, giúp họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo nội dung thư, những ngày gần đây, giá dưa hấu tại Quảng Nam giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 1.000 đồng/kg khi đang vào vụ thu hoạch, khiến nông dân thua lỗ nặng. Đến nay, lượng dưa còn tồn đọng khoảng 55ha, với sản lượng khoảng 1.300 tấn, tập trung chủ yếu ở Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Phước (huyện Phú Ninh).
Để giải quyết đầu ra dưa hấu, nhằm ổn định đời sống cho người nông dân, Sở NN&PTNT kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để cứu giúp bà con. Sở cũng rất mong cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động mua ủng hộ giúp nông dân.
Mọi đầu mối tiêu thụ dưa xin liên hệ theo số điện thoại: 0905.715717 (ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh).
Đồng Tháp: Nông dân trồng sắn thua lỗ nặng
Thấy giá củ sắn (củ đậu) đang tăng cao, nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) ồ ạt đua nhau chuyển sang trồng sắn với mong muốn cho lợi nhuận cao so với các cây trồng khác.
Nông dân trồng sắn thua lỗ nặng vì không có đầu ra, không hợp đồng bao tiêu sản phẩm
Thế nhưng, hiện giá củ sắn giảm hơn phân nửa so với cách đây vài tháng, từ 2.800 đồng/kg xuống còn 1.400 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng sắn thua lỗ nặng.
Ông Trần Văn Bền ngụ xã Thường Phước 1 trồng 4,5 công sắn, chi phí đầu tư cho vụ sắn này là 45 triệu đồng. Sau 4 tháng chăm sóc, dù năng suất đạt hơn 9 tấn/công, nhưng với giá bán 1.400 đồng/kg, ông vẫn lỗ khoảng 5 triệu đồng/công.
Nhiều năm nay, trên địa huyện Hồng Ngự diện tích trồng sắn ngày càng tăng, nhưng lại không có đầu ra ổn định, không hợp đồng bao tiêu, vì thế việc trúng mùa mất giá, nông dân thua lỗ là điều có thể đoán trước được.
ĐBSCL: Vào vụ thu hoạch rộ, mít Thái siêu sớm giảm sâu
Trước Tết Nguyên đán, giá mít Thái siêu sớm tại ĐBSCL từ 40.000-50.000 đồng/kg nhưng hiện nay lại giảm đột ngột do nguồn cung dồi dào.
Khoảng 3 tháng trước, nhà vườn trồng mít Thái siêu sớm tại ĐBSCL hốt bạc, khi một trái mít từ 10-15 kg có giá gần bạc triệu vì thời điểm này, giá mít dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, ngang ngửa với giá sầu riêng. Nhưng hiện nay, giá mít Thái giảm một nửa.
Trước và sau Tết Nguyên đán, giá mít Thái siêu sớm từ 40.000-50.000 đồng/kg, nay còn một nửa
Anh Nguyễn Thanh Hậu, một chủ cơ sở thu mua mít Thái siêu sớm tại xã Mỹ Hoà (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), nói: "Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thấy mít Thái siêu sớm có giá nên tui mở cơ sở thu mua cho nhà vườn xung quanh đây khoảng 40.000-45.000 đồng/kg. Một ngày chúng tôi thu mua từ 3-4 tấn và bán hết cho thương lái. Nhưng khoảng 1 tháng nay, giá mít giảm mạnh, hiện chúng tôi mua vào chỉ 20.000 đồng/kg".
Theo anh Hậu, thương lái mua mít ở các điểm thu mua tại ĐBSCL để xuất sang Trung Quốc và bán trong nội địa. Nhưng thời điểm này, do vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung quá nhiều nên dội chợ làm giá giảm. "Nhà vườn quanh đây giờ trồng mít nhiều lắm. Có khi tôi phải đi xuống nhiều vườn ở xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) để thu mua", anh Hậu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trương, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang), thông tin: "Khoảng 3 tháng trước, giá mít Thái siêu sớm sở dĩ có giá cao do sản lượng ít. Còn hiện nay đã vào mùa thu hoạch rộ, nên giá giảm đi là điều đương nhiên. Hiện, toàn huyện có hơn 900 ha trồng loại mít này, trong khi 2-3 năm về trước chỉ có từ 600-700ha".
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…