Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2019 | 16:19

Khám phá cổ vật từ các con tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam

Sáng ngày 19/6, Đoàn Đại biểu dự Hội thảo quốc tế “Giá trị Di sản Công viên Địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh” đã đến tham quan nhà trưng bày Di sản văn hóa Vật thể thuộc Trung tâm Phát huy giá trị Di sản Văn hóa đa năng Quảng Ngãi.

Nhân dịp Hội thảo quốc tế về giá trị Di sản Công viên Địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đoàn Ánh Dương trưng bày kho mở hiện vật 09 con tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam tại nhà Trưng bày Di sản văn hóa Vật thể thuộc Trung tâm Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa Đa Năng Quảng Ngãi.
 
GS. Nguyễn Lân Cường cùng đại biểu tham quan trưng bày cổ vật nhân dịp Hội thảo quốc tế về giá trị Di sản Công viên Địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
GS. Nguyễn Lân Cường cùng đại biểu tham quan trưng bày cổ vật nhân dịp Hội thảo quốc tế về giá trị Di sản Công viên Địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.

 

Trong suốt những năm qua, Công ty Đoàn Ánh Dương đã nghiên cứu, tìm tòi, khai quật khảo cổ học và sưu tầm nhiều hiện vật giá trị từ các con tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời, Công ty cũng đang tiến hành nhiều dự án có ích cho cộng đồng, cho địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi.
 
Trong nhiều năm làm công tác nghiên cứu, khảo cổ học dưới nước, hiện nay Công ty Đoàn Ánh Dương đang sở hữu hiện vật của 9 con tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam.
 
Tại nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể đang tiến hành trưng bày kho mở các hiện vật đặc sắc được khai quật, đấu giá và sưu tầm từ các con tàu đắm cổ. Trong đó, mỗi con tàu đều có những nét đặc trưng riêng từ trong cách tiếp cận khảo sát, khai quật và sưu tầm khẳng định được các giá trị di sản tàu đắm quan trọng và vai trò của Việt Nam trong con đường gốm sứ trên biển.
 
Hiện vật tàu đắm cổ Bình Thuận (thế kỷ XV): Năm 2007, toàn bộ hiện vật được Công ty sưu tầm từ các ngư dân trong khu vực của một con tàu đắm cổ ở độ sâu 62 mét tại Lagi (Bình Thuận). Hiện vật gốm trên tàu chủ yếu là dĩa, bình, chum,... men nâu đen và men xanh ngọc. Có thể thấy, chỉ cần nơi nào có giá trị về di sản tàu đắm trên vùng biển Việt Nam, công ty Đoàn Ánh Dương đều tạo điều kiện để tiếp cận và sưu tầm lại cổ vật tránh bị mất đi, thất lạc sang nước ngoài.
 
Hiện vật tàu đắm cổ Bình Thuận
Hiện vật tàu đắm cổ Bình Thuận

 

Hiện vật tàu đắm cổ Hà Tiên (Thế kỷ XVIII): Năm 1991, bà Võ Thị Hạnh Dung sưu tầm hiện vật từ các ngư dân trong vùng thương cảng Hà Tiên, thu được trên 200 hiện vật gồm nhiều loại (tượng Phúc, Lộc, Thọ, tranh, tượng khỉ, tượng hoa lá,… tất cả đều được làm bằng đá) và một ít súng thần công. Tất cả hiện vật này được Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh giám định là cổ vật ở thế kỷ XVIII. Tượng bằng đá rất đẹp, được chạm khắc trên đá rất tinh xảo mang nhiều ý nghĩa về tình mẫu tử như tượng khỉ ôm lấy con, hay hình ảnh Phúc Lộc Thọ đem đến sự thịnh vượng, may mắn và đủ đầy.
 
Hiện vật tàu đắm cổ Cà Mau (Thế kỷ XVIII): Đầu năm 2007, công ty Đoàn Ánh Dương sang Hà Lan trực tiếp tham gia phiên đấu giá tại Amsterdam để mua về 1.000 cổ vật niên đại thời nhà Thanh thế kỷ XVIII từ con tàu đắm ở Cà Mau. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, có một doanh nghiệp đi nước ngoài đấu giá cổ vật để mang về nước chứ không phải mang cổ vật ra nước ngoài để đấu giá. Hai ngư dân ở tỉnh Bình Thuận đã tình cờ phát hiện ra chiếc tàu này ở vị trí cách mũi Cà Mau 90 hải lý về phía Nam và được khai quật vào năm 1998-1999 bởi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hiện vật là chén ấm nước loại nhỏ men trắng xanh, nhìn rất bắt mắt. Chiếc tàu đắm là tàu chở hàng xuất phát từ Trung Quốc đang trên đường tới Hà Lan thì bị hỏa hoạn và chìm tại vùng biển Việt Nam.
 
Hiện vật tàu đắm cổ Cà Mau
Hiện vật tàu đắm cổ Cà Mau

Hiện vật tàu Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) (Thế kỷ XVII): Vào năm 1991, Bà Võ Thị Hạnh Dung sưu tầm từ các ngư dân địa phương gần 200 hiện vật. Tất cả hiện vật này được Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh giám định là cổ vật thế kỷ XVII. Hiện vật thu được chủ yếu là nắp ấm, chén, lọ nhỏ với men trắng mỏng, men xanh trắng.

Hiện vật của con tàu đắm cổ Bình Định (thế kỷ XIV). Hiện vật tại con tàu này chủ yếu là được Công ty Đoàn Ánh Dương sưu tầm từ ngư dân Bình Định vào năm 2006. Hiện vật này là gốm sứ thuộc thời Tống Nguyên (Trung Quốc) khoảng thế kỷ XIII – XIV. Chiếc tàu bị đắm là tàu buôn Trung Quốc đang trên tuyến hải hành Bắc Nam, bị đắm khoảng thế kỷ XIV. Men và loại hình khá đơn giản vì niên đại sản xuất khá sớm so với các loại gốm ở đây. Sự xuất hiện của gốm Trung Quốc trên vùng biển miền Trung thể hiện sự mua bán giao thương rộng rãi của Việt Nam với các nước trong khu vực.
 
Hiện vật của con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) (Thế kỷ XV): Đây chính là con tàu đầy giá trị đã mở ra bước ngoặc tìm thấy tinh hoa văn hóa Việt – gốm Chu Đậu. Năm 2003-2007, Công ty Đoàn Ánh Dương phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTT&DL Quảng Nam khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm. Kết quả khai quật đã thu được rất nhiều hiện vật quý giá nằm sâu dưới lòng đại dương suốt nhiều thế kỷ qua. Là một bằng chứng khoa học chứng minh rằng Việt Nam đã có những thành công rực rỡ trong việc giao thương xuất khẩu gốm sang các nước trong và ngoài khu vực. Số hiện vật thu được là 15.934 với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương), là đồ gốm thương mại nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ (thế kỷ XV). Gốm Chu Đậu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng 9 chữ vàng “Gốm Chu Đậu -Tinh hoa văn hóa Việt Nam” cũng bởi nét đẹp tinh tế, gần gủi và chân thực như chính vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam.
 
Hiện vật của con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam)
Hiện vật của con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

Hiện vật tàu đắm cổ Phú Quốc – Kiên Giang (Thế kỷ XIV): Con tàu này ở giáp biên giới Campuchia và Việt Nam, nằm trong Vịnh Thái Lan. Năm 2008, công ty Đoàn Ánh Dương đã tìm hiểu và sưu tập lại toàn bộ các hiện vật trên con tàu này từ ngư dân. Hiện vật thu được gồm có các loại gốm của Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, đồ dùng của thủy thủ đoàn. Nổi bật là sự xuất hiện của gốm Chu Đậu (Hải Dương) trên con tàu. Các loại gốm khá đặc sắc, nhiều hình dáng với men ngọc xanh trắng, súng thần công, chiêng và đồ vàng. Trên tàu chủ yếu là gốm cổ thời nhà Nguyên thuộc TK XIV, rất giá trị với nhiều hình dáng, dĩa cỡ lớn, khi gõ vào đồ gốm phát ra âm thanh rất đặc biệt. Ngoài ra, trên tàu còn có một cục cháy khá đặc biệt kết dính 3 loại gốm trên tàu là gốm men xanh ngọc (Trung Quốc), gốm Chu Đậu (Việt Nam) và Sê khok (Thái Lan).

Hiện vật tàu đắm cổ Hòn Dầm (Thế kỷ XV): Năm 1990, Bà Võ Thị Hạnh Dung sưu tầm từ các ngư dân địa phương hơn 400 hiện vật của con tàu đắm cổ này tại vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang. Hiện vật thu được chủ yếu là gốm của Thái Lan, xuất sứ từ lò gốm cổ Sanwankhalok có niên đại vào khoảng thế kỷ XV.
 
Hiện vật của con tàu đắm cổ Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi (thế kỷ XIII): Vào năm 2013, Công ty Đoàn Ánh Dương phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTT&DL Quảng Ngãi khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu. Là con tàu có niên đại cổ xưa nhất khoảng 700 năm tuổi và cũng là con tàu còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trên vùng biển Việt nam. Lần đầu tiên trên thế giới phương pháp khai quật đóng cọc cừ Larsen được Công ty Đoàn Ánh Dương thực hiện để làm đê vây quanh con tàu đắm, khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ, thu về gần 5000 hiện vật. Đây chính là cơ hội để giới thiệu văn hóa và con người của Quảng Ngãi cho du khách gần xa.
 
Hiện vật của con tàu đắm cổ Bình Châu
Hiện vật của con tàu đắm cổ Bình Châu

 

“Khám phá, thưởng ngoạn cổ vật từ các con tàu đắm là một cuộc du ngoạn về quá khứ để hình dung lại một thời vang bóng của “con đường gốm sứ trên biển”. Nó cho ta cảm nhận vẻ đẹp của gốm sứ, mở ra ý tưởng thành lập bảo tàng chuyên đề gốm sứ tầm cỡ quốc gia và minh chứng cho một tương lai tươi sáng của ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam. Có thể thấy việc khai quật những di tích tàu đắm cổ và di tích trong lòng biển được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam chứng minh cho việc đã từng có sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa, thương mại đường biển. Việc nghiên cứu, khai quật những con tàu cổ đem lại những tài liệu, hiện vật quý giá, phát triển ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam. Biển Việt Nam hiện còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa và những “bí ẩn” lịch sử, chờ đợi sự hợp tác sâu rộng hơn nữa của các cơ quan, tổ chức trong những năm tới” – ông Đoàn  Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đoàn Ánh Dương chia sẻ.
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top