Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 5 năm 2021 | 14:52

Khởi nghiệp, làm giàu từ nuôi bò quy mô lớn

Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lê Hoàng Sơn (27 tuổi), ở thôn 3, xã Hạ Long (Vân Đồn - Quảng Ninh), trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

1.jpg
Ông Lê Hoàng Sơn chăm sóc đàn bò của gia đình.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Sơn đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2016, tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Sơn trở về địa phương mang theo nhiệt huyết, khát vọng vươn lên của tuổi trẻ. Ngay sau đó, Sơn bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế cho riêng mình. Nhận thấy lợi thế đất vườn của gia đình phù hợp cho việc đầu tư nuôi bò quy mô lớn, anh đã mạnh dạn thực hiện.

Những ngày đầu khởi nghiệp, cũng như nhiều thanh niên khác, Sơn gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi. Nhưng với sự chịu khó, ham học hỏi, anh đã tự tìm hiểu các cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò khỏe mạnh, sinh sản tốt, nên nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Ban đầu, Sơn kiên trì chăm sóc đàn bò 17 con, sau đó dần mở rộng quy mô chăn nuôi với diện tích chuồng trại trên 600m2. Để thực hiện mô hình này, anh xây dựng khu chăn nuôi riêng, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Sơn chia sẻ: Khi bắt tay vào làm mô hình nuôi bò năm 2017, tôi gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm  chăn nuôi. Cũng tự nhận thấy bản thân cần phải có thời gian tích lũy kiến thức, tôi không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi bò có hiệu quả của bạn bè và áp dụng kiến thức đó vào mô hình của mình, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Đến nay, sau 4 năm khởi nghiệp, đàn bò của gia đình Sơn đã lên đến 60 con, mỗi năm xuất bán khoảng 15-20 con, thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài sử dụng chuồng trại trong chăn nuôi, Sơn còn áp dụng việc chăn thả bò tự nhiên ở những khu vực đất trống gần nhà, kết hợp cho ăn cám, nên bò luôn đảm bảo chất lượng, thịt thơm, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sơn luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh bệnh cho đàn bò, tiêm phòng đầy đủ và theo dõi, ghi chép lại quá trình sinh trưởng của bò, tìm hiểu về các loại bệnh mà bò sinh sản thường gặp, tiếp tục học hỏi từ những mô hình đã thành công...

“Tôi nghĩ, muốn làm gì thành công đều phải đặt tâm huyết vào đó. Cùng với đó là sự ham tìm hiểu, ham học hỏi; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với những người đã làm lâu năm. Dù mô hình chăn nuôi chỉ ở quy mô hộ gia đình, nhưng tôi hy vọng với những thành quả đến bây giờ, cũng là động lực để cổ vũ tinh thần cho nhiều thanh niên có ước mơ, hoài bão, muốn khởi nghiệp, làm giàu chính đáng tại nơi đây...”, Sơn chia sẻ về những kết quả đạt được.

Được biết, Sơn có dự định mở rộng diện tích, quy mô chăn nuôi để có thể phân loại từng khu vực chăn nuôi (khu vực chăn nuôi bò lấy thịt và khu chăn nuôi bò sinh sản). Từ đó, chủ động được nguồn con giống, đầu ra và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

 

 

Vân Anh
Ý kiến bạn đọc
Top