Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 11:30

Khởi nghiệp từ nuôi dúi

Sau hai năm khởi nghiệp, mô hình nuôi dúi của anh Lê Minh Chàng Cuối, 27 tuổi, ở thôn Bha Bhar, xã Hương Sơn (Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

khoi-nghiep.jpg
Mô hình nuôi dúi của anh Lê Minh Chàng Cuối bước đầu đem lại nhiều tín hiệu tích cực.

 

Từ cặp dúi bố mẹ, đến nay trang trại của anh Cuối đã có 20 cặp dúi giống và hơn 40 dúi con.

“Khi mới bắt đầu nuôi dúi, do tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên dúi thường bị chết. Sau nhiều lớp học và rút kinh nghiệm, hiện tại mình đã nắm được đặc điểm của dúi cũng như kỹ thuật chăn nuôi, trang trại của mình dần ổn định”, anh Cuối chia sẻ.

Anh Cuối là lao động chính trong nhà. Trước đây, công việc chính của anh là cạo mủ cao su và chăm sóc keo. Anh kể, năm 2013, anh đi bộ đội. Trong thời gian tại ngũ, anh được học kỹ thuật nuôi và chăm sóc gia súc, gia cầm, trồng rau... Sau 2 năm, anh xuất ngũ trở về địa phương và muốn tìm một công việc mới để trải nghiệm cũng như cải thiện thu nhập gia đình. Nhận thấy nhu cầu dúi thịt tại địa phương khá cao mà trong xã lại chưa có người cung cấp, anh tiên phong mở trang trại nuôi dúi thịt và bước đầu nhận được nhiều tín hiệu tích cực.

Theo anh Cuối, dúi con nuôi 6 - 7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt.

Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Nuôi khoảng 2 - 3 tháng là có thể đem bán làm con giống; dúi thương phẩm (sau 6 - 7 tháng) có thể đạt trọng lượng 1,2 - 1,5kg. Việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi vì người mua đến tận nơi, dúi thịt có giá 250.000 - 300.00đồng/kg, dúi giống 500.000 đồng/cặp.

Quy trình nuôi dúi khá đơn giản, chuồng trại không tốn nhiều diện tích. Chuồng nuôi dúi được thiết kế bằng gạch men hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 70cm, rộng 50cm, dài 50cm. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Thức ăn của dúi đơn giản và dễ kiếm như lá đót, bắp (ngô), sắn, tre… Điều cần lưu ý là, không để dúi ăn thức ăn đã hỏng, ẩm, mốc để phòng tránh dịch bệnh, nhất là bệnh đường ruột.

Anh Cuối cho biết, loài gặm nhấm này được xem là đặc sản của vùng núi, thịt dúi thơm, ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người dân thu mua và tiêu thụ. Ngoài ra anh còn cung cấp dúi giống và dúi thịt cho bà con trong xã, các xã lân cận và TP. Đà Nẵng.

Trong đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, anh Cuối bán được hơn 70 con dúi thịt. Bình quân anh thu lãi 55 - 65 triệu đồng từ mô hình này. Không những cải thiện đời sống, tăng thu nhập, đây còn là mô hình đang được người dân xã Hương Sơn quan tâm và học tập. Thời gian tới, anh Cuối dự định mở rộng diện tích chăn nuôi.

Theo chị Lê Thị Pi Ta, Bí thư Xã đoàn Hương Sơn, Lê Minh Chàng Cuối là đoàn viên trẻ tiêu biểu của xã. Trước đây, anh Cuối làm Bí thư Chi đoàn, luôn tích cực tham gia và đi đầu trong các phong trào tình nguyện tại địa phương. Anh Cuối còn chăm chỉ làm ăn, có ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong khó khăn. Mô hình nuôi dúi của anh dù mới được triển khai nhưng mang lại hiệu quả khả quan, đã được một số người dân trong xã học tập, làm theo.

 

 

Bạch Châu
Ý kiến bạn đọc
Top