Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 6 năm 2021 | 10:29

Khởi nghiệp từ nuôi lươn không bùn

Nhiều năm nay, nuôi lươn không bùn được nông dân huyện Long Hồ (Vĩnh Long) duy trì và phát triển bởi kỹ thuật nuôi đơn giản, đầu ra tương đối ổn định.

1.JPG
Sau thời gian đi làm ở Bình Dương, anh Duy quyết định về quê khởi nghiệp nuôi lươn không bùn.

 

Về quê khởi nghiệp nuôi lươn

Anh Trần Khánh Duy (ấp An Hiệp, xã Long An) quyết định về quê khởi nghiệp nuôi lươn không bùn. Anh Duy chia sẻ: “Lúc làm ở Bình Dương, tôi đã tìm hiểu kỹ mô hình này và có kế hoạch rõ ràng khi về quê khởi nghiệp”.

Năm 2020, khi bắt đầu xây bể chuẩn bị nuôi lươn, cũng vào thời điểm đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Hồ có chương trình hỗ trợ nông dân nuôi lươn không bùn, anh Duy nhận 1.000 con lươn giống về nuôi, cùng với đó còn được hỗ trợ 30% chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh; được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Long Hồ hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi lươn không bùn. Qua gần 1 năm nuôi, anh đầu tư nhân rộng lên 4.000 con và chuẩn bị xuất bán lứa đầu, dự kiến thu lời 70- 90 triệu đồng (tùy thời giá).

Mô hình nuôi lươn không bùn tuy không mới, nhưng đây là hướng khởi nghiệp khá an toàn, được nhiều người lựa chọn.

Trước đó, từng có người khởi nghiệp nuôi lươn khá thành công nhờ tận dụng sức mạnh công nghệ là anh Nguyễn Thanh Tân (ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước). Nhiều người còn nói vui: “Nó là con giảm nghèo của huyện”. Nuôi lươn không bùn là mô hình đơn giản, dễ thực hiện, người nuôi chọn chỗ đất trống thoáng, đào ao ngang 1,5m, dài 4m, sâu 1- 1,2m. Sau đó, dùng bạt nylon phủ xung quanh thành ao, lọc nước kỹ rồi chọn mua lươn giống khỏe mạnh thả vào.

Để lươn có chỗ trú ẩn, cần đặt các chùm dây nylon trong bể và phải thường xuyên thay toàn bộ nước, giúp lươn có môi trường sống sạch. Bình quân, mỗi ngày  thay nước 3 lần. Muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là phải bảo đảm nguồn con giống khỏe mạnh, có xuất xứ rõ ràng, không xây xát, kích cỡ đồng đều. Tiếp đến, nguồn nước dùng để nuôi lươn phải sạch, nếu nước bẩn, lươn dễ bị mắc bệnh và chết. Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện lươn bị bệnh, phải tách riêng ra xử lý, tránh để lây lan dễ bị chết hàng loạt.

Thu lãi 50%

Sau thời gian nuôi heo không hiệu quả, ông Võ Văn Năm (ấp Phước Yên A, xã Phú Quới) đã tận dụng diện tích chuồng trại trống chuyển sang làm bể thả nuôi lươn không bùn và đem lại kết quả khả quan, nếu tuân thủ đúng quy tắc “4 định” (định khối lượng thức ăn, định chất lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn) thì lươn rất nhanh lớn. Hiện, ông tiếp tục nhân thêm nhiều bể nuôi để phát triển kinh tế gia đình vì “ trừ chi phí, lời ít nhất 50%”, ông Năm nói.

 

2.JPG
Ông Nhọn chuyển diện tích chuồng heo bỏ trống sang nuôi lươn không bùn.

 

Nuôi heo và làm vườn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đang loay hoay không biết nuôi thêm con gì để tăng thu nhập cho gia đình thì ông Trà Văn Nhọn (ấp An Thạnh, xã An Bình) biết đến mô hình nuôi lươn không bùn thông qua người quen. Sau khi tìm hiểu thấy mô hình này dễ làm, phù hợp với điều kiện của gia đình, ông quyết định tận dụng diện tích chuồng trại đang bỏ trống chuyển sang làm bể nuôi lươn không bùn. “Bước đầu nuôi tui thấy khá đạt, đầu ra ổn định. Tui dự định tiếp tục nuôi thêm vài ngàn con nữa”, ông Nhọn cho hay.

Chi phí đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn không cao, đầu ra lại ổn định, nên đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Long Hồ có cả trăm hộ nuôi với số lượng hàng trăm ngàn con lươn. Sau thời gian nuôi 8-10 tháng, lươn đạt 250 - 300g/con là có thể xuất bán. Bình quân, với 1.000 con lươn, thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Song, hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như một số mặt hàng nông sản khác, giá lươn tuy có giảm nhưng vẫn đảm bảo cho nông dân có lời 20 - 25 triệu đồng/1.000 con.

Ông Hồ Thế Nhu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Hồ, cho biết: Phòng sẽ triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, cách chọn con giống, cách phòng trị bệnh và cách xử lý nước làm sao để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Để nhân rộng mô hình, với hộ thiếu vốn, Phòng sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ con giống. Đồng thời, dự kiến tập hợp thành tổ hợp tác nuôi lươn để nông dân đảm bảo chất lượng và sản lượng cung cấp cho các doanh nghiệp, siêu thị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

 

Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top