Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 10 năm 2020 | 14:39

Khôi phục sản xuất cây trồng bị ngập lụt, úng sau mưa lũ

Sau mưa lũ, cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển.

Xin giới thiệu biện pháp xử lý để hạn chế thấp nhất thiệt hại, kịp thời khôi phục sản xuất sau mưa bão.

 

t43.jpg
Vườn cây ăn trái bị ngập úng.

Đối với cây lâu năm

Nếu vườn cây đang ngập úng, tiến hành đào rãnh ngay, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước nhanh ra khỏi líp, hố và vườn cây.

Đối với vườn cây đã rút nước, cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; riêng hồ tiêu chỉ tiến hành phá váng khi đất tương đối khô để tránh lây lan bệnh chết nhanh và chết chậm, tiến hành rong tỉa cây che bóng, tránh việc để cây che bóng quá rậm trong mùa mưa.

Đối với vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn,... để tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Trước đó, nên phun thuốc nấm bệnh hạn chế thán thư, nấm khuẩn thân lá, cành, hoa, trái.

Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh của rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần giậm chặt, vun gốc, tưới thuốc trừ nấm như Nano bạc đồng, Nano đồng oxyclorua HLC, sau đó đổ gốc bộ đôi chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma bacillus & EM HLC đặc trị tuyến trùng để phục hồi hệ rễ và ngăn ngừa các bệnh về rễ.

Khi bộ rễ cây đã phục hồi mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.

Đối với cây hàng năm

Áp dụng tối đa mọi khả năng, biện pháp như mở cống hạ mức nước trên hệ thống tiêu; dỡ bỏ vật cản; khoanh vùng, bơm tát bằng bơm điện, bơm dầu, kể cả biện pháp thủ công… để tiêu nước triệt để càng nhanh càng tốt đối với diện tích lúa và cây màu đang giai đoạn gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch.

Đối với diện tích cây màu như ngô, lạc, đậu tương, khoai lang…, sau khi nước rút, cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ; kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Đối với diện tích rau đậu đã trồng như các loại bí, ớt, dưa chuột, hành tỏi, cà chua… sau khi nước rút 2-3 ngày, cần chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ… bằng các biện pháp sau:

- Vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, bị gãy; dựng cây nhẹ nhàng để hạn chế đứt rễ, nếu có điều kiện thì tủ thêm đất bột vào gốc để cây ra rễ mới; riêng các loại bí để nguyên hiện trạng, hạn chế tác động vào gốc rễ của cây.

- Pha phân lân loãng (khoảng 300g supelân/10 lít nước), có thể pha thêm các chế phẩm sinh học tưới vào gốc để cây nhanh phục hồi và khích thích ra rễ.

- Do bộ rễ cây còn yếu nên cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng,… theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

- Tưới gốc hoặc phun một số chế phẩm để phòng bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Vun xới khi cây đã phục hồi và đất đã khô ráo; kết hợp tưới phân loãng (khoảng 300g lân + 300g urê/10 lít nước); nồng độ phân tăng dần theo sự phục hồi của cây.

 

 

Nguyễn Quang
Ý kiến bạn đọc
Top