Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 5 năm 2020 | 22:34

Kiểm điểm trách nhiệm nhiều cá nhân, tập thể có liên quan vụ xe đất rừng

Mới đây, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh đã có kết luận về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà.

Theo đó, Kết luận số 2096/KL-UBND của UBND tỉnh đã nêu những tồn tại, sai phạm trong các quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng tại huyện Lâm Hà, trong đó những sai phạm tại huyện Lâm Hà như: Công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý.
 
Cụ thể, Ban quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Lâm Hà có 131/236 vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm; sai phạm về giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Nhà nước như không đúng đối tượng nhận giao khoán (43 hộ/22 hợp đồng); các đối tượng nhận khoán chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo các nghị định của Chính phủ.
 
Trong đó, tại thời điểm thanh tra trên địa bàn có 6 vụ lấn chiếm san ủi đất lâm nghiệp chưa được kiểm tra, xử lý (xã Phúc Thọ 4 vụ, xã Tân Thanh 2 vụ). Ngoài ra, hơn 30 ha rừng bị phá năm 2018 chưa được phát hiện, lập hồ sơ xử lý; 15,4 ha đất lâm nghiệp huyện Lâm Hà bị lấn chiếm để trồng cà phê và một số cây nông nghiệp khác.
 
Mặc dù UBND huyện Lâm Hà đã có văn bản về việc tạm ngừng giao khoán rừng nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (trước đây) vẫn tiếp tục ký kết, giao khoán 6 hợp đồng trên diện tích 55 ha đất cho các cá nhân (đều là viên chức của đơn vị) để trồng rừng, là không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Lâm Hà.
 
Đặc biệt, hai đơn xin nhận khoán đất lâm nghiệp tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (đơn của ông Kinh và ông Phan Hùng Phi) giả mạo chữ ký của ông Phạm Minh Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã và con dấu của UBND xã Phúc Thọ để nhận khoán…
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân sai phạm, tồn tại trên là do Hạt Kiểm lâm huyện, các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã chưa thực hiện đúng chức năng tham mưu, giúp UBND huyện Lâm Hà trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp và các dự án đầu tư liên quan đến rừng trên địa bàn, nên không kịp thời phát hiện các tồn tại, sai phạm để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.
 
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan cấp trên như các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về thủ tục, tiến độ đầu tư, quản lý bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, giao khoán rừng đất lâm nghiệp… chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện các tồn tại, sai phạm để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.
 
Lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với những tồn tại, sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với những tồn tại, sai phạm về quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai thuộc phạm vi quản lý.
hiện-trường-vụ-phá-rừng-tại-tiểu-khu-261b-địa-bàn-xã-nam-hà-huyện-lâm-hà.jpg
Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 261B, địa bàn xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm liên đới trong quản lý trước UBND tỉnh đối với những tồn tại, sai phạm phát hiện qua kiểm tra.
 
Từ kết quả thanh tra nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất; theo dõi, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện việc giải tỏa đối với 40,88 ha đất bị lấn chiếm tại dự án.
 
UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan. UBND huyện Lâm Hà tổ chức kiểm điểm đối với lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn về những tồn tại, sai phạm qua kiểm tra, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến các tồn tại; có văn bản đề nghị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lâm Hà kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc lấn, chiếm đất do các ban quản lý rừng quản lý để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp... và các trường hợp nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp nhưng không thực hiện đúng phương án và hợp đồng đã ký kết với ban quản lý rừng để xử lý theo quy định của Đảng…

Kết luận chỉ ra hàng loạt vi phạm liên quan vụ xẻ đất rừng xây khu sinh thái "chui"

Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, sở này đã tổ chức kiểm tra và có báo cáo kết luận ban đầu liên quan đến việc sử dụng đất rừng tại khoảnh 3a, Tiểu khu 132C, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc của ông Trần Huy Giáp.

Theo báo cáo, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, nội dung báo cáo của UBND huyện Can Lộc, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các Sở TN&MT, Sở Xây dựng; UBND huyện Can Lộc và Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất rừng của ông Trần Huy Giáp.

Tại đây, tổ công tác xác định tổng diện tích đất rừng ông Giáp được giao là 11,84ha (trong đó đã trồng rừng 6,24ha, 5,6ha chưa có rừng). Hiện số đất chưa có rừng ông Giáp đã san gạt, đào ao, đắp ao hồ, làm nhà.

Cụ thể, chủ rừng đã cải tạo, san gạt, xử lý thực bì để trồng xen kẽ cây ăn quả với diện tích 1,80ha, đồng thời trên hiện trạng khe suối có sẵn đã đắp bờ ngăn cách thành 3 ao hồ liền kề, tạo đường đi và trồng cây xung quanh ao với diện tích 0,65ha.

 

toàn-cảnh-khu-vực-rừng-bị-đào-xới-tạo-thành-vũng-ao-nước-sâu-tổ-chức-thi-công-xây-dựng-chưa-được-phép-của-cơ-quan-chức-năng.jpg
Toàn cảnh khu vực rừng bị đào xới, tạo thành vũng ao nước sâu, tổ chức thi công xây dựng chưa được phép của cơ quan chức năng. (Nguồn: HOÀI NAM - tienphong) 

Ngoài ra, chủ rừng còn xây 1 căn nhà bằng gạch không nung, tường cao khoảng 2,5m, lợp mái ngói, diện tích xây dựng 156m2; làm mái che xung quanh nhà (đã làm khung, chưa lợp) diện tích 266 m2.

Cơ quan chức năng cũng xác định, ngoài diện tích đất rừng được giao, tại khu vực san lấp tiếp giáp hồ Trại Tiểu, ông Giáp còn xây 2 bồn trồng hoa, 2 chòi hình tròn 1 cột, lợp tranh tro với diện tích 0,16 ha.

Sau khi kiểm tra hiện trạng, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh kết luận, việc ông Trần Huy Giáp xây dựng các công trình, đào, bới, đắp ao hồ, ngăn dòng chảy tự nhiên trên đất lâm nghiệp (đất chưa có rừng), quy hoạch sản xuất khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật về Luật Đất đại, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng và Luật Thủy lợi. Còn về giải quyết vụ việc trên, Sở NN&PTNT nêu, vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND huyện Can Lộc.

Trên cơ sở ý kiến của các sở, ban ngành và kết luận kiểm tra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Việt đề nghị UBND huyện Can Lộc ban hành Quyết định đình chỉ các hoạt động vi phạm trên đối với chủ rừng là ông Trần Huy Giáp theo quy định pháp luật. Chỉ đạo đoàn liên ngành huyện tiếp tục kiểm tra, xác minh và làm rõ các vi phạm, hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Ngoài ra, chỉ đạo các phòng, ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc đình chỉ các hoạt động liên quan đến việc sử dụng đất của ông Giáp.“Tuyệt đối không để phát sinh thêm sai phạm, hướng dẫn ông Giáp quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đúng theo quy định pháp luật”, báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh ghi rõ.Trước đó, Tiền Phong phản ánh việc chủ rừng là ông Trần Huy Giáp tự ý đưa máy lên đào ao, xây nhà trên đất lâm nghiệp tại thôn Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc) dù đang trong quá trình chuyển đổi, xin giấy phép.

Theo tìm hiểu, phía chủ rừng đang làm thủ tục xin đầu tư xây dựng phát triển du lịch theo đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái Cửa Thờ Trại Tiểu nhưng chưa được các cấp thẩm quyền chấp thuận. Việc xây dựng nhà, san đất đào ao trên đất lâm nghiệp đã bị lực lượng Kiểm lâm lập biên bản đình chỉ hai lần, tuy nhiên sau đó chủ rừng vẫn tiếp tục cho thi công.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc thành lập đã có đợt kiểm tra, xác minh việc khai thác, vận chuyển đất

Tổ công tác do Công an tỉnh Vĩnh Phúc thành lập đã có đợt kiểm tra, xác minh việc khai thác, vận chuyển đất san lấp và thay đổi hiện trạng đất tại núi Đinh, núi Đúng (xã Kim Long, huyện Tam Dương). Biên bản xác minh thể hiện không có việc khai thác đất tại khu vực này.

Liên quan đến nội dung trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 2631/UBND-NN4 ngày 10/4/2020 giao Công an tỉnh chủ trì cùng với Sở TN&MT, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND TP Vĩnh Yên, UBND huyện Bình Xuyên, Tam Dương vào cuộc xác minh, làm rõ.

Bên cạnh đó, văn bản số 2631 cũng giao Sở TN&MT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất ngay với UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết dứt điểm vướng mắc khi thực hiện thu hồi diện tích đất của Công ty TNHH Kim Long trước ngày 17/4/2020.

Tại Biên bản xác minh thực địa khu vực núi Đinh, núi Đúng vào ngày 27/4/2020 của Công an tỉnh Vĩnh Phúc do ông Phạm Văn Minh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường làm Tổ trưởng cho thấy, khu vực núi Đinh, núi Đúng xã Kim Long, huyện Tam Dương được UBND huyện Tam Dương giao đất trồng rừng cho ông Đường Ngọc Sơn, trú tại thôn số 8, xã Kim Long, huyện Tam Dương với tổng diện tích 37,7ha.

 

biên-bản-xác-minh-thực-địa-khu-vực-núi-đinh-núi-đúng.jpg
Biên bản xác minh thực địa khu vực núi Đinh, núi Đúng (Nguồn: Lê Trang - PLVN)

Trong đó, 20ha tại khu vực núi Đinh đã được UBND huyện Tam Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đường Ngọc Sơn ngày 11/5/1999. Sau đó, ông Sơn đã chuyển nhượng cho một cá nhân khác với diện tích 12ha.

Khu vực núi Đúng, UBND huyện Tam Dương đã cấp GCN QSDĐ cho hộ ông Đường Ngọc Sơn ngày 19/1/2004 với diện tích 17ha.

Tại thời điểm kiểm tra của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực núi Đinh không có hoạt động khai thác, vận chuyển đất ra ngoài. Trên núi có một đường đất chiều rộng khoảng 5m, chiều dài khoảng 3km chạy từ chân núi lên đỉnh núi. Phía trên núi có xây 3 bể chứa nước.

Theo báo cáo của ông Sơn thì việc làm đường và xây bể nước nhằm thuận tiện cho phương tiện đi lại và dùng nước tưới cây do trên núi không có hồ chứa. Khu vực lưng chừng núi (phía sau khu Liên hiệp thể thao tỉnh) có hiện tượng đào, san gạt khoảng 1.000m2 đất đồi từ trước.

 

biên-bản-xác-minh-thực-địa-khu-vực-núi-đinh-núi-đúng-1.jpg

Khu vực núi Đúng, thời điểm kiểm tra không có hoạt động khai thác, san gạt đất. Dưới chân núi Đúng, chủ cơ sở là ông Đường Ngọc Sơn xây dựng 2 sân bóng đá có diện tích 10.000m2 và xây dựng 1 dãy nhà cấp 4 có diện tích khoảng 200m2 dùng để sinh hoạt hàng ngày.

Quá trình kiểm tra, Tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ông Đường Ngọc Sơn – Chủ cơ sở làm tốt công tác quản lý đất đai đã được nhà nước giao đất để trồng rừng, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về Luật khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng. Không hoạt động khai thác, vận chuyển, san gạt đất làm thay đổi, biến dạng địa hình tại khu vực núi Đinh, núi Đúng xã Kim Long, huyện Tam Dương.

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top