Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nói riêng đang được tạo điều kiện thông qua các chính sách và giải pháp để ứng phó vượt qua đại dịch Covid-19.
Hỗ trợ cơ chế
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cộng đồng doanh nghiệp BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch Covid-19, thông qua 4 kiến nghị sau:
Thứ nhất, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm trình UBND TP. Hồ Chí Minh “ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố” theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình tại Văn bản số 382/TB-VP ngày 12/05/2021 thông qua bốn bước:
Bước một, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
Bước hai, Sở Quy hoạch và Kiến trúc hoặc UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện thủ tục “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng” dự án nhà ở thương mại đã có văn bản “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020;
Bước ba, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục giao thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định của Luật Đất đai 2013;
Bước bốn, Sở Xây dựng thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thực hiện song song thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất và thông báo để chủ đầu tư thực hiện.
Thứ hai, đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc sớm trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành “Quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập” theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình tại Văn bản số 126/TB-VP ngày 11/03/2021.
Thứ ba, đề nghị UBND thành phố hỗ trợ doanh nghiệp BĐS khai thác nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Hiện nay, có doanh nghiệp BĐS thông qua một trong 31 đơn vị đầu mối được Chính phủ cho phép nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 để đảm bảo chất lượng và an toàn. Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh đàm phán nhập khẩu 500.000 liều vaccine Spunik V (CHLB Nga), Công ty TNHH Địa ốc Thành Phố (City Land) đàm phán nhập khẩu 2.000.000 liều vaccine Moderna (Hoa Kỳ). Hiệp hội đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp BĐS để sớm khai thác được nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, đáp ứng một phần nhu cầu chủng ngừa vaccine cho nhân dân thành phố và người lao động của doanh nghiệp.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ “ách tắc” về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư.
Hỗ trợ về chính sách thuế
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm lệ phí trước bạ,… nhằm giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì sản xuất kinh doanh.
Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ. Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ gồm: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn các cấp ở Trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; Quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định, các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận.
Đối với hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.