UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, quy trình “đặc thù” nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án tái định cư, chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền.
Cụ thể, UBND thành phố kiến nghị chấp thuận cho thành phố chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mặt khác, cho thành phố chủ động ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận cũng như ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch.
Đồng thời, hướng dẫn về nội dung và trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên cả nước và hướng dẫn xử lý đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được duyệt trước khi có Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho UBND TP. Hồ Chí Minh được phê duyệt Khung chính sách cho tất cả các trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài (ODA) chỉ thực hiện thu hồi đất trên địa bàn. Hướng dẫn thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với tài sản công.
Dự kiến, cơ chế, quy trình “đặc thù” rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố được xác định trong 3 khung thời gian.
Đầu tiên, tối đa 240 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để hoàn thành việc ban hành 5 loại quyết định trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khung thứ hai, tối đa 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khung thứ ba là khi hoàn thành việc thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Nếu 100% người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thì sớm nhất là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất. Nếu có dưới 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 60 ngày và chậm nhất là 120 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Nếu có trên 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 120 ngày và chậm nhất là 180 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thì phải tính thêm quỹ thời gian trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.