Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 11:58

Làm giàu từ trồng hoa, cây cảnh

Từ nhiều năm qua, anh Nguyễn Quang Huy ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường - Nam Định) được nhiều người biết đến bởi biết chuyển đam mê trồng và chăm sóc cây cảnh thành nghề làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.

Từ đam mê trở thành nghề

Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần - 2022, vườn cây nhà anh Huy đón khá đông người đến chọn và mua cây. Để có được khu vườn trên 400m2 trồng các loại cây có giá trị như hiện nay, anh Huy đã có trên 30 năm gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề trồng cây cảnh, cả tuổi thơ của anh Huy là những ngày theo bố trồng, uốn cây, “máu” chơi cây dần ngấm vào người.

Sau khi đi học nghề từ một nghệ nhân ở huyện Hải Hậu, anh cải tạo vườn nhà, mua thêm đất để vừa mua bán, vừa sưu tầm, trồng cây phôi và cây trưởng thành.

 

anh-nguyễn-quang-huy-ở-thôn-xuân-dục-xã-xuân-ninh-xuân-trường-chăm-sóc-cây-cảnh-vườn-nhà.jpg
Anh Nguyễn Quang Huy ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) chăm sóc cây cảnh vườn nhà.

 

Thời gian đầu vốn ít, anh chủ yếu trồng một số loại sanh, si tầm trung với phương châm lấy công làm lãi. Anh thường xuyên về các xã Nam Điền (Nam Trực) và một số xã ở huyện Hải Hậu, một số địa phương trong tỉnh để tìm mua cây và học hỏi  bí quyết trồng và nghệ thuật bon sai. Được giao lưu, tiếp cận với các nhà vườn nổi tiếng, anh mạnh dạn tạo cây cảnh những dáng, thế, hình thù khác nhau, từ dáng long, trực, phượng, vũ, song thu, tam đa… đến những thế phóng khoáng, hiện đại.

Theo anh, hiện tại, người mua cây không nhất thiết phải tìm mua được cây đúng thế, nhất là với xu hướng của người trẻ hiện nay, thế cây không phải một tiêu chí mà là sự cảm nhận riêng của mỗi người. Có những cây, hợp gu với khách sẽ được trả giá rất cao, có cây chính bản thân anh cũng không cảm nhận được theo sự “phiêu” của người trẻ… Tuy không theo thế cổ, nhưng người uốn cây vẫn phải theo những quy định chung để dựa trên phương diện đó tạo thành một cây hoàn thiện. Và để có thể thổi vào “hồn” cây màu sắc tươi mới, người trồng hoa, cây cảnh chẳng hề nhàn, thậm chí “ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc thì tỉ mẩn như nuôi con mọn”.

Anh cho biết: “Từ những cây sanh, cây si tưởng chừng như vô tri, vô giác, để tạo thành một bon sai có thế, có hồn và có giá trị đòi hỏi người trồng, người cắt tỉa phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ cùng niềm đam mê, chất nghệ thuật. Cùng với đó, người làm nghề cũng cần kịp thời nắm bắt công nghệ, xu hướng tiêu dùng theo thời gian, từng độ tuổi để tư vấn, tiếp thị người chơi”.

Hiện tại, bên cạnh các loại cây truyền thống, vườn cây của anh khá đa dạng, với nhiều loại cây hợp với thị hiếu của người dân như mẫu đơn, nhài, trà… cùng các loại cây công trình như: xoài, mít, hồng, chay, vam, cậy, vú sữa, trứng gà…

Từ yêu cây và gắn bó với cây cảnh, anh Huy không chỉ khám phá ra vẻ đẹp của cây cảnh, mà nhờ đó còn mang lại kinh tế cho gia đình.

Sở hữu tiền tỷ

Gia đình anh Huy hiện có hàng trăm cây cảnh có giá trị kinh tế, từ vài triệu đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, nghề trồng hoa, cây cảnh của anh cũng trải qua nhiều thăng trầm, thách thức, nhất là thời điểm năm 2012-2015, thị trường hoa, cây cảnh bão hòa, giá cây cảnh xuống thấp, có lúc anh nghĩ phải bỏ nghề. Và rồi khó khăn cũng qua, khi thị trường hoa, cây cảnh bắt đầu khởi sắc từ khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình anh tiếp tục phát triển nghề, mở rộng diện tích trồng cả cây phôi, cây trưởng thành và cây kinh doanh. Anh đã có nhiều tác phẩm cây cảnh, cây bonsai tham gia trưng bày tại các triển lãm, các hội thi trong huyện.

Năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi phát triển kinh tế, hiện tại mô hình trồng hoa, cây cảnh của anh Huy đã cho thu nhập trung bình mỗi năm từ 500-700 triệu đồng, là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Hồng Minh
Ý kiến bạn đọc
Top